Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thủy Lợi Cho Thủy Sản Chậm Còn Hơn Không

Thủy Lợi Cho Thủy Sản Chậm Còn Hơn Không
Ngày đăng: 17/06/2014

Việc xây dựng hệ thống thủy lợi riêng cho ngành Thủy sản, ngành có nhiều khả năng sẽ mang về khoảng 7 tỷ USD trong năm nay là một quyết định tuy hơi muộn nhưng chứng tỏ các nhà quản lý đã đánh giá đúng vai trò của thủy sản nuôi trong nền kinh tế.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, lâu nay, hệ thống thủy lợi được thiết kế chỉ để phục vụ cây lúa nên chỉ có một kênh dẫn nước vào ruộng. Trong khi đó, ao nuôi trồng thủy sản bắt buộc phải có hệ thống hai kênh mương gồm một kênh lấy nước nước sạch vào và một kênh dẫn nước từ ao nuôi (thường mang theo mầm bệnh) ra khu vực xử lý.

Dùng chung nguồn nước, dịch bệnh gia tăng

Những năm qua, do không có hệ thống thủy lợi riêng nên người nuôi trồng thủy sản phải sự dụng kênh mương dẫn nước cho cây lúa để lấy nước vào ao và thải nước ra trong suốt quá trình nuôi. Vì thế, nếu một ao nuôi trồng thủy sản bị nhiễm bệnh, ngay sau đó, bệnh sẽ lây lan nhanh sang các ao khác do phải dùng chung một nguồn dẫn nước. Kết quả khiến cả một vùng nuôi bị nhiễm bệnh, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.

Một trong những địa phương thường xuyên bị dịch bệnh trên tôm là Sóc Trăng. Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ nhiệm Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), do tỉnh nằm ở hạ nguồn sông Hậu, gần biển nên thích hợp với nuôi tôm, nhưng nguồn nước bị nhiễm bẩn từ các hoạt động về nông nghiệp, công nghiệp của các địa phương ở đầu nguồn. Thêm nữa, do chưa có hệ thống thủy lợi riêng cho nuôi trồng thủy sản nên mỗi khi có dịch bệnh, tốc độ lây lan giữa các hộ nuôi rất nhanh.

Hiện các thành viên Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh đang thả nuôi hơn 2.200 héc ta theo quy mô công nghiệp, cách đây 2 năm đa phần nuôi tôm sú nhưng do dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là hội chứng tôm chết sớm, nên hiện nay các hội viên chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên khoảng 90% diện tích ao nuôi. Theo ông Nhiệm, nếu như có dịch bệnh, người nuôi vẫn có thể thu hoạch tôm thẻ chân trắng sau 45 ngày nuôi, trong khi tôm sú ở khoảng thời gian này không thể thu hoạch.

Chưa được quan tâm đúng mức

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từng lưu ý xuất khẩu thủy sản mỗi năm đạt trên 6 tỷ USD nhưng đầu tư cho thủy lợi để phục vụ thủy sản không nhiều. Hậu quả, những năm qua, người dân và doanh nghiệp nhiều lúc phải chịu thiệt hại do dịch bệnh mà nguyên nhân chính là do thủy lợi cho thủy sản hầu như không được đầu tư thích đáng.

Do lo ngại dịch bệnh khi nuôi tập trung nên thời gian qua nhiều hộ dân ở ĐBSCL chuyển đào ao nuôi tôm (dạng tự phát) ở khắp mọi nơi, tránh xa vùng nuôi tôm tập trung, thậm chí người dân còn dẫn nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, khi ngành Thủy sản bắt đầu được các tỉnh đầu tư nuôi trồng, viện đã có những nghiên cứu về hệ thống thủy lợi phục vụ riêng cho nuôi trồng thủy sản, có cả quy hoạch mặn, ngọt và đã được phê duyệt nhưng không triển khai được vì thiếu vốn.

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho biết trong năm 2013, số tiền đầu tư cho nông nghiệp là gần 6.560 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho thủy lợi là hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là phần lớn việc đầu tư lại hướng vào cho các dự án thủy lợi nông nghiệp, dự án giảm nhẹ thiên tai còn đầu tư cho thủy sản chỉ có 243 tỷ đồng.

Số tiền này cũng chủ yếu là đầu tư phát triển cảng cá, Trung tâm huấn luyện nghề khai thác hải sản, dịch vụ nghề cá chứ không có đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi riêng cho nuôi trồng thủy sản.

Những tỉnh ĐBSCL có đầu tư lớn cho thủy lợi như Sóc Trăng với khoảng 60 tỷ đồng/năm, hay Cà Mau khoảng trên 100 tỷ đồng/năm nhưng chủ yếu cũng là để cải tạo những công trình thủy lợi hiện có chứ không phải để phát triển hệ thống thủy lợi cho ngành Thủy sản.

Quyết định cần thiết

Tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản Việt Nam rất lớn, hiệu quả sản xuất cao, nhiều vùng đã được xây dựng thành khu vực nuôi trồng tập trung. Tuy nhiên, có thể nói thủy lợi chưa theo kịp sự phát triển ngày nhanh của thủy sản.

Cách đây 2 năm, một số doanh nghiệp thủy sản chờ mãi không thấy những thay đổi nào từ các nhà quản lý đã mạnh dạn đề nghị được tự bỏ tiền ra đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi cho thủy sản một số địa phương, sau đó, Nhà nước sẽ hoàn vốn lại cho doanh nghiệp, nhưng mọi việc cũng dừng lại ở đề nghị.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do dịch bệnh thủy sản, đặc biệt bệnh trên tôm bùng phát ngày càng nhiều, tốc độ lây lan ra cả vùng nuôi chỉ trong một thời gian ngắn, khiến người nuôi tôm bị thiệt hại lớn, lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Từ thực tế đó, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL về phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành Thủy lợi”, với mục tiêu nâng cao hiệu quả ngành Thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đặc biệt, Đề án đã nhấn mạnh việc cần nhanh chóng đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ vùng thâm canh nuôi trồng thủy sản với đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng…) ở ĐBSCL, các khu vực ven biển Trung Bộ.

Trong đó, yêu cầu ngành Thủy lợi các tỉnh này phải đầu tư hạ tầng để lấy nước chủ động (mặn, ngọt) cho các ao nuôi thủy sản, kết hợp với phương pháp nuôi tiết kiệm nước và xử lý nước, đảm bảo môi trường nước cho các khu vực nuôi thủy sản tập trung theo quy mô công nghiệp.

Như vậy, sau nhiều năm, những nhà làm quy hoạch cũng đã bắt đầu coi trọng việc xây dựng hệ thống thủy lợi riêng cho ngành thủy sản, ngành có nhiều khả năng sẽ mang về khoảng 7 tỷ USD trong năm nay. Đây là một quyết định tuy có hơi muộn nhưng ở một khía cạnh nào đó chứng tỏ các nhà quản lý đã đánh giá đúng vai trò của thủy sản nuôi trong nền kinh tế.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả trong công tác phối hợp kiểm dịch giống thủy sản Hiệu quả trong công tác phối hợp kiểm dịch giống thủy sản

Bên cạnh các yếu tố về môi trường, thời tiết ảnh hưởng đến tình hình thả nuôi thủy sản (tôm sú và thẻ chân trắng), thì vai trò giống thủy sản là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công trong mỗi vụ nuôi. Vì vậy việc đảm bảo con giống đạt chất lượng (qua kiểm dịch) đến tay người nuôi luôn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đặc biệt quan tâm.

16/07/2015
Cá ruội Cô Tô Cá ruội Cô Tô

Cô Tô (Quảng Ninh) được thiên nhiên ưu đãi với ngư trường đánh bắt thuận lợi, sản lượng hải sản khá dồi dào, trong đó có loài cá ruội. Sản phẩm cá ruội khô được chế biến trong điều kiện nguyên liệu tươi, với bàn tay khéo léo và lành nghề của người dân địa phương, trong điều kiện tự nhiên về nắng gió, không khí trong lành của biển đảo nên có hương vị đặc biệt.

16/07/2015
Xuất khẩu cua ghẹ sang Australia tăng 236,5% trong tháng 5 Xuất khẩu cua ghẹ sang Australia tăng 236,5% trong tháng 5

Trong cơ cấu thị trường XK, Australia chỉ chiếm 2,4% nhưng XK sang thị trường này năm nay tăng rất nhanh. Theo thống kê của Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, XK cua ghẹ từ Việt Nam sang Australia đạt 889 nghìn USD, tăng 185% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 5, XK cua ghẹ sang Australia tăng 236,5%.

16/07/2015
Xốc lại ngành chăn nuôi Xốc lại ngành chăn nuôi

Áp lực hội nhập quốc tế đang đến rất gần, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết khiến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát rốt ráo chỉ đạo tìm giải pháp xốc lại ngành chăn nuôi - lĩnh vực được xem là có sức cạnh tranh kém nhất trong nông nghiệp.

16/07/2015
Băn khoăn thịt gia cầm ngoại Băn khoăn thịt gia cầm ngoại

Mặc dù chưa chính thức tham gia vào các hiệp định về tự do hóa thương mại để nông sản của các nước có thể trao đổi, xuất và nhập khẩu vào thị trường chung với thuế suất thấp nhưng thịt gia cầm châu Âu và Mỹ đã có mặt ở khắp thị trường Việt Nam với giá còn rẻ hơn cả ở nơi xuất đi…

16/07/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.