Sản Xuất Lúa Hàng Hóa Gắn Với Thị Trường

Đó chính là mục tiêu mà ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ đang từng bước định hướng người dân triển khai thực hiện trên cơ sở phát huy tính hiệu quả tích cực của mô hình cánh đồng lớn (CĐL) tại địa phương.
Qua 3 năm triển khai xây dựng, cánh đồng mẫu lớn, nay là CĐL thị trấn Long Mỹ thuộc huyện Long Mỹ dần phát huy hiệu quả, giúp bà con nông dân tham gia vào mô hình đạt được nhiều lợi ích thiết thực trong quá trình sản xuất lúa hàng hóa.
Đột phá từ khâu giống
Ở giai đoạn đầu canh tác của vụ Đông xuân, vụ lúa chính trong năm, hầu hết nhà nông trên khu vực CĐL thị trấn Long Mỹ luôn tranh thủ thời gian chăm sóc cho ruộng lúa của gia đình mình đạt năng suất cao nhất.
Hướng mắt ra trà lúa xanh mơn mởn hơn 20 ngày tuổi phất phơ dưới làn gió mát, ông Phan Văn Út, ở ấp 6, thị trấn Long Mỹ, cho biết: “Từ ngày tham gia CĐL, người dân nơi đây bắt đầu thụ hưởng hệ thống bờ bao khép kín, với việc tưới tiêu chủ động bằng trạm bơm điện. Cho nên, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí gieo sạ đáng kể mà còn điều tiết được lượng nước, chống ngập úng gây chết giống buộc phải cấy, giặm vất vả như trước nữa”.
Anh Phạm Hoàng Khanh, Cán bộ Bảo vệ thực vật thị trấn Long Mỹ, thông tin: Ngoài tập trung đầu tư hạ tầng đê bao đồng bộ thì công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân cũng được lực lượng chuyên môn thị trấn, huyện, cùng các doanh nghiệp tham gia thực hiện mạnh mẽ.
Trước hết là khâu khuyến cáo nhà nông chọn lựa giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” nhằm góp phần tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Theo đó, vụ Đông xuân này, hầu hết diện tích trong CĐL đều được người dân gieo sạ đồng loạt với một số giống lúa chủ lực như OM 5451, OM 4900. Đáng kể là 3 năm qua, CĐL không bị bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng.
Tham gia vào CĐL thị trấn Long Mỹ ngay từ những ngày đầu triển khai xây dựng mô hình cách đây khoảng 3 năm, anh Tào Quốc Sỹ, ở ấp 6, cho rằng: “Giờ khác xưa rồi! Trước mỗi vụ lúa, nhà nông chúng tôi đều chủ động làm đất bằng phẳng, vệ sinh đồng ruộng cẩn thận nhằm cách ly mầm bệnh.
Nhất là tìm kiếm những loại giống chất lượng, cấp xác nhận trở lên nhưng phù hợp với điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết ở từng mùa vụ để gieo sạ”. Vì thế, liên tiếp những vụ lúa vừa qua, kể cả vụ Đông xuân này, anh Sỹ đều sử dụng giống OM 5451 canh tác cho 4 công đất ruộng của gia đình mình nằm trong khu vực CĐL tại địa phương.
Tín hiệu vui
Mở màn vụ Đông xuân 2014-2015, hộ ông Nguyễn Văn Chừ, ở ấp 4, thị trấn Long Mỹ cảm thấy vững tin hơn với mô hình CĐL. Bởi kết thúc mùa lúa Thu đông vừa rồi, 11 công ruộng gieo sạ giống OM 5451 nằm trong CĐL đã mang về cho gia đình ông khoản lợi nhuận hàng chục triệu đồng.
Theo ông Chừ, được vậy là nhờ quá trình canh tác lúa ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Khi mà khâu tưới tiêu, chống ngập úng do mưa lũ đều được tổ, đội phụ trách trạm bơm điện lo liệu hết. Riêng, khâu bón phân, phun xịt chỉ thực hiện khi cần thiết. Thế mà năng suất lúa vẫn đạt gần 700 kg/công, cao hơn cả trăm ký lúa so với các khu vực khác ngoài CĐL. Như thế, nhà nông mới có thể khấm khá lên được.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, CĐL thị trấn Long Mỹ đã đạt 4 trong tổng số 6 tiêu chí quy định. Còn lại 2 tiêu chí chưa đạt, khiến người dân hoài nghi về tính hiệu quả tích cực của mô hình. Đó là vấn đề tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp khép kín từ đầu vào cho đến thu mua sản phẩm cuối vụ.
Theo Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, khâu bao tiêu đạt thấp là do người dân chưa quen với việc ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, chưa kể là diện tích bình quân của từng hộ khá nhỏ. Do đó, thời gian tới, bên cạnh giữ vai trò cầu nối, ngành chuyên môn của huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của mối liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn.
Một tín hiệu vui đối với bà con tham gia canh tác trong CĐL của huyện Long Mỹ là vụ Đông xuân này, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Công ty Giống cây trồng Miền Nam tiếp tục tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa với các giống có phẩm chất gạo tốt như OM 5451 và phải được cắt bằng máy gặt đập liên hợp để đảm bảo ẩm độ theo yêu cầu.
Ông Lê Hoàng Thái, Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cho hay: Theo ghi nhận bước đầu, cả 2 doanh nghiệp kể trên sẽ bao tiêu trên 260ha và hỗ trợ giống cho bà con với giá phù hợp, khi thu hoạch mới hoàn trả tiền. Số diện tích còn lại dự kiến sẽ do HTX trong CĐL thị trấn Long Mỹ thu mua…
Tổng diện tích CĐL Long Mỹ là 345,8ha nằm trên địa bàn ấp 4 và 6 thuộc thị trấn, có 455 hộ tham gia. Đây là một trong số 5 CĐL hiện hữu trong toàn tỉnh.
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1834AD/San_xuat_lua_hang_hoa_gan_voi_thi_truong.aspx
Có thể bạn quan tâm

Theo lập luận của VSSA, ở vụ 2014-2015, dự báo tổng nguồn cung đường sẽ là 2 triệu tấn. Con số này chưa kể số NK không chính thức và nhập lậu mà ngành đường đang phải chống chọi rất vất vả. Trong khi đó, mức tiêu thụ năm 2015 sẽ rơi vào khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Như vậy, cả nước sẽ dư thừa trên 600.000 tấn đường. Dư thừa sẽ dẫn đến giảm giá đường. Giảm giá sẽ dẫn đến giảm giá thu mua mía của bà con nông dân.

Những ngày qua, giá lúa IR50404 tại tại một số huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp được nông dân bán tại ruộng dao động ở mức 4.000 - 4.300 đồng/kg, lúa chất lượng cao 4.400 - 4.500 đồng/kg, lúa thơm 4.700 - 4.750 đồng/kg. So với vụ Thu Đông 2014 vừa qua, bình quân giá lúa các loại giảm từ 600 - 700 đồng/kg và thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái từ 500 - 600 đồng/kg.

Đơn cử như Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác vốn vay và Quỹ hỗ trợ nông dân cho 45 cán bộ hội nông dân của các huyện, thị xã; đồng thời, kiểm tra công tác nhận ủy thác của các cơ sở hội và tổ tiết kiệm vay vốn.

Huyện Đắk Song hiện có gần 5.700 ha hồ tiêu, sản lượng vụ 2014 - 2015 ước đạt 7.430 tấn. Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của địa phương và nhiều hộ dân đã phát triển kinh tế khá, giàu nhờ cây trồng này. Chính vì thế, việc phát triển cây hồ tiêu bền vững để đưa kinh tế của địa phương phát triển là điều mà chính quyền huyện Đắk Song đã và đang triển khai mạnh mẽ.

Ngành nghề nông thôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là với tỉnh ta trên 83% dân số sống bằng nghề nông. Càng ý nghĩa hơn khi cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đa dạng hóa ngành nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập.