Thủy Lợi Cho Thủy Sản Chậm Còn Hơn Không
Việc xây dựng hệ thống thủy lợi riêng cho ngành Thủy sản, ngành có nhiều khả năng sẽ mang về khoảng 7 tỷ USD trong năm nay là một quyết định tuy hơi muộn nhưng chứng tỏ các nhà quản lý đã đánh giá đúng vai trò của thủy sản nuôi trong nền kinh tế.
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, lâu nay, hệ thống thủy lợi được thiết kế chỉ để phục vụ cây lúa nên chỉ có một kênh dẫn nước vào ruộng. Trong khi đó, ao nuôi trồng thủy sản bắt buộc phải có hệ thống hai kênh mương gồm một kênh lấy nước nước sạch vào và một kênh dẫn nước từ ao nuôi (thường mang theo mầm bệnh) ra khu vực xử lý.
Dùng chung nguồn nước, dịch bệnh gia tăng
Những năm qua, do không có hệ thống thủy lợi riêng nên người nuôi trồng thủy sản phải sự dụng kênh mương dẫn nước cho cây lúa để lấy nước vào ao và thải nước ra trong suốt quá trình nuôi. Vì thế, nếu một ao nuôi trồng thủy sản bị nhiễm bệnh, ngay sau đó, bệnh sẽ lây lan nhanh sang các ao khác do phải dùng chung một nguồn dẫn nước. Kết quả khiến cả một vùng nuôi bị nhiễm bệnh, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.
Một trong những địa phương thường xuyên bị dịch bệnh trên tôm là Sóc Trăng. Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ nhiệm Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), do tỉnh nằm ở hạ nguồn sông Hậu, gần biển nên thích hợp với nuôi tôm, nhưng nguồn nước bị nhiễm bẩn từ các hoạt động về nông nghiệp, công nghiệp của các địa phương ở đầu nguồn. Thêm nữa, do chưa có hệ thống thủy lợi riêng cho nuôi trồng thủy sản nên mỗi khi có dịch bệnh, tốc độ lây lan giữa các hộ nuôi rất nhanh.
Hiện các thành viên Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh đang thả nuôi hơn 2.200 héc ta theo quy mô công nghiệp, cách đây 2 năm đa phần nuôi tôm sú nhưng do dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là hội chứng tôm chết sớm, nên hiện nay các hội viên chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên khoảng 90% diện tích ao nuôi. Theo ông Nhiệm, nếu như có dịch bệnh, người nuôi vẫn có thể thu hoạch tôm thẻ chân trắng sau 45 ngày nuôi, trong khi tôm sú ở khoảng thời gian này không thể thu hoạch.
Chưa được quan tâm đúng mức
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từng lưu ý xuất khẩu thủy sản mỗi năm đạt trên 6 tỷ USD nhưng đầu tư cho thủy lợi để phục vụ thủy sản không nhiều. Hậu quả, những năm qua, người dân và doanh nghiệp nhiều lúc phải chịu thiệt hại do dịch bệnh mà nguyên nhân chính là do thủy lợi cho thủy sản hầu như không được đầu tư thích đáng.
Do lo ngại dịch bệnh khi nuôi tập trung nên thời gian qua nhiều hộ dân ở ĐBSCL chuyển đào ao nuôi tôm (dạng tự phát) ở khắp mọi nơi, tránh xa vùng nuôi tôm tập trung, thậm chí người dân còn dẫn nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, khi ngành Thủy sản bắt đầu được các tỉnh đầu tư nuôi trồng, viện đã có những nghiên cứu về hệ thống thủy lợi phục vụ riêng cho nuôi trồng thủy sản, có cả quy hoạch mặn, ngọt và đã được phê duyệt nhưng không triển khai được vì thiếu vốn.
Báo cáo của Bộ NNPTNT cho biết trong năm 2013, số tiền đầu tư cho nông nghiệp là gần 6.560 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho thủy lợi là hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là phần lớn việc đầu tư lại hướng vào cho các dự án thủy lợi nông nghiệp, dự án giảm nhẹ thiên tai còn đầu tư cho thủy sản chỉ có 243 tỷ đồng.
Số tiền này cũng chủ yếu là đầu tư phát triển cảng cá, Trung tâm huấn luyện nghề khai thác hải sản, dịch vụ nghề cá chứ không có đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi riêng cho nuôi trồng thủy sản.
Những tỉnh ĐBSCL có đầu tư lớn cho thủy lợi như Sóc Trăng với khoảng 60 tỷ đồng/năm, hay Cà Mau khoảng trên 100 tỷ đồng/năm nhưng chủ yếu cũng là để cải tạo những công trình thủy lợi hiện có chứ không phải để phát triển hệ thống thủy lợi cho ngành Thủy sản.
Quyết định cần thiết
Tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản Việt Nam rất lớn, hiệu quả sản xuất cao, nhiều vùng đã được xây dựng thành khu vực nuôi trồng tập trung. Tuy nhiên, có thể nói thủy lợi chưa theo kịp sự phát triển ngày nhanh của thủy sản.
Cách đây 2 năm, một số doanh nghiệp thủy sản chờ mãi không thấy những thay đổi nào từ các nhà quản lý đã mạnh dạn đề nghị được tự bỏ tiền ra đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi cho thủy sản một số địa phương, sau đó, Nhà nước sẽ hoàn vốn lại cho doanh nghiệp, nhưng mọi việc cũng dừng lại ở đề nghị.
Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do dịch bệnh thủy sản, đặc biệt bệnh trên tôm bùng phát ngày càng nhiều, tốc độ lây lan ra cả vùng nuôi chỉ trong một thời gian ngắn, khiến người nuôi tôm bị thiệt hại lớn, lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Từ thực tế đó, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL về phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành Thủy lợi”, với mục tiêu nâng cao hiệu quả ngành Thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đặc biệt, Đề án đã nhấn mạnh việc cần nhanh chóng đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ vùng thâm canh nuôi trồng thủy sản với đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng…) ở ĐBSCL, các khu vực ven biển Trung Bộ.
Trong đó, yêu cầu ngành Thủy lợi các tỉnh này phải đầu tư hạ tầng để lấy nước chủ động (mặn, ngọt) cho các ao nuôi thủy sản, kết hợp với phương pháp nuôi tiết kiệm nước và xử lý nước, đảm bảo môi trường nước cho các khu vực nuôi thủy sản tập trung theo quy mô công nghiệp.
Như vậy, sau nhiều năm, những nhà làm quy hoạch cũng đã bắt đầu coi trọng việc xây dựng hệ thống thủy lợi riêng cho ngành thủy sản, ngành có nhiều khả năng sẽ mang về khoảng 7 tỷ USD trong năm nay. Đây là một quyết định tuy có hơi muộn nhưng ở một khía cạnh nào đó chứng tỏ các nhà quản lý đã đánh giá đúng vai trò của thủy sản nuôi trong nền kinh tế.
Related news
Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi cá chẽm (hay còn gọi là cá vược) ở các tỉnh miền Nam đang phát triển mạnh, nhiều mô hình nuôi cá vược trong ao đất ở một số tỉnh như Bạc Liêu, Bến Tre... phát triển rất tốt.
Ngày 26.2, ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc (Quảng Nam) phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương tổ chức hội nghị đầu bờ nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình sản xuất trình diễn 2 giống bắp nếp lai mới HN68 và HN88.
Vụ lạc năm nay, nông dân các địa phương ở Thừa Thiên Huế thu hoạch xong. Khác với mọi năm, lạc đã hái trái, phơi khô nhưng chỉ đóng vào bao cất chứ không bán.
Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt vừa cấp miễn phí 1.500 cây cam canh giống cho nông dân xã Tà Nung. Đây là hỗ trợ của ngành nông nghiệp cho nông dân nhằm chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi kém năng suất sang canh tác loại cây trồng mới.
Chọn giống cá rô phi đơn tính đực, nuôi thả theo hướng GAP, mô hình thí điểm nằm trong khuôn khổ dự án phát triển nuôi cá theo quy trình bán thâm canh được thực hiện tại xã Trung Minh và Dân Chủ (thành phố Hòa Bình) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế hộ mà còn mở rộng khuyến cáo ở địa bàn 11 huyện, thành phố trong tỉnh.