Thương lái lại mua hàng lạ đời
Thu mua cau non nhiều nơi
Hiện nhiều thương lái từ huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) sang huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) để mua cau non. Nhiều người dân tại bến phà Đường Đức cho biết, mỗi ngày, vào sáng sớm, từ huyện Cù Lao Dung, các thương lái điều khiển từ 3 - 5 xe máy sang huyện Cầu Kè đến khoảng 15 giờ lại quay về, trên xe chất đầy cau non.
Thương lái thu mua cau non ở huyện Cầu Kè với giá 40.000 đồng/kg trong khi cau non, người dân địa phương bán chỉ từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. “Nhà tôi có cả trăm cây cau đang cho trái, thương lái đến đề nghị mua cau non và đặt cọc trước 200.000 đồng, nói một tuần sau đến lấy cau nên tôi đồng ý bán.
Một ngày có cả chục người đến hỏi mua, do không có người chở đi, nên tôi đành bán với giá đó, nếu không tôi đã chở cau qua huyện Cù Lao Dung bán với giá 60.000 đồng/kg” – ông Trần Văn Xuân, ngụ ở xã Minh Thới, huyện Cầu Kè nói.
Ông Tô Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Điền, huyện Cầu Kè cũng xác nhận, một số người ở địa phương khác có đến xã tìm mua cau non. “Châu Điền là một trong 2 xã có diện tích trồng cau lớn nhất của huyện, xưa nay người dân chỉ trồng để ăn hoặc sử dụng trong đám cưới, hỏi.
Khi có người đến mua cau non tôi cố tình tiếp cận, hỏi mua để làm gì thì họ không trả lời” – ông Tô Hoàng Anh nói. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài huyện Cầu Kè, các thương lái còn thu mua cau non ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), một số địa phương ở tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng...
“Thương lái đi lùng sục mua cau non trên địa bàn huyện khoảng 1 tháng nay. Tôi thấy việc thu mua này rất lạ vì họ mua rất nhiều loại cau, kể cả cau kiểng non. Cau non có ruột màu trắng, có nước ở giữa trái, rất khó để có thể sản xuất ra sản phẩm gì, còn cau già thì khác, có thể dùng để ăn với lá trầu, vôi, làm ra màu…” - ông Nguyễn Lạc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền, cho biết.
Thị trường tiêu thụ là Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè, nói: “Việc mua bán cau non theo thỏa thuận giữa thương lái và người dân, được giá thì dân bán, chính quyền địa phương khó can thiệp. Việc mua cau non là bất thường, cần vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, nếu biết họ mua để làm gì, đưa đi đâu tiêu thụ thì mới yên tâm cho dân bán”. Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn thị trường tiêu thụ cau non của các thương lái là thị trường Trung Quốc. “Có nhiều người thu mua cau non ở ĐBSCL nhưng chỉ bán lại cho một người duy nhất ở Hải Phòng.
Cụ thể, khoảng 16 giờ mỗi ngày, tôi đưa hàng lên xe tải chở về TP Hồ Chí Minh. Sau đó, sẽ có người đưa lên máy bay ra Hải Phòng rồi chuyển sang Trung Quốc vào sáng hôm sau” - ông Võ Châu Sơn, một thương lái đang thu mua cau non tại ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền khẳng định.
Theo ông Võ Châu Sơn, mỗi ngày ông thu mua khoảng 400 kg cau non với giá từ 40.000 - 70.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Do phải vận chuyển gấp trong ngày nên phải thuê khoảng 10 người để phụ việc, chủ yếu là lặt trái (2.000 đồng/kg), bỏ vào thùng đưa lên xe tải. Các thương lái khác còn mua cau non hơn ông, số lượng cũng nhiều hơn. Và ông Sơn là đầu mối liên lạc với người mua ở Hải Phòng qua điện thoại.
Mặc dù việc mua bán cau non đã diễn ra khoảng 1 tháng qua nhưng ngành chức năng một số địa phương vẫn chưa hay biết hoặc không tổ chức đoàn kiểm tra. Một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Chúng tôi chưa nghe việc thương lái mua cau non”.
Còn ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, nói: “Cau được trồng rất ít trên địa bàn huyện. Việc thương lái đến mua cau chúng tôi đã biết nhưng chưa tổ chức đoàn kiểm tra”…
Theo ông Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Nghiên cứu Cây ăn quả niềm Nam), các tỉnh, thành ĐBSCL đang rộ lên phong trào mua bán cau non nhưng cán bộ ở địa phương đó vẫn chưa hay biết gì. Điều này nói lên việc quản lý giá cả, mua bán ở địa phương vẫn còn bỏ ngỏ. “Ngày xưa, người dân sử dụng trái cau để ăn trầu nhưng không non hay quá già.
Ở nước ngoài thì chỉ có người dân ở Đài Loan, Ấn Độ và Campuchia dùng cau để ăn trầu, một số nước khác thì làm dược liệu trị bệnh đường ruột, làm thuốc nhuộm” – ông Lập thông tin. Theo ông Lập, trong 10 năm trở lại đây, cây cau ít được quan tâm, thị trường không cần nên người dân bỏ phế loại cây này, nên diện tích ngày càng ít đi. Dù vậy, thương lái ồ ạt thu mua cau non, người dân cần phải cảnh giác, đừng thấy giá cau cao mà phát triển loại cây này.
Có thể bạn quan tâm
Để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của một huyện vùng ven biển, năm 2012, Đông Hải (Bạc Liêu) đã tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến kết hợp. Đồng thời, thực hiện phương châm nuôi trồng đa con gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Từ một hộ trồng thanh long ruột đỏ (TLRĐ), đến nay Hà Nội đã có hàng chục hộ trồng, với diện tích hơn 30ha, thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm. Cây TLRĐ đã và đang dần khẳng định thế đứng trên đất Thủ đô.
Tỉnh Thái Bình đang tập trung chỉ đạo dập dịch lợn tai xanh tại 2 xã Vũ Hòa (huyện Kiến Xương) và Vũ Vân (huyện Vũ Thư). Hiện tình hình dịch bệnh tai xanh trên địa bàn 2 xã này bước đầu được khống chế, số lợn bị ốm cơ bản đã được chữa trị kịp thời và đang dần hồi phục.
Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6%o, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 4 - 9, (thích hợp nhất: pH = 7,6), nhiệt độ nước: 20 -> 27OC. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.
Ngày 10/4/2013, Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã đi kiểm tra tiến độ thả nuôi tôm càng xanh năm 2013. Đến nay đã có 18 hộ nông dân ở xã Phú Thọ, Phú Thành B, An Long và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông thả nuôi được trên 90 ha tôm càng xanh. Diện tích tôm giống thả nuôi đạt từ 10 ngày đến trên 75 ngày, đàn tôm đang phát triển tốt, chưa thấy dấu hiệu bị bệnh.