Thương lái gian lận, cướp tôm của nông dân

Ngày 15-6, ông Nguyễn Quốc Minh (SN 1964, ngụ ấp 19, xã Phong Tân, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý việc ông Phạm Văn Chiến (ngụ ấp 3, xã Phong Thanh Đông A, huyện Giá Rai), đã có hành vi gian lận trong thu mua tôm và lợi dụng lúc sơ hở chiếm đoạt hơn 500kg tôm nguyên liệu.
Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Giá Rai và Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) phản ánh bị mất trọng lượng tôm nguyên liệu bị giảm bất thường khi bán cho ông Chiến.
Ngày 8-6, thông qua người quen giới thiệu, ông Minh hợp đồng bán ao tôm thẻ cho ông Chiến với giá 150.000 đồng/kg. Ông Chiến đặt cọc 20 triệu đồng rồi tiến hành bắt tôm. Sau khi số tôm bắt lên cân được 32 rổ (trọng lượng mỗi rổ khoảng 12kg), bà Huỳnh Thị Hoan (vợ ông Minh) phát hiện dưới đáy cân của ông Chiến có vật lạ màu xanh trùng với màu cân. Khi bà Hoan tới định lấy vật lạ xem thì người cân tôm thuê cho ông Chiến liền gỡ vật lạ ném xuống ao, bỏ chạy.
Gia đình ông Minh cùng người dân lân cận mò vật lạ lên, xác định đó là thanh sắt có gắn nam châm. Lúc này, ông Chiến thừa nhận sự việc là do người cân thuê tự làm, bản thân ông không biết, đồng thời nhận trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại cho ông Minh. Người dân nơi đây không đồng tình nên báo công an.
Ông Minh tường trình: “Tôi sợ số tôm còn lại trong ao sẽ chết vì đã rút oxy nên đồng ý cho ông Chiến bắt hết, tổng cộng được hơn 3.700kg. Sau khi cân hết số tôm, ông Chiến nói sẽ gọi người mang tiền đến trả nhưng chờ hoài không thấy. Lúc này, ông Khởi, cán bộ công an kinh tế huyện Giá Rai có mặt tại hiện trường, đã mời ông Chiến về cơ quan công an huyện làm việc và yêu cầu tôi tự mang số tôm đi bán, mang hóa đơn về tính toán nếu có thiệt hại sẽ buộc ông Chiến bồi thường. Lợi dụng lúc mọi người mất cảnh giác, ông Chiến đã âm thầm kêu tài xế chở đi của tôi một xe tôm hơn 500kg”.
Theo lời ông Minh, từ hôm xảy ra sự việc đến nay, ông Chiến mất tăm, không trả tiền chênh lệch do cân gian lận và hơn 500kg tôm mà ông đã chở đi. Mấy ngày nay, ông liên hệ với người trực tiếp thụ lý hồ sơ ở đội cảnh sát kinh tế Công an huyện Giá Rai để nắm tình hình nhưng được trả lời không có cơ sở để xử lý ông Chiến.
“Ông Chiến dùng thủ đoạn gian lận, cướp tôm của tôi giữa ban ngày, có nhân chứng, vật chứng và được công an lập biên bản thì tại sao không có cơ sở để xử lý. Theo tôi biết thì hiện nay ông Chiến vẫn còn đi thu mua tôm ở nhiều nơi trong tỉnh. Nếu ngành chức năng không có biện pháp xử lý thì còn biết bao nhiêu nông dân bị lừa như tôi nữa?” - ông Minh bức xúc.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 12-2014, từ nguồn vốn của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc các thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh, 17 hộ nghèo, cận nghèo ở thôn Hồng Phong, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên được hỗ trợ 5 con lợn giống/hộ (tương đương 6 triệu đồng) để phát triển sản xuất. Đến nay, mô hình đã cho thấy những kết quả đáng khích lệ, có 8 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo vào cuối năm nay.

Sau một thời gian du nhập vào Việt Nam, không chỉ được nuôi nhốt tại các vườn thú phục vụ nhu cầu tham quan, chăn nuôi đà điểu đã trở thành một nghề mang lại thu nhập khá cho nhiều trang trại và nông hộ.

Nắng nóng kéo dài, người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang hết sức lo lắng bởi tình trạng khô hạn ở các ao đầm, suy giảm tốc độ tăng trọng và nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Sáng 24/6, tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức khai giảng lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh trâu bò cho 31 nông dân trên địa bàn xã.

Hiện nay, do nắng nóng kéo dài, một số địa phương lại xuất hiện mưa dông nên nhiều vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn bất ổn. Tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi diễn biến phức tạp khiến người nuôi không an tâm.