Thực phẩm tươi sống mùa thấp điểm
So với cách nay hơn 1 tháng, giá nhiều loại thịt gia cầm như: gà, vịt… hiện giảm bình quân khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Tại nhiều chợ ở TP Cần Thơ, giá vịt xiêm làm sẵn phổ biến ở mức 85.000 - 90.000 đồng/kg; vịt ta làm sẵn 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Gà ta làm sẵn có giá 120.000 - 125.000 đồng/kg; đùi gà công nghiệp (đùi góc tư) giá 35.000 đồng/kg, đùi tỏi 40.000 - 45.000 đồng/kg; chân gà công nghiệp: 50.000 - 54.000 đồng/kg; cánh gà công nghiệp khoảng 80.000 đồng/kg.
Giá thịt gia cầm giảm, nguồn cung tăng do thời gian qua người dân tại nhiều địa phương đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Trong khi đó, sức tiêu thụ nhiều loại thịt gia cầm giảm trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu các loại thịt gia cầm có giá rẻ, nhất là các loại gà công nghiệp cũng làm cho gia cầm trong nước giảm giá.
Sau một thời gian dài giá heo hơi ở mức cao, chăn nuôi heo có thu nhập hấp dẫn đã kích thích người dân nhiều địa phương đẩy mạnh tái đàn, phát triển chăn nuôi làm cho nguồn cung tăng mạnh so với trước, từ đó giá heo hơi giảm ít nhất từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm 2015.
Trước đà giảm của giá heo hơi, gần đây giá bán nhiều loại thịt heo trên thị trường cũng giảm nhẹ khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg. Tại nhiều chợ và siêu thị ở quận Ninh Kiều, giá thịt heo nạc 90.000 - 102.000 đồng/kg, sườn bẹ 110.000 - 124.000 đồng/kg, ba rọi và đùi 85.000 - 95.000 đồng/kg.
Các loại cá biển, cá đồng, lươn, ếch, tôm tép, mực… hiện giảm ít nhất từ 2.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại nhiều chợ ở nội ô TP Cần Thơ, giá cá lóc đồng loại 1 ở mức: 110.000 - 120.000 đồng/kg, cá lóc nuôi 55.000 - 60.000 đồng/kg; ếch đồng 80.000 - 100.000 đồng/kg; cá bống kèo 100.000 đồng/kg; lươn loại 1 khoảng 180.000 đồng đồng/kg; cá rô phi, cá điêu hồng và ba sa 47.000 - 50.000 đồng/kg; cá rô và cá tra 30.000 - 35.000 đồng/kg; cá linh non khoảng 200.000 đồng/kg.
Các loại cá sòng, cá nục, cá ngừ có giá từ 30.000 - 45.000 đồng/kg; tép bạc và tôm thẻ chân trắng giá từ 80.000 - 130.000 đồng/kg; nhiều loại mực lá và mực ống có giá 150.000 - 170.000 đồng/kg… Bước vào mùa mưa lũ, thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản tự nhiên, nguồn cung các loại thủy sản nước ngọt đã tăng hơn trước. Do lượng hàng về chợ nhiều, với sự đa dạng về chủng loại, giá nhiều loại thủy sản được dự đoán còn tiếp tục giảm.
Theo nhiều tiểu thương, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống, với tình hình nguồn cung dồi dào và xu hướng tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày của nhiều người tiêu dùng, giá nhiều loại thực phẩm có khả năng còn tiếp tục giảm. Hơn nữa, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm cũng tạo điều kiện cho giá nhiều loại thực phẩm tươi sống giảm theo chi phí vận chuyển giảm.
Bà Nguyễn Thị Cúc, tiểu thương bán cá tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ, cho rằng: "Không chỉ lượng cá nuôi, gần đây các loại cá đánh bắt tự nhiên cũng về chợ ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn. Dự đoán giá nhiều loại thủy sản sẽ tiếp tục giảm".
Theo ông Lý Thanh Tùng, Giám đốc Xí nghiệp chế biến thực phẩm 1, Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ, hiện các trại chăn nuôi lớn có heo hơi đạt chất lượng tốt có giá trên 4 triệu đồng/tạ, chứ nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ có giá 3,7 - 3,8 triệu đồng/tạ.
Khả năng giá các loại thịt heo trên thị trường sẽ tiếp tục giảm hoặc bình ổn chứ khó tăng trong thời gian tới do lượng heo hơi trong dân đang rất nhiều và đang đến lứa xuất chuồng. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh thịt heo không thể tăng cường thu mua heo hơi trong dân do sức tiêu thụ thịt heo trên thị trường không tăng. Lượng heo hơi do xí nghiệp này giết mổ cung ứng ra thị trường đang ở mức khoảng 380 - 400 con/ngày, chỉ tăng nhẹ so với trước.
Dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay chỉ nghỉ 1 ngày nên sức tiêu thụ các loại thực phẩm tươi sống khó tăng đột biến. Nhiều gia đình cũng đang tập trung tiền để lo cho con vào năm học mới nên tâm lý chung sẽ tiết kiệm chi tiêu hằng ngày để bù đắp các khoản chi này.
Bên cạnh đó, bước vào mùa lũ, nhiều hộ gia đình ở nông thôn tranh thủ thời gian nhàn rỗi để phát triển nuôi trồng và đánh bắt các loại thủy sản cải thiện bữa ăn cho gia đình. Điều này đã làm sức tiêu thụ nhiều loại thực phẩm tươi sống trên thị trường rơi vào giai đoạn thấp điểm, giá cả sẽ giảm, khó tăng trong những tháng tới đây.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) hoàn tất việc thực hiện thí điểm các mô hình nuôi cá chẽm và được đánh giá là khá thành công trên địa bàn tỉnh Dak Lak, đến nay, người dân vẫn chưa mặn mà với việc ứng dụng nhân rộng loại cá này. Nguyên nhân được đánh giá là do chi phí nuôi cao, đầu ra không ổn định…
Năm 1975, từ miền Tây, ông Trần Công Rạng (ấp Tân Tiến, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc - Đồng Nai) đưa vợ con về Xuân Hiệp lập nghiệp với 2 bàn tay trắng và 6 đứa con nhỏ. Hàng ngày, vợ chồng ông phải đi cày thuê, cuốc mướn để trang trải cuộc sống.
Chuyển đổi từ trồng lúa độc canh sang ương cá giống, cá kiểng, anh Nguyễn Văn Đực Nhỏ, sinh năm 1964 tại xã Nhị Mỹ (Cai Lậy, Tiền Giang) đã vươn lên ổn định cuộc sống.
Trang trại của gia đình anh Phạm Văn Quang ở thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) có 3 dãy chuồng rộng gần 1.500 m2, thường xuyên nuôi khoảng 2.500 con gà CP lấy trứng thương phẩm. Đầu năm 2012, Trạm Khuyến nông Tứ Kỳ phối hợp với Viện Chăn nuôi quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai xây dựng mô hình nuôi gà Lương Phượng thuần chủng sinh sản trên địa bàn huyện.