Thu nhập cao từ nuôi… vịt trời

Xây dựng mô hình nhờ xem truyền hình
Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến đàn vịt trời hàng nghìn con của gia đình anh Vượng đang bơi lội tung tăng trên hồ nước rộng khoảng 4 sào dùng để tưới cà phê. Theo lời anh Vượng kể thì để có được thành quả như ngày hôm nay, bên cạnh việc chịu khó nghiên cứu học tập thì cũng có cả sự tình cờ.
Cách đây hơn 1 năm, khi xem ti vi, anh thấy có một phóng sự mô tả về mô hình chăn nuôi vịt trời thuần hóa đầu tiên trên cả nước do anh Tô Văn Dần, ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thực hiện. Thấy mô hình khả thi, anh đã lặn lội ra tận Bắc Giang và được anh Dần tận tình hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi giống vịt trời.
Vậy là, khi từ Bắc Giang trở về, anh Vượng đã mua 200 quả trứng vịt trời với giá trên 22 triệu đồng để tổ chức nuôi thử nghiệm. Cùng với việc xây dựng hệ thống chuồng trại, anh Vượng đã cho ấp 200 quả trứng, kết quả có 150 chú vịt trời con ra đời và trở thành nguồn giống đầu tiên để tiếp tục nhân đàn. Từ chỗ chỉ có 150 con vịt giống, hiện nay, gia đình anh Vượng đã nhân giống lên hàng nghìn con, gồm cả vịt sinh sản và vịt thương phẩm.
Giá bán cao, thị trường rộng mở
Theo anh Vượng thì nuôi vịt trời không khó, chúng lớn rất nhanh và ít dịch bệnh. Thức ăn cho đàn vịt cũng toàn là những loại dễ kiếm như: lúa, ngô, cám… Trong quá trình nuôi, người chăn nuôi chỉ cần chú ý khoảng thời gian đầu, sau 20 ngày nở mới cho vịt con xuống nước và ra ngoài thiên nhiên để phát triển tự nhiên, khỏe mạnh.
Sau khoảng 4 - 5 tháng nuôi thì đã có thể xuất bán với trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 1 - 1,5 kg. Điều đáng mừng là thịt vịt trời ngon, thuộc diện đặc sản nên giá bán trên thị trường luôn ở mức cao từ 300 - 350.000 đồng/con. Không những vậy, hiện nay nhiều người dân cũng có nhu cầu nuôi vịt trời nên gia đình anh Vượng còn sản xuất vịt con để bán giống, ở mức 100.000 đồng/con độ 7 ngày tuổi.
Sau hơn 1 năm nuôi, gia đình anh Vượng đã xuất bán ra thị trường được gần 4.000 con vịt thương phẩm cùng với các sản phẩm khác như: trứng, vịt giống… Trừ tất cả các khoản chi phí thì trong năm vừa qua, gia đình anh Vượng đã có nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Anh Vượng cho biết: “Hiện nay, “đầu ra” cho vịt trời khá lớn, không chỉ bán chạy ngay tại Đắk Nông mà còn được các tỉnh thành phía Nam đặt hàng với số lượng lớn. Với nhu cầu cao từ thị trường, hiện nay, gia đình đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng trang trại”.
Đánh giá về mô hình này, ông Vũ Văn Đảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghĩa Trung cho biết: “Đây là một trong những mô hình điểm của địa phương trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Việc anh Vượng nuôi thành công giống vịt trời tại địa phương đã mở ra một hướng chăn nuôi mới, hứa hẹn nhiều triển vọng cho nông dân trên địa bàn”.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, những năm gần đây, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã xây dựng mô hình thí điểm trồng thanh long tại ấp 3, xã Tân Thành.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai”. Theo đó, các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” phải đáp ứng các điều kiện như: sản xuất trên diện tích từ 0,5ha trở lên hoặc hoạt động kinh doanh sản phẩm sầu riêng từ 1.000 kg/ngày trở lên trên địa bàn huyện Đạ Huoai; đảm các tiêu chí chất lượng theo quy định; cam kết tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các nội dung sử dụng nhãn hiệu…

Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có trên 650 ha mãng cầu Xiêm tập trung tại các xã Tân Phú, Phú Thạnh…. Hơn 1 tuần nay, giá mãng cầu Xiêm tăng mạnh, người trồng thêm phấn khởi.

Từng rất thành công với mô hình trồng táo Đài Loan, gần 3 năm nay, ông Lê Văn Là ở ấp Mắc Miễu, xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre tiếp tục trồng xen cây đu đủ Đài Loan trong vườn táo với phương châm không để lãng phí diện tích đất, tăng thu nhập trên cùng một diện tích.

Trung bình, mỗi hộ dân trồng xoài tại Đồng Tháp thu về khoảng 186 triệu đồng/năm, với lợi nhuận khoảng 105 triệu đồng/hộ/năm.