Ông lớn rót thêm tiền vào chăn nuôi
Trước đây, số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng gần đây, lĩnh vực chăn nuôi tại Đồng Nai được nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước để mắt đến. Các doanh nghiệp không chỉ chú ý đến chăn nuôi heo, gà trắng công nghiệp lấy thịt, gà lấy trứng mà đổ bộ sang cả nuôi vịt công nghiệp, cút, gà tam hoàng, gà ta thả vườn, bò sữa...
* Mở rộng đầu tư
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tổng đàn heo, gà, cút, vịt trong gần 1 năm qua tăng mạnh. Hiện Đồng Nai đứng đầu cả nước với tổng đàn heo trên 1,5 triệu con, tăng gần 200 ngàn con so với cùng kỳ năm trước, gà công nghiệp trên 15 triệu con, tăng hơn 1 triệu con; cút xấp xỉ 9 triệu con. Đặc biệt, gần đây Đồng Nai đang phát triển nhanh mô hình nuôi vịt công nghiệp trên cạn trong các trang trại. Nhiều doanh nghiệp FDI đã tìm đến Đồng Nai để đầu tư vào chăn nuôi, còn các doanh nghiệp đang hoạt động thì mở rộng sản xuất. Cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên lĩnh vực chăn nuôi ngày càng gay gắt và họ không còn giữ độc quyền với thế mạnh một vật nuôi mà mở rộng ra nhiều loại vật nuôi thị trường đang có nhu cầu.
Đơn cử như Công ty cổ phần CP Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), trước đây chỉ tập trung vào thế mạnh là thịt gà trắng công nghiệp, trứng thì nay mở rộng sang nuôi heo, vịt, chim cút, tôm. Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam những năm trước chủ yếu nuôi gà lấy trứng, thịt, nay “tấn công” sang lĩnh vực nuôi heo. Ông Nguyễn Duy Linh, Giám đốc truyền thông của Công ty cổ phần CP Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, ngoài mở rộng chăn nuôi heo, công ty đang tập trung đầu tư các trại nuôi cút lấy trứng vì thị trường cho sản phẩm này rất tiềm năng”.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu, gần 1 năm nay, nhiều doanh nghiệp FDI đã đến Đồng Nai tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó, một số dự án đã được cấp mới, một số dự án điều chỉnh tăng vốn. Mới đây nhất, trong cuối tháng 4-2015, tỉnh cấp phép điều chỉnh tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi heo cho Công ty cổ phần chăn nuôi Velbred (Malaysia) thêm 5 triệu USD.
* Cạnh tranh gay gắt
Gần đây nói đến chăn nuôi ở Đồng Nai, một “ông lớn” hay được nhắc đến là Công ty TNHH Sunjin Vina (Hàn Quốc). Tuy đến muộn hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI có tên tuổi trong ngành chăn nuôi tại Đồng Nai, như: Emivest, Japfa, CP... nhưng doanh nghiệp này đang lấn sân khá nhanh trong lĩnh vực nuôi heo, gà công nghiệp. Hình thức phát triển chăn nuôi của doanh nghiệp này là sản xuất giống, thức ăn và liên kết với các chủ trang trại để ký hợp đồng nuôi gia công.
Ông Âu Thanh Sơn, chủ trang trại ở xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), cho hay: “Tôi có nhiều trại nên cùng lúc ký hợp đồng nuôi gia công gà thịt cho nhiều doanh nghiệp FDI. Mới đây, tôi ký thêm hợp đồng nuôi gia công cho Công ty TNHH Sunjin Vina. Ngoài ra, tôi còn xây dựng hơn 10 trại ở một số nơi trong tỉnh để cho các doanh nghiệp FDI thuê lại nuôi heo, gà”.
Cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp FDI có tiềm năng về vốn khiến nhiều chủ trang trại, doanh nghiệp trong nước khá hụt hơi. Một điều dễ nhận thấy là doanh nghiệp FDI hơn hẳn doanh nghiệp trong nước là có tiềm năng về vốn. Đồng thời, khi đầu tư vào chăn nuôi hầu hết các doanh nghiệp FDI thường chủ động trong khâu giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật nên giá thành hạ hơn so với các trang trại, doanh nghiệp trong nước.
“Hiện nay, trên 60% trang trại trong tỉnh chuyển qua nuôi gia công cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước vì không đủ vốn để đầu tư và cũng không chịu nổi sự biến động lớn của thị trường chăn nuôi” - ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ.
Ông Dương Quốc Cường, chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Trang trại của tôi vẫn phát triển tốt và tổng đàn tăng là nhờ chuyên sản xuất ra loại trứng gà lớn và thơm ngon như trứng gà ta. Hiện thị trường cho loại trứng gà này vẫn rất lớn và ổn định. Kỹ thuật lai tạo giống và nuôi loại gà này không dễ nên các doanh nghiệp FDI chưa chạm tay đến được”. Đây cũng là hướng đi riêng, tránh cho trang trại ông Cường rơi vào sóng gió khi giá trứng gà công nghiệp trên thị trường liên tục thay đổi theo chiều bất lợi cho người chăn nuôi.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), cho biết khoảng 1 năm nay nhiều doanh nghiệp FDI mở rộng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Nếu trước đây các doanh nghiệp FDI chỉ chú ý sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi gà trắng công nghiệp lấy trứng, thịt và làm giống thì nay họ đầu tư mạnh sang nuôi heo thịt, vịt, cút theo dạng công nghiệp. Cách đầu tư của họ bài bản, chủ động từ giống ông đến thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật nên năng suất cao, giá thành hạ hơn nhiều so với các trang trại khác.
Có thể bạn quan tâm
So với những địa phương khác, Bạc Liêu rất thuận lợi trong phát triển nghề chăn nuôi heo, vì có nhiều lợi thế của một tỉnh nông nghiệp. Khổ nỗi, nghề chăn nuôi lâu nay vẫn chưa giúp nông dân làm giàu, người chăn nuôi luôn phải đối mặt với việc thua lỗ khi vật nuôi gặp nhiều rủi ro, dịch bệnh.
Huyện Long Thành hiện có 140 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, bao gồm 119 trại chăn nuôi heo với tổng đàn là 56 ngàn con và 21 trại nuôi gà với tổng đàn 631 ngàn con, trong đó một số trang trại nằm xen lẫn với khu dân cư. Vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi có diện tích 156 hécta tại 3 ấp 7, 8 và Suối Cả, xã Bàu Cạn. Cụm giết mổ tập trung được bố trí tại ấp Xóm Trầu (xã Long An) và ấp 5 (xã Long Phước) theo công nghệ hiện đại.
Dù vất vả nhưng không bao giờ bỏ ruộng, hết vụ này lại gối vụ khác, nhờ vậy, nhiều gia đình nông dân trong tỉnh Bắc Giang kinh tế khá giả, có "của ăn của để”.
An Giang là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó cây màu phát triển đều khắp nhờ có nhiều ưu thế về thổ nhưỡng, đặc biệt đất phù sa màu mỡ. Tính đến đầu năm 2013, An Giang có tới 23.930 ha đất trồng màu các loại. Những loại rau củ trồng có hiệu quả nhất hiện nay gồm các loại rau xanh, khoai lang, khoai mì, khoai cao, dưa hấu, dưa leo, bí rợ…
Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, vừa qua xã Thanh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đã phối hợp với Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh (Sở Khoa học - Công nghệ) triển khai mô hình trồng nấm, kết quả ban đầu rất khả quan.