Thu Nhập Cao Từ Mô Hình Trồng Xoài Xen Chanh Ở Bình Phước
Không giống như phần lớn nông dân chọn trồng cây cao su, điều, tiêu, gia đình anh Ngô Văn Ai ở ấp 6, xã Minh Hưng (Chơn Thành - Bình Phước) lại chọn mô hình trồng xoài xen chanh bông tím mang lại hiệu quả cao gần chục năm nay.
Năm 2001, gia đình anh từ Đồng Tháp lên Minh Hưng lập nghiệp. Là người miền Tây gắn bó với nghề trồng cây trái nên anh chọn giống xoài Cát Chu và xoài ghép để trồng trên diện tích 3 ha của gia đình. Nhờ có nhiều kinh nghiệm nên vườn xoài của anh luôn xanh tốt, trái nhiều. Có vụ gia đình anh thu hoạch được 50 tấn, lại được giá nên thu lãi gần 200 triệu đồng. Theo anh, để xoài cho năng suất cao, việc chăm sóc phải tỉ mỉ, nhất là khi xoài ra bông. Gặp mưa phải phun thuốc ngay, nếu không tỷ lệ đậu trái sẽ thấp, thậm chí mất trắng. Bệnh thường thấy ở cây xoài là sâu đục thân, làm chết ngọn hoặc cành. Để phòng trừ bệnh, bên cạnh việc dùng các loại thuốc trừ sâu, cần thường xuyên thăm nom vườn, phát hiện và xử lý kịp thời.
Năm 2004, thấy thị trường tiêu thụ quả chanh ở quê (Đồng Tháp) mạnh, trong khi kỹ thuật chăm sóc lại đơn giản, sau khi tham khảo một số mô hình, anh Ai đã đem 200 cây giống chanh bông tím ở Đồng Tháp lên trồng xen thử nghiệm vào 5 sào xoài. Chỉ một năm sau chanh bông tím cho thu hoạch 2 vụ/năm. Năm đầu, việc tiêu thụ ở các chợ gặp khó khăn, vì người dân quen dùng chanh giấy. Tuy nhiên, do chanh mọng nước, có vị chua thanh và thơm nên được người đi chợ ưa chuộng. Với 700 cây trồng xen xoài, trung bình mỗi cây cho sản lượng 80 kg/vụ, mỗi năm gia đình anh thu trên dưới 15 tấn chanh, lãi hơn 100 triệu đồng.
Anh Ai chia sẻ, khi trồng chanh phải đào hố sâu 3 tấc, rộng 3 tấc rồi hạ cây giống, cây cách cây 4 m. Mỗi năm bón phân chuồng 1 lần, hạn chế dùng phân hóa học. Do chanh trồng xen với xoài nên mùa khô 10 ngày mới tưới một lần... Ưu điểm khác của chanh là một năm cho thu hoạch 2 vụ (thuận mùa và nghịch mùa). Mùa thuận là khi mùa khô kết thúc, mưa xuống chanh đâm đọt, ra bông hàng loạt, không cần dùng thuốc kích thích. Còn mùa nghịch là tháng 10 âm lịch, cần xịt thuốc với liều lượng vừa phải cho cây rụng lá, đâm đọt. Nếu xịt nhiều thì cây chỉ ra lá xanh mượt mà không có trái. Bệnh dễ thấy ở chanh là cuốn lá, thán thư, bọ trĩ ăn trái làm xấu và hư trái. Cách phòng trừ là khi cây ra lá non, cứ cách 5 ngày xịt thuốc một lần để phòng trừ sâu vẽ lá và bọ trĩ. Đáng lưu ý là cây chanh không thể trồng xen được với cây cao su, điều vì khi khép tán hai loại cây này rất rợp mát, cây chanh không ra trái được.
Anh Ngô Văn Ai cho biết thêm, năm nay xoài và chanh của gia đình anh đều được mùa và được giá. Với giá 5.000 đồng/kg xoài và 10 ngàn đồng/kg chanh (tính bình quân cả hai vụ), vườn xoài sẽ cho thu nhập 150 triệu và vườn chanh cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
Trên thị trường có nhiều sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu có liên quan đến cây trồng chuyển gen để bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Cho dù, Việt Nam đã có quy định nhưng thực tế nhiều sản phẩm không dán nhãn, gây lo lắng cho người tiêu dùng.
Trước nguy cơ cạnh tranh gay gắt, ngành chăn nuôi gia cầm đang tìm hướng đi mới. Thay vì tập trung vào chăn nuôi gà công nghiệp, các chuyên gia cho rằng nên tìm các thị trường ngách như gà thả vườn, gà đồi và trứng muối để né cạnh tranh khi hội nhập.
Sáng 24.9, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh nhằm đánh giá tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm 2015 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác vệ sinh môi trường (VSMT) và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Sau gần 4 năm đầu tư nuôi gà thịt thương phẩm theo hình thức nuôi nhốt, nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao, chi phí đầu tư lớn, hao hụt và thất thoát cũng không nhỏ bởi dịch bệnh vật nuôi hay xảy ra anh Đặng Quốc Lộc quyết tâm tìm tòi mô hình chăn nuôi mới.