Thu Nhập Cao Từ Cây Trồng Vụ Đông
Để tăng hiệu quả vụ đông, nhiều năm nay, nông dân huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mang lại năng suất, thu nhập cao.
Nhân rộng diện tích rau chế biến
Đến thăm cánh đồng mẫu thôn Quang Hiển, Thanh Lương, xã Quang Thịnh, trước mắt chúng tôi là những thửa ruộng trồng dưa bao tử xanh tốt, nối tiếp nhau trải dài. Nhiều nông dân đang nhanh tay thu hái quả để bảo đảm đúng yêu cầu kích cỡ và kịp cân cho tư thương.
Ông Thân Văn Loan, nông dân thôn Quang Hiển phấn khởi nói: “Làm một vụ đông tính ra hiệu quả kinh tế gấp mấy lần hai vụ lúa cộng lại. Nhà tôi có hơn 4 sào dưa bao tử, hai sào hành mới vào vụ thu hoạch được nửa tháng nhưng đã thu được gần 20 triệu đồng”.
Được biết vụ đông năm nay xã Quang Thịnh trồng hơn 230 ha rau màu, phần lớn là rau chế biến. Trong đó dưa bao tử được trồng nhiều nhất với 40 ha, đến nay đã thu hoạch được 600 tấn quả, thời gian thu hoạch kéo dài 50-60 ngày, giá bán theo hợp đồng từ 7-11 nghìn đồng/kg, ước thu về khoảng 13 tỷ đồng/vụ.
Hiện, HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Thịnh đã ký kết hợp đồng bán rau cho Công ty cổ phần Chế biến và Thực phẩm xuất khẩu GOC, Công ty TNHH Sỹ Dũng, Công ty cổ phần Thuốc lá và Thực phẩm Bắc Giang nên việc tiêu thụ nông sản cho nông dân diễn ra thuận lợi.
Cũng là vùng trồng nhiều rau màu vụ đông, tại cánh đồng Cao, thôn 18, xã Hương Lạc, những chiếc xe ô tô trọng tải 3-5 tấn cõng đầy bao tải đựng ớt, dưa… nối đuôi nhau trên đường nội đồng. Người dân nơi đây có truyền thống trồng các loại rau màu vụ đông. 5 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình bà Thân Thị Liên trồng 4 sào dưa bao tử, bình quân mỗi sào cho thu nhập 7-8 triệu đồng/vụ. Vụ này ước thu được hơn 6 tấn. Dưa thu hoạch đến đâu được tư thương mua hết đến đó.
Thời điểm này xã có gần 200 ha cây rau màu chế biến các loại, riêng dưa chuột bao tử, ngô ngọt chiếm hơn 30 ha, còn lại là hành lá và các loại rau màu khác. Những cây trồng truyền thống như ngô, khoai lang, sắn, đậu tương được thay bằng giống cây mới cho năng suất, chất lượng cao như: Dưa chuột Nhật Bản, dưa bao tử, cà chua bi…
“Xác định đây là vụ mang lại thu nhập cao cho nông dân nên trước khi vào vụ xã đề ra kế hoạch sản xuất cụ thể trên cơ sở đó khuyến cáo, đôn đốc nông dân xuống giống đúng khung thời vụ, lựa chọn cơ cấu giống cây trồng hợp lý. Đồng thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, UBND xã chủ động tìm đến các doanh nghiệp để liên kết bao tiêu nông sản”- Ông Phạm Văn Huy, Chủ tịch UBND xã nói.
Nhiều giải pháp khuyến khích sản xuất
Theo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, vụ đông năm nay Lạng Giang gieo trồng hơn 4 nghìn ha (tăng 20 ha so với năm ngoái). Những loại cây gồm: Ngô, lạc, đậu tương, thuốc lá, rau chế biến các loại, rau an toàn… được trồng tập trung ở các xã: Tân Hưng, Quang Thịnh, Nghĩa Hưng, An Hà, Hương Sơn, Tân Thịnh, Hương Lạc… Rau chế biến các loại chiếm khoảng 1,3 nghìn ha.
Ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện hỗ trợ 180 nghìn đồng/sào đối với rau màu chế biến, 108 nghìn đồng/sào đối với cánh đồng trồng lạc và 70 nghìn đồng/kg ngô nếp giống HN88. Hiện nay, một số loại cây như dưa, đậu, thuốc lá đã cho thu hoạch; diện tích ngô ngọt và khoai tây Atlantic đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt.
Giai đoạn 2011-2015, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo mỗi xã quy hoạch vùng sản xuất rau vụ đông từ 3-5 ha; riêng 4 xã có cánh đồng mẫu sản xuất ít nhất 20 ha cây vụ đông trở lên”.Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạng Giang
Để vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế cao trong cơ cấu sản xuất của năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không bỏ ruộng, bảo đảm gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch.
Tăng cường tìm kiếm đầu mối để liên kết trong sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân; khuyến cáo bà con trồng những giống cây phù hợp với điều kiện thời tiết lạnh, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là rau chế biến. Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên phối hợp với cán bộ khuyến nông các xã tổ chức các lớp tập huấn giúp người dân nắm bắt và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, UBND một số xã cũng trích nguồn ngân sách hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông. Ông Nguyễn Văn Hàm, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thịnh cho biết: “Hằng năm, UBND xã vận động nông dân các thôn gặt lúa đến đâu, trồng màu đến đó để tận dụng tối đa diện tích và thời gian canh tác đất nông nghiệp.
Đồng thời chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Thịnh trích kinh phí hoạt động hỗ trợ 90 nghìn đồng/sào ruộng để khuyến khích nông dân sản xuất vụ đông, cùng với cán bộ khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân phát triển sản xuất an toàn, cho năng suất cao”. Nhiều xã khác như: Nghĩa Hưng, Tân Thịnh, Tân Hưng cũng có chính sách hỗ trợ giá giống một số cây trồng cho nông dân sản xuất vụ đông.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hiệu quả kinh tế từ sản xuất vụ đông đã nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác của huyện từ 73 triệu đồng/ha/năm 2013 lên 79 triệu đồng/ha/năm 2014.
Nguồn bài viết: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/135380/thu-nhap-cao-tu-cay-trong-vu-dong.html
Có thể bạn quan tâm
Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của xã Thanh Lương (TX. Bình Long). Đặc biệt trong 4 năm gần đây, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học đang phát triển mạnh về số hộ nuôi và tổng đàn. Toàn xã hiện có khoảng 30 hộ chăn nuôi gà thả vườn với quy mô 1.000-15.000 con/lứa. Trong đó phải kể đến Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình.
Một nhóm nông dân nuôi cá tra tại quận Thới An (TP. Cần Thơ) đã gửi thư tới Thống đốc Nguyễn Văn Bình xin được khoanh nợ vay ngân hàng.
Trước sự phát tán quá nhanh và mức độ nguy hại của cá lau kiếng, Sở KH-CN vừa chỉ định Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bạc Liêu triển khai đề tài nghiên cứu khoa học: “Đánh giá sơ bộ sự phát tán và tác hại của cá lau kiếng trên địa bàn tỉnh”. Mục tiêu đề tài là nhằm xác định vùng phân bố và mức độ phong phú của nó so với các loài cá bản địa, đồng thời đưa ra giải pháp phòng trừ hiệu quả.
“Nuôi sò huyết bao giờ cũng có tỷ lệ hao hụt nhất định” - anh Nguyễn Văn Sơn, ấp 7, xã Thạnh Phước (Bình Đại - Bến Tre) cho biết như thế, nhưng hiện tượng sò chết hàng loạt, liên tiếp nhiều sân như năm nay là bất bình thường. Nguyên nhân có thể là do thời tiết, ô nhiễm nguồn nước xả thải, nắng nóng, chất lượng con giống ngoài thị trường không tốt hoặc cũng có thể do dịch bệnh…
Ngày 31/7, Trung tâm Khuyến nông - Khuyên ngư tỉnh kết hợp với Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau tổ chức hội thảo mô hình nuôi vịt thịt an toàn sinh học.