Thu Nhập Cao Nhờ Trồng Khoai Lang Nhật
Khoai lang có xuất xứ từ Nhật Bản đang được bà con nông dân xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện - Gia Lai) trồng xen canh vào hai vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu cho năng suất và thu nhập khá cao. Trung bình 1 ha khoai lang đạt sản lượng 15-20 tấn, giá bán bình quân 5-6 triệu đồng/tấn, mỗi ha khoai lang trồng trừ chi phí còn lãi khoảng 45-55 triệu đồng.
Dù còn là xã đặc biệt khó khăn nhưng những năm gần đây, Chư A Thai đang từng ngày khởi sắc, nhất là ở 3 thôn kinh tế mới: Chí Linh, Phù Tiên và Kim Môn. Đời sống của bà con nơi đây từng ngày ổn định, đã có nhiều căn nhà mới mọc lên khang trang, chắc chắn, trị giá vài trăm triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Đức- Phó Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết: Chư A Thai nói chung và 3 thôn kinh tế mới nói riêng được như ngày hôm nay là nhờ vào việc nông dân mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, đặc biệt là nhờ vào việc trồng khoai lang Nhật Bản.
Theo bà Đức, từ năm 2009, nghe tin người dân ở xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) trồng khoai lang Nhật cho sản lượng cao, giá trị kinh tế lớn và được thị trường ưa chuộng nên một số hộ dân ở Chư A Thai học cách trồng theo. Được người có kinh nghiệm trồng khoai lang là ông Nguyễn Văn Năm (xã Ia Sol) bày kinh nghiệm, lại được ông Năm cung cấp phân bón rồi bao tiêu sản phẩm cho bà con nên số hộ trồng khoai lang ngày một nhiều.
Từ lúc bắt đầu trồng chỉ có vài hộ với diện tích 10 ha đến nay toàn xã có trên 300 hộ trồng khoai, với 50 ha. Hơn nữa, những năm qua, liên tục khoai lang được mùa được giá, nên việc trồng khoai lang đã giúp cho nông dân ở đây có cuộc sống no đủ.
Đối với nhiều nông dân ở Chư A Thai, nếu cây lúa là cây chủ lực thì khoai lang là loại cây làm giàu. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Chiến (thôn Kim Môn) cho biết: “Gia đình bà có 5 người con đều xây dựng gia đình và ra ở riêng. Vụ khoai này, mỗi người con của bà thu từ củ khoai được khoảng 40 triệu đồng”. Ngoài gia đình bà Chiến, rất nhiều hộ nông dân ở Chư A Thai trồng khoai cho thu nhập cao như gia đình ông Dương Văn Phon, ông Nguyễn Hữu Hạ, ở thôn Phù Tiên.
Thực tế dù giá trị kinh tế mang lại từ việc trồng khoai lang Nhật ở Chư A Thai khá cao, lại dễ trồng, nhưng đây chỉ là việc làm tự phát của một số làng trên địa bàn xã. Theo lãnh đạo UBND xã, trước tình hình này, xã đã kiến nghị với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện có hình thức hỗ trợ cho bà con triển khai nhân rộng mô hình trồng khoai lang Nhật nhưng chưa được huyện chấp thuận. “Vì vậy, chúng tôi đề nghị, trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT nên phối hợp với các ban, ngành chuyên môn hỗ trợ cho bà con cây giống, tổ chức hội thảo chuyên đề về kỹ thuật trồng, thu hoạch và bảo quản khoai lang.
Có được như vậy thì mô hình trồng khoai lang Nhật trên địa bàn xã sẽ ngày một phát triển, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân”-Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Thị Đức nói. “Một ha lúa Đông Xuân cho thu khoảng 6 tấn, với giá cả hiện nay chỉ thu được 30 triệu đồng, còn 1 ha khoai lang thu được 15-20 tấn cho thu lời khoảng 40-50 triệu đồng. Hơn nữa, khi xen canh đất trồng khoai lang, đất phì nhiêu hơn giúp cho việc trồng lúa vụ kế tiếp được tốt hơn”- bà Đức cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Vụ đông năm nay Thái Bình dự kiến gieo trồng trên 35.000 ha gồm nhiều loại cây trồng. Song chủ yếu tập trung vào nhóm cây trồng chính là khoai tây, bí xanh, ớt, ngô và rau đậu các loại.
Theo Trạm Khảo kiểm nghiệm sản phẩm giống cây trồng Văn Lâm, mô hình sử dụng phân bón Phú Mỹ đã giúp lúa có sức chống chịu tốt hơn, thân cứng, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và đặc biệt là năng suất vượt trội...
Chi cục BVTV Hải Phòng cho biết, hiện nay trên đồng ruộng toàn thành phố, sâu đục thân hai chấm phát triển mạnh và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa vụ mùa.
Trong môi trường nuôi tôm công nghiệp, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, bệnh đục cơ, cong thân là bệnh khá phổ biến xảy ra.
Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất tôm - lúa tại ĐBSCL, được tổ chức sáng qua 23/9, tại TP Rạch Giá, Kiên Giang.