Thu Nhập Cao Nhờ Thâm Canh, Chuyển Đổi Cây Trồng, Vật Nuôi
Những năm qua, một số loại cây trồng như sắn, điều… do không ổn định về giá cả, năng suất lại đạt thấp nên hoạt động thâm canh cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế đang là hướng đi của nhiều nông dân trong tỉnh.
Với diện tích 15 ha trồng tiêu, cà phê, năm 2013 vừa qua, gia đình bà Lê Thị Kim Liên ở thôn 17, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đã thu hoạch trên 25 tấn tiêu và 10 tấn cà phê, sau khi trừ chi phí gia đình còn lãi hơn 1 tỷ đồng.
Bà Liên cho biết: “Để có kết quả như hôm nay, gia đình tôi đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ chọn giống, xử lý đất, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… mới có được vườn cây như hôm nay”.
Còn gia đình ông Vũ Thanh Xuân ở xã Nam Bình (Đắk Song) nhiều năm gắn bó với cây điều, cây sắn nhưng hiệu quả không cao nên đã chuyển sang đầu tư nuôi gà thả vườn. Năm 2011, ông Xuân đã mua 1.000 con gà giống gà đồi Yên Thế về nuôi. Sau 2 tháng rưỡi chăm sóc, ông Xuân xuất bán và thu về trên 30 triệu đồng tiền lãi.
Nhận thấy nuôi giống gà này có lợi nhuận cao nên hiện nay, ông mạnh dạn hợp đồng với doanh nghiệp tăng đàn lên 2.000 con. Ngoài giống gà đồi Yên Thế, ông Xuân còn rào chắn chuồng trại thả thêm gà lương phượng để nuôi.
Ông Xuân cho biết: “Việc nuôi gà rất thích hợp với điều kiện thời tiết và quy mô chăn nuôi nông hộ ở đây. Hơn nữa với cách làm, cũng như có sự cam kết đầu tư, bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp nên việc nuôi gà thả vườn của gia đình rất thuận lợi".
Qua tìm hiểu, tại huyện Đắk Song thì nhiều năm nay, các hộ nuôi gà thả vườn với quy mô diện tích khoảng 100m2/1.000 con gà có bổ sung thêm các loại thức ăn như ngô, lúa và chủ động phòng, trị bệnh đúng kỹ thuật là rất hiệu quả.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh thì việc thâm canh, chuyển đổi cây trồng trong những năm gần đây đã có không ít hộ thực hiện và đạt được những kết quả vượt bậc. Nhiều gia đình đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng đối với địa phương là không thể làm theo cảm tính mà chỉ có những cây mang lại kinh tế thấp và không thích hợp với điều kiện thời tiết ở vùng đất đó thì mới chuyển đổi… Đa số nông dân hiện nay mong Nhà nước cần đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch vùng phát triển chuyên canh cây trồng, vật nuôi cũng như đẩy mạnh liên kết có hiệu quả giữa nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Các ngành, địa phương cũng khuyến khích nông dân cải tạo vườn điều, cà phê già cỗi, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Tại khu rẫy trồng ca cao xen chuối và dừa của gia đình ông Lê Công Hậu (thôn Xuân Phú 1, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), những cây ca cao còn thấp nhưng đã có trái. Gia đình ông Hậu là một trong số các hộ dân được đầu tư trồng thử nghiệm cây ca cao khi tham gia đề tài cấp tỉnh “Ứng dụng trồng cây ca cao tại Khánh Hòa (giai đoạn 1)” do Thạc sĩ Hoàng Vinh (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ) làm chủ nhiệm.
Vụ đông năm nay, nông dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trồng 106 ha dưa chuột bao tử xuất khẩu, tăng hơn 60 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn dưa bao tử được trồng tập trung với diện tích từ 4 - 7 ha/vùng.
Theo đánh giá của ngành chức năng huyện Phú Tân và người dân: Nuôi tôm quảng canh cải tiến và sử dụng chế phẩm sinh học mang tính bền vững và an toàn. Nhiều nông dân đã phát triển kinh tế khá từ mô hình này. Cũng theo bà con nông dân, nuôi tôm quảng canh cải tiến giúp bà con đúc kết kinh nghiệm, nâng cao kiến thức về kỹ thuật nuôi, tích lũy vốn để tiến tới nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả hơn.
Mô hình liên kết của HTX Rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều, Thăng Bình) được xem là điển hình về xây dựng chuỗi sản phẩm khép kín cho sản xuất nông nghiệp.
Men theo con đường nhỏ quanh co đầy vỏ sò, vỏ ốc, băng qua mấy chiếc cầu khỉ dẫn vào khu đìa tôm, chúng tôi mới đến được các vùng đìa nuôi ốc hương ở phường Ba Ngòi, Cam Linh (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)…