Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Miền Tây Úa Mùa Trái Chín

Miền Tây Úa Mùa Trái Chín
Ngày đăng: 25/04/2014

Nhà vườn ở miền Tây đang mùa trái chín bắt đầu “thấm đòn” trước tác động kép: Hàng tiêu thụ chậm nay lại gặp thêm “nhà xe” tăng phí vận chuyển. Thương lái, nhà vựa thu mua trái cây cầm chừng, trái cây rớt giá sâu.

Về miệt vườn trái cây nổi tiếng ven sông Hậu ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) không còn thấy cảnh xe tải nườm nượp ra vào con đường tỉnh lộ 925, nơi có gần 20 nhà vựa trái cây “đóng trạm” mua trái cây theo mùa trái chín.

Chỉ riêng hai bên chân cầu bắt qua con rạch Thông Thuyền eo hẹp có tới 5-6 nhà vựa lớn như Huỳnh Dung, Phong Sắc 2, Ba Hoàng, Ý Đạt, Huỳnh Em và Cty CP Mekong Fruit... Nhưng khung cảnh mua bán vắng lặng. Ngoài bãi xe rộng thênh thang hiện chỉ có lẻ loi vài chiếc xe tải nằm chờ lên hàng. Trong các nhà vựa, có một nhà đóng cửa, còn lại mở cửa mua bán. Nhà vườn bán ra không nhiều.

Cuối tháng 4 miền Tây trái cây bắt đầu vào mùa thu hoạch và tới tháng 6, tháng 7 luân phiên hết loại trái này nối tiếp sang loại trái khác kéo dài tới cuối năm. Vào thời điểm này là mùa xoài chín rộ. Đón mùa trái thu hoạch, các nhà vựa đóng hai bên đường từ thị trấn Mái Dầm về xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang) mua đủ loại trái như cam sành, bưởi Năm Roi, mít…Thế nhưng vì sao hơn một tuần qua trái cây đổ về nhà vựa thưa thớt?

Anh Hai Giang tại vựa trái cây Ý Đạt chỉ ngay nguyên cớ: “Chung qui chỉ vì xe tải tăng giá cước vận chuyển. Tất nhiên nhà vựa không hề chịu khoản này, thương lái vào vườn mua cũng không chịu khoản này. Trong khi đó, đầu mối tiêu thụ tại TPHCM, miền Trung hay các tỉnh phía Bắc sức mua không tăng lên bao nhiêu, mà hàng vào mùa thì sức ép đương nhiên là phải hạ giá thu mua…nhà vườn lãnh đủ".

Theo Hai Giang, thông lệ hàng năm là từ tháng 6 đến cuối năm nhiều loại trái cây vào mùa cao điểm, xe tải đậu kín bãi xe xếp tài chờ vận chuyển. Riêng vựa Ý Đạt mua và xuất bến 40 tấn trái/ngày. Vậy mà hiện thời trong nhà vựa chỉ mua chừng 2-3 tấn bưởi hàng lựa và còn lại chừng hơn 1 tấn hàng dạt là loại bưởi đạn (bưởi bi) - loại rẻ bèo 3.000-5.000 đồng/kg bán cho người dùng ép lấy nước.

Bắt đầu từ ngày 1-4, cách đây hơn hai tuần, ngành giao thông vận tải thực hiện nghiêm việc kiểm tra các loại xe tải trên các tuyến đường bộ trong cả nước. Xe tải báo với nhà vựa vì phạt “căng”, xe phải giảm tải, chở đúng tải trọng xe, nhà xe không lời, nên giá cước phí trên mỗi tấn hàng phải tăng lên.

Cũng từ đó giá trái cây bắt đầu lao dốc. Đơn cử như loại bưởi Năm Roi loại 1 giá 22.000-23.000 đồng/kg, đến nay giảm còn 19.000-20.000 đồng/kg; cam sành loại 1 giá 25.000-27.000 đồng/kg, giảm mất 5.000-7.000 đồng/kg.

Trở lại hàng xoài cát, đau đầu nhất lúc này là xoài đang chín rộ. Đầu vụ xoài Hòa Lộc trên 60.000 đồng/kg đến nay rơi “tự do”, hàng loại 1 (400 g/trái) bán lẻ tại chợ Cần Thơ 30.000 đồng/kg, tức còn một nửa giá; nhà vựa mua vào chỉ còn 16.000-17.000 đồng/kg. Nhắm theo giá này, các loại xoài khác rớt giá sâu thêm. Xoài Cát Chu loại 1 (3 trái/kg) giá 8.000-10.000 đồng/kg. Dân tài xế lái xe tải chở xoài ở chợ An Hữu, huyện Cái Bè (Tiền Giang) về Phú Hữu cho hay, năm nay nhà vườn “úa” mùa xoài, các loại xoài ghép bán rẻ như cho vì dội chợ.

Theo các chủ nhà vựa, hiện nay, “nhà xe” ra cước phí vận chuyển hàng trái cây tại khu vực các vựa trái cây tại huyện Châu Thành (Hậu Giang) đi ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc … bình quân 2.800 đồng/kg, riêng các tỉnh, thành phố xa như Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh có cửa khẩu ở vùng biên cao nhất là 3.300 đồng/kg, trong khi trước đây các tuyến đường gần vận chuyển trong vùng mức phí vận chuyển thấp nhất là 1.900 đồng/kg và cao nhất cho các tuyến đường xa chỉ khoảng 2.100 đồng/kg.


Có thể bạn quan tâm

Giao Phong Khai Thác Thế Mạnh Vùng Đồng Màu Giao Phong Khai Thác Thế Mạnh Vùng Đồng Màu

Với lợi thế vùng đồng màu cùng với kinh nghiệm sản xuất qua nhiều năm tích lũy, các hộ nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) đã thực hiện nhiều biện pháp thâm canh, chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng với các công thức luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng cây rau màu trái vụ một cách hợp lý, phù hợp với từng chất đất và mùa vụ, tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với dịch vụ thị trường tạo nên nhiều cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu trên mỗi ha.

17/10/2014
Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp Tập Trung 4 Nhiệm Vụ Trọng Tâm Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp Tập Trung 4 Nhiệm Vụ Trọng Tâm

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: 1- Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; 2- Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; 3- Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; 4- Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.

17/10/2014
Hiệu Quả Từ Vốn Vay Ưu Đãi Cho Người Nghèo Hiệu Quả Từ Vốn Vay Ưu Đãi Cho Người Nghèo

Thuộc diện hộ nghèo của xã Cam Thủy (Cam Lộ), gia đình ông Lê Phước Hoàng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất ở vùng kinh tế mới Cam Thủy Bắc để phát triển sản xuất. Có đất đai và sức lao động nhưng vì không có vốn đầu tư sản xuất nên thời gian đầu ông Hoàng chỉ trồng được vài giống cây ngắn ngày.

17/10/2014
Khôi Phục Và Phát Triển Cây Trồng Chủ Lực Ở Tân Liên Khôi Phục Và Phát Triển Cây Trồng Chủ Lực Ở Tân Liên

Hồ tiêu là một trong những loại cây chủ lực xóa đói giảm nghèo ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, khoảng từ năm 2009-2012 vì lý do cây bị bệnh chết nhanh, giá cả không ổn định nên nhiều người dân tạm ngừng trồng tiêu, chuyển sang trồng các loại cây khác.

17/10/2014
Cà Phê Nhiều Nhưng Không Tinh Cà Phê Nhiều Nhưng Không Tinh

Xây dựng hình ảnh một "đại gia" trong ngành cà phê thế giới nhưng chỉ có 5% trong tổng lượng cà phê xuất khẩu từ VN là qua chế biến, 95% là xuất thô.

17/10/2014