Vụ Tôm Đầu Thất Bát
Nhiều vùng nuôi tôm trọng điểm tại Bình Định mới thả giống được 1 tháng rưỡi thì tôm đã lăn đùng ra chết.
Vụ tôm đầu năm nay, tỉnh Bình Định thả nuôi gần 2.200 ha diện tích mặt nước. Song nhiều vùng nuôi trọng điểm mới thả giống được 1 tháng rưỡi thì tôm đã lăn đùng ra chết hàng loạt khiến người nuôi hoang mang.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng (Tuy Phước) cho biết: “Phước Thắng có 54 ha mặt nước nuôi tôm, tập trung tại 2 thôn Lạc Điền và Đông Điền. Mỗi năm, người nuôi tôm ở đây SX 2 vụ. Vụ đầu năm nay bà con thả giống từ giữa tháng 2 đến ngày 24/2 là hết diện tích. Xuống giống chưa được bao lâu, vào ngày 28/3 nhiều chủ hồ nuôi đã báo cáo có nhiều diện tích tôm lâm bệnh chết hàng loạt”.
Ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ khuyến ngư xã Phước Thắng cho biết thêm: “Tôm chết với hiện tượng dạt vô bờ, chết mỗi ngày mỗi ít, kéo dài đến khi sạch hồ. Mang mẫu đi kiểm tra thì thấy tôm chết bị rữa đầu. Ngành chức năng cho biết tôm chết do 2 bệnh, bệnh hội chứng chết sớm và bệnh thân đỏ đốm trắng.
Những hộ ở Phước Thắng phát hiện tôm chết đầu tiên là ông Phạm Đình Công ở thôn Lạc Điền với gần 1 ha; ông Nguyễn Hữu Hoàng (5.400 m2) và Đặng Văn Ly (5.200 m2) cùng thôn Đông Điền. Hiện tôm nuôi của những hộ nói trên đã chết sạch”.
Cũng theo ông Hải, từ khi phát hiện những hồ nuôi có tôm chết đầu tiên vào ngày 28/3, đến nay diện tích ao nuôi bị nhiễm bệnh ở xã Phước Thắng ngày càng tăng; đã có đến 20 hộ lao đao vì tôm chết. Nhiều hộ không cam tâm bỏ trống hồ bèn mua cua giống thả xuống nuôi tiếp. Cũng chính vì chuyện phát sinh thả nuôi cua mà vấn đề xử lý các hồ nuôi bị nhiễm bệnh không thể thực hiện.
“Chúng tôi đã báo cáo tình hình tôm bị dịch bệnh chết lên ngành chức năng. Chi cục Thú y phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước thành lập đoàn công tác về kiểm tra để tiến hành xử lý các hồ nuôi bị bệnh. Tuy nhiên, những hồ có tôm chết, kể cả hồ mới xuất hiện tôm lờ đờ sắp chết, các chủ nuôi đã mua cua giống thả vào nuôi thay thế tôm để gỡ lỗ nên đoàn công tác không thể xử lý hóa chất diệt vi khuẩn gây bệnh trong hồ nuôi.
Không xử lý được những hồ nuôi có tôm chết do bệnh hội chứng chết sớm và thân đỏ đốm trắng này, e rằng nguồn nước nhiễm bệnh sẽ lan sang môi trường nuôi chung gây thêm nhiều diện tích khác bị bệnh theo”, ông Hải chia sẻ.
Ở xã Phước Sơn, một vùng nuôi tôm trọng điểm khác của huyện Tuy Phước tình hình tôm lâm bệnh chết càng nghiêm trọng hơn. Năm nay, các hộ thả nuôi 274 ha, trong đó 52 ha nuôi ở vùng cao triều thuộc các thôn Vinh Quang, Dương Thiện và Lộc Thượng. Hiện đã có 4 ha tôm chết do hội chứng chết sớm và 7 ha khác tôm chết do bệnh thân đỏ đốm trắng.
“Tôm không chết hàng loạt mà chết từ từ. Nhiều hộ nuôi có tôm bị chết không báo cho ngành chức năng để được hỗ trợ hóa chất xử lý ao hồ, mà để tận thu tôm chết bán chợ. Những diện tích này thả giống vào ngày 1/3 nên giờ tôm đã được 1 tháng rưỡi, khoảng từ 300 - 350 con/kg, bán được 40.000 - 50.000 đ/kg cũng gỡ được ít vốn”, ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết.
Tuy nhiên, theo những chủ hồ nuôi có tôm bị chết, chuyện tận thu tôm chết hoặc tôm ngoắc ngoải bán chợ cũng chỉ để thu lại chút ít tiền lẻ chứ toàn bộ tiền đầu tư vào hồ tôm kể như đã mất trắng.
Chú Tư Hạnh, chủ 2 hồ nuôi tôm có diện tích gần 1 ha, tính toán: “Với tôm nuôi 1 tháng rưỡi, tính tiền thuê hồ, nhiên liệu chạy máy sục khí, mua giống và chi phí thức ăn, người nuôi đã phải đầu tư hết từ 100 - 120 triệu đ/ha. Mới đầu vụ mà tôm đã ngã lăn ra chết hàng loạt kiểu này năm nay người nuôi lại tiếp tục thua lỗ nặng”.
Hiện ở Phước Sơn, ao nuôi nào có tôm bị bệnh được phát hiện, chính quyền địa phương lập tức làm việc với chủ nuôi, động viên họ đóng cổng, không xả nước ra môi trường chung để hạn chế dịch bệnh lây lan. “Tình hình dịch bệnh trên tôm ngày càng u ám chứ chưa thấy có dấu hiệu dừng lại. Đây lại đang là thời điểm các hồ nuôi thường xuyên tảo hồ, thay nước, nên dịch bệnh có điều kiện lây lan nhanh trên toàn vùng”, ông Nguyễn Minh Thiện lo lắng.
“Hiện bệnh hội chứng chết sớm trên tôm vẫn chưa có giải pháp ngăn ngừa, chữa trị. Với bệnh này hiện chỉ có thể hạn chế bằng cách chọn con giống có nguồn gốc, được kiểm dịch trước khi thả nuôi và trước khi thả giống, người nuôi cần nuôi ương con giống trước 20 ngày”, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Bình Định.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi nhiều nông dân thành phố hoa đang “quay lưng” lại với cây atiso - đặc sản của Đà Lạt do giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, thì anh Nguyễn Trung Thành, một người con đất Sài thành lại bỏ phố lên núi để gắn bó với loại cây trồng này dưới chân núi LangBiang.
Nấm linh chi đỏ là một loại thảo dược, thức ăn giàu chất dinh dưỡng, có giá thành khá cao và nhu cầu sử dụng lớn. Qua quá trình tự tìm hiểu trên các chương trình khuyến nông, mạng internet, ông Nguyễn Đình Thanh, ngụ tại khu phố 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành (Tây Ninh) đã trồng thử nghiệm với số lượng khoảng 5.000 bịch phôi nấm.
Nhân rộng các biện pháp thâm canh cân đối lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới phun sương… theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhiều vùng chè Ô long trong tỉnh đã giảm đáng kể nguồn vốn đầu tư và tăng rõ rệt nguồn lợi nhuận.
Đến nay, nông dân đã thu hoạch xong vụ Đông xuân 2013-2014 và vụ Hè thu 2014, với diện tích 1.427,7 ha. Trong vụ Đông xuân, nông dân tham gia mô hình có lời cao hơn ngoài mô hình gần 3,2 triệu đồng/ha. Còn vụ Hè thu, mức lời cao hơn ngoài mô hình từ 4,5 triệu đến 5,5 triệu đồng/ha.
18 hộ nông dân tham gia được Cty CP Chứng nhận GLOBALCERT trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật theo quy trình VietGAP. Từ mô hình, đã cho ra sản phẩm xoài an toàn đầu tiên của TP Quy Nhơn dựa trên 4 tiêu chí: Chuẩn về kỹ thuật SX; an toàn thực phẩm; môi trường làm việc; truy xuất nguồn gốc sản phẩm.