Thu Nhập Cao Nhờ Nuôi Cá Rô
Ông Đặng Văn Xích (thường gọi là Hai Xích) ở ấp Tân Hậu 2, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, trong các năm 2008 – 2009 từng được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, và được chọn tuyên dương tại Hội chợ triển lãm kinh tế nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ở tỉnh Vĩnh Long năm 2010 nhờ thành công với mô hình nuôi cá rô đồng. Hiện nay ông tiếp tục thành công với việc nuôi con cá rô đầu vuông.
Về xã Tân Trung, hỏi ông Hai Xích nuôi cá rô rất nhiều người biết bởi cái tính chịu khó, luôn tìm tòi trong sản xuất kinh tế. Ngay con đường vào nhà ông là hai ao nuôi cá rô được ông thiết kế bài bản, tạo sức hấp dẫn đối với những ai đến tham quan mô hình nuôi cá của ông.
Ông Hai Xích có 7.000 m2 đất trồng dừa và cây ăn trái, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông nhận thấy mô hình nuôi cá rô đồng công nghiệp phù hợp với điều kiện vùng đất của gia đình mình. Vậy là năm 2007 ông đào ao diện tích 500 m2 nuôi cá rô đồng.
Để trang bị kiến thức nuôi cá, ông tìm đến các trại cá giống ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, học hỏi kinh nghiệm ươm trứng cá lên cá giống, nuôi từ cá giống lên cá thịt và kỹ thuật sinh sản nhân tạo của cá rô đồng. Sau khi nắm vững các kiến thức nuôi cá rô, ông Hai Xích mua 5 ly trứng cá rô đồng về ươm và nuôi cá thịt.
Nhớ lại lúc đem con cá rô đồng về nuôi, ông Hai Xích kể: “Không ít người bảo tôi mua cá rô về thả sông vì cho rằng loài cá này nuôi không khéo sẽ lóc đi hết. Để không mích lòng người ta, tôi trả lời chỉ nuôi thử nghiệm, chứ mình đầu tư làm ao hồ bài bản thì lo gì chuyện cá đi, chỉ lo nuôi cá có được hay không”.
Ngay lần đầu tiên nuôi con cá rô đồng đã đem về thành công cho ông Hai Xích. Sau thời gian nuôi hơn 4 tháng, hình thức nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp, mật độ nuôi 30 con/m2, ông Hai Xích thu được 1,5 tấn cá thịt. Với giá cá bán tại ao 32.000 đồng/kg, ông thu được 48 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí giống, cải tại ao, thức ăn, thuốc hoá chất, ông còn lãi 18 triệu đồng. Ngoài ra, từ lứa cá này, ông Hai Xích chọn được 400 cặp cá bố mẹ để sinh sản.
Năm 2008 ông Hai Xích mạnh dạn đào thêm ao rộng 800m2 để đầu tư nuôi cá rô đồng. Ông tiếp tục đạt được thành công. Trong năm, 2 ao cá, mỗi ao nuôi 2 vụ, ông thu được 8 tấn cá thịt, trừ các khoản chi phí ông còn lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Năm 2009, ông tiếp tục thu lãi 40 triệu đồng nhờ nuôi cá rô đồng.
Không dừng lại với thành công hiện tại, để việc nuôi cá rô đem về hiệu quả kinh tế cao hơn, ông Hai Xích đã đi tỉnh Hậu Giang tìm mua 20 cặp cá rô đầu vuông về nhân giống thay thế giống cá rô đồng. Năm 2011, sau 2 đợt nuôi cá rô đầu vuông, ông thu lãi 50 triệu đồng.
Với kinh nghiệm nuôi cá rô có được, tháng 10/2011 ông Hai Xích được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bến Tre chọn đầu tư mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm và ông thực hiện rất thành công. Với 25.000 con giống thả nuôi, trong diện tích 1.100 m2, sau thời gian 4 tháng nuôi ông thu hoạch trên 4 tấn cá thương phẩm, giá bán 28.000 đồng/kg, ông lãi trên 50 triệu đồng.
Ông Hai Xích cho biết: “Ưu điểm của cá rô đầu vuông là con lớn, kích cỡ cá đực, cái bằng nhau. Cá rô đầu vuông rút ngắn thời gian nuôi còn 3,5 – 4 tháng so với cá rô đồng nuôi 5 tháng mới thu hoạch, qua đó giảm chi phí đầu tư. Nuôi cá rô đầu vuông bình quân 1 tấn cá cho ăn từ 1,3 đến 1,5 tấn thức ăn, trong khi cá rô đồng phải cho ăn từ 1,7 đến 2 tấn thức ăn.
Nuôi cá rô đầu vuông cũng như nuôi như cá rô đồng, chỉ cần nắm vững kỹ thuật nuôi sẽ dễ đạt hiệu quả. Cá rô đầu vuông nuôi không cần nước ra vào ao thường xuyên, nhưng phải chủ động nguồn nước để ngừa bệnh cho cá, cứ một con nước thủy triều thì thay khoảng 30% lượng nước trong ao một lần vì ao sinh tảo, sau đó sát trùng nước để diệt các loại mầm bệnh”.
Có thể bạn quan tâm
Hai năm nay, giống gà H'mông đã được "khai sinh, lập trại" tại vùng đất Sơn Hà, Sơn Tây. Nhiều gia đình nông dân Hrê nơi đây tiếp thu kiến thức mới, đầu tư công sức vào nuôi giống gà này với mong ước đổi đời.
Cụ thể, tại xã Đắk Sin (Đắk R'lấp), ốc bươu vàng xuất hiện với mật độ cao, có một số diện tích lên tới 50 - 70 con/m2 và đã làm hơn 200m2 lúa bị ốc bươu vàng cắn phá trắng.
Ngày 26/5, theo thông báo nhanh của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), trong thời gian gần đây, nạn sùng trắng đã phát sinh và gây hại trên nhiều loại cây trồng của huyện này như mía, tiêu, ca cao, khoai lang, cà phê, măng cụt, khoai mỳ, cao su, mít...; địa bàn bị sùng trắng gây hại nhiều nhất là 3 xã Đạ Tồn, Đạ P'loa và Đạ M’ri.
Ngoài ra, nhiều hộ cũng dành dụm đất trồng các loại cỏ làm thức ăn cho trâu vào mùa khô. Mỗi năm nông dân xã Đắk D'rông bán cho các địa phương khác trung bình từ 300 đến 500 con nghé, 200 trâu kéo và 300-400 trâu thịt thu về hàng chục tỉ đồng.
Với khát khao vươn lên phát triển kinh tế, bằng nghị lực và tinh thần cầu tiến không ngừng học hỏi, ông Đinh Văn Trẻ (1932) dân tộc H're ở thôn Làng Chai, xã Sơn Ba (Sơn Hà) đã gầy dựng nên trang trại nuôi trâu, bò trên chính mảnh đất quê hương mình với quy mô lên đến hơn cả trăm con.