Lao Đao Với Trầm Hương
Ngày mới xuất hiện, cây dó bầu được xem như là cơ hội làm giàu cho bao nông dân nghèo ở huyện Tân Phú (Đồng Nai), đặc biệt là ở vùng điều kiện đất đai cằn cỗi, đồi dốc khó trồng các loại cây công nghiệp khác.
Thực tế, loại cây này cũng giúp một số gia đình thoát nghèo, trở nên khá giả hơn. Nhưng trong vòng nửa năm nay, giá trầm xuống thấp khiến cho nhiều người lao đao vì lỡ đầu tư lớn.
* Lỗ nặng vì trầm
Dù là một trong những người đầu tiên của cả vùng chuyên thu mua cây dó bầu về để chế biến trầm hương từ nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ bà Ngô Kim Thanh, chủ Doanh nghiệp Kim Thanh ở ấp Phú Yên, xã Phú Trung, chứng kiến giá trầm hương rớt mạnh như hiện nay. Bởi chỉ 6 tháng trước đây, qua các thương lái, trầm được xuất sang thị trường các nước và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Singapore với giá cao.
Tùy theo loại, mỗi ký trầm được bán với giá từ 700 ngàn đồng đến 7 triệu đồng, nhưng nay giá đã giảm xuống hơn một nửa, mà hàng xuất đi cũng chỉ cầm chừng. Vì thế, bà Thanh và những người mua dó trầm ở đây gặp nhiều khó khăn.
“Khoảng 5 - 6 tháng nay, trầm xuất đi không được, do phía Trung Quốc, Đài Loan nhập hàng rất ít. Trong khi đó, nhiều vườn dó của nông dân lại đến kỳ thu hoạch hàng loạt, nên cung đã vượt quá cầu. Vì thế giá trầm giảm xuống rất nhiều” - bà Thanh nói.
Do giá xuống mạnh nên loại trầm tốt nhất trên thị trường hiện tại có giá khoảng 4 triệu đồng, trầm có phẩm chất kém chỉ còn khoảng 400 ngàn đồng. Mặc dù xuất khẩu trầm hiện gặp khó, thua chịu lỗ liên tục, nhưng một số người kinh doanh trầm tại Tân Phú vẫn phải thế chấp tài sản, vay ngân hàng để có vốn mua gỗ dó bầu về chế biến do trước đó đã ký hợp đồng với các nhà vườn.
Ông Nguyễn Văn Luyến, chủ cơ sở chế biến trầm ở xã Phú Trung, cho biết ông đã vay vốn đi thu mua cây dó của các nhà vườn ở khắp các tỉnh, như: Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... để về chế biến trầm. Nhưng trong lúc này, do phải vay vốn ngân hàng để trả tiền công lao động và cho các nhà vườn đã ký hợp đồng, ông gặp rất nhiều khó khăn vì hàng làm ra chỉ bán được cầm chừng.
* Trầm lắng theo giá trầm
Xã Phú Trung không chỉ là vùng nguyên liệu dó bầu, mà nhiều người còn đi khắp các tỉnh thu mua cây dó về chế biến lấy trầm hương rồi bán cho các thương lái để xuất khẩu. Nghề chế biến trầm hương khá phổ biến ở đây nên nhiều gia đình có được công ăn việc làm đều đặn, với mức thu nhập ổn định từ 3,5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có nhiều người đã trở nên khá giả.
Tuy nhiên, hiện nay từ chủ hàng đến những người làm công đều gặp khó vì giá trầm rớt mạnh.Trước đây khi giá trầm còn cao, cả khu vực các ấp Phú Lợi, Phú Kiên, Phú Thắng... đều nhộn nhịp, người người, nhà nhà đều tất bật với các công đoạn chế biến trầm từ cưa, xẻ, đục xủi, mài... gỗ dó để lấy trầm hương, nhưng khi giá thấp không khí này đã trầm lắng hẳn.
Trước đây giá trầm cao, tiền công cho người lao động chế biến trầm cũng khá, từ 180 - 350 ngàn đồng/người/ngày, còn hiện nay tiền công giảm khoảng 50%.
Mặc dù càng làm càng lỗ, nhưng vì phải giữ mối làm ăn lâu dài với các đối tác xuất khẩu, nên hầu hết các chủ cơ sở chế biến trầm hiện tại phải chấp nhận chịu lỗ và sản xuất cầm chừng. Điều đáng nói, hầu hết các đối tác đều chọn Trung Quốc là thị trường chính để tiêu thụ trầm, nên khi thị trường này biến động theo chiều hướng xấu, thì người kinh doanh bị thiệt hại lớn.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Tân Phú, cho biết dó bầu là loài cây ưa ẩm, chịu bóng râm, thường phân bố trên độ cao từ 300-600m so với mặt biển. Không phải bất kỳ cây dó bầu nào cũng tạo thành trầm hương.
Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào làm sáng tỏ một cách rốt ráo cơ chế hình thành trầm hương trong cây dó bầu. Hiện nay, ở huyện Tân Phú có rất nhiều hộ trồng cây dó bầu trong diện tích vườn cây ăn trái hay cây công nghiệp đã được cải tạo hoặc trên diện tích đất của Chương trình 327 về phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Hầu hết những vườn cây dó bầu từ 5 năm trở lên đã được người dân cấy men để tạo trầm. Do có nguy cơ rủi ro cao, nên huyện không khuyến khích mà người dân trồng theo hình thức tự phát.
Có thể bạn quan tâm
Từ một hộ nghèo, vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế vườn, trở thành cách làm hiệu quả được chính quyền sở tại ghi nhận và có chủ trương nhân rộng. Đó là câu chuyện của nông dân Đỗ Văn Hiển, điển hình làm kinh tế giỏi của thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).
Kích thước trái nhãn Phú Tây ở Sóc Trăng vào khoảng 4cm, cơm dày, hạt nhỏ và có mùi thơm đặc biệt.
Theo Sở KHCN Hải Dương, tới thời điểm này, Hội Nông dân thị xã Chí Linh đã được chọn là chủ đơn đăng ký cho nhãn hiệu tập thể “na Chí Linh". Sở cùng UBND và Hội Nông dân thị xã Chí Linh đang chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm na Chí Linh và phấn đấu hoàn thiện trong tháng 8 này.
Những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng diện tích đất trống cạnh nhà, xây dựng bể xi măng để thực hiện thành công mô hình nuôi lươn cho thu nhập khá.
Tại Đăk Lăk, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp tỉnh Đăk Lăk vừa tổ chức hội thảo đề xuất mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho cây cà phê. Ông Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng đề xuất có 14 mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho cây cà phê như- mục tiêu bảo hiểm, rủi ro, địa bàn, quyền lợi, năng suất, phạm vi, giá trị...