Thu mua cá sấu non coi chừng sập bẫy chiêu trò của thương lái Trung Quốc

Coi chừng “dính bẫy” của thương lái trung quốc
Toàn tỉnh hiện có 1.594 hộ gây nuôi cá sấu với tổng đàn 169.092 con. Huyện Phước Long là địa phương nuôi cá sấu nhiều nhất tỉnh với số lượng 130.000 con.
Trong khi giá cá sấu con đang “làm mưa làm gió” thì những hộ nuôi cá sấu đến kỳ xuất bán lại đứng ngồi không yên vì giá cá sấu thương phẩm ngày càng tuột dốc, thậm chí không có người mua.
Ông Trương Công Đạt (ấp Long Hải, thị trấn Phước Long) chia sẻ: “Khoảng 2 tháng nay, nhiều thương lái không biết từ đâu đến săn mua cá sấu non khiến giá của loại cá này tăng chóng mặt. Năm 2014, vào thời điểm này, giá cá sấu con chỉ khoảng 400.000 đồng/con, thì nay lên đến 700.000 - 800.000 đồng/con. Còn giá cá sấu thương phẩm giờ chỉ ở mức 200.000 đồng/kg, thấp hơn 30.000 - 40.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Tôi còn hơn 100 con cá sấu đến đợt xuất chuồng nhưng không tìm được thương lái để bán, nếu có thì bị ép giá”.
Năm 2014, thấy nguồn lợi từ nuôi cá sấu khá lớn nên nhiều người dân ồ ạt phá bỏ chuồng gà, chuồng heo, thậm chí vay tiền để đầu tư xây chuồng nuôi cá sấu. Song, ước mơ đổi đời chưa kịp thực hiện thì giá cá sấu giống tăng đột biến, họ đành ngậm ngùi “treo chuồng”. Bởi, nếu liều lĩnh thả nuôi sẽ bị lỗ vốn do chi phí rất cao.
Ông Đào Công Tâm (thị trấn Phước Long) lo lắng nói: “Mới đây, có một nhóm người lạ tìm đến nhà năn nỉ tôi bán cá sấu từ 2 - 7kg. Song, tôi từ chối vì e ngại lại “dính bẫy” thương lái Trung Quốc như 2 năm trước”.
Hiện nay, ông Tâm còn hơn 100 con cá sấu lứa từ 5 - 7kg. Ông định nuôi thêm 400 con, nhưng vì giá con giống quá đắt nên ông chờ giá “hạ nhiệt” mới tiếp tục tái đàn.
Cần cơ chế hỗ trợ người nuôi cá sấu
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: “Mặc dù Bạc Liêu là một trong những địa phương có lượng cá sấu nuôi nhiều so với cả nước, nhưng toàn tỉnh chỉ có một vài doanh nghiệp đứng ra thu mua cá sấu thịt, và chỉ duy nhất trang trại Phương Tín (huyện Phước Long) được cấp giấy phép CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp). Mỗi năm, trang trại này cung cấp cho thị trường khoảng 60.000 con cá sấu giống. Song, số lượng cá giống này vẫn không đủ cung cho người nuôi”. Bên cạnh đó, do ham giá rẻ, không ít người nuôi lại đổ xô mua cá sấu giống tại các tỉnh lân cận hoặc tìm mua ở các thương lái bất chấp nguồn gốc, xuất xứ”.
Thực tế cho thấy, do nguồn cung - cầu không ổn định, giá cả trồi sụt bất thường nên nghề nuôi cá sấu được xem là canh bạc may rủi. Bởi, nếu chẳng may gặp rủi ro thì người nuôi lại không được nhận bất cứ sự hỗ trợ nào. Nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nuôi cá sấu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản kiến nghị Tổng cục Lâm nghiệp trình lên Bộ NN&PTNT và các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cần sớm thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ khi có thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, cũng như đầu tư vốn cho những hộ nuôi cá sấu.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, những ngày này, người nuôi không nên mua cá con vì đến đầu tháng 6 - 7 dương lịch mới là mùa sinh sản của cá. Còn cá con thời điểm trước tháng 6 đa phần là cá “đẹt”, không phát triển. Nếu mua phải loại cá này, không những mất của lại còn mất công. Để có sức “đề kháng” với những rủi ro, khi muốn đầu tư nuôi cá sấu, biện pháp tốt nhất là nên đăng ký với Chi cục Kiểm lâm hoặc chính quyền địa phương để được bảo vệ quyền lợi một cách thích đáng.
Có thể thấy rằng, chăn nuôi động vật hoang dã, đặc biệt là cá sấu giúp người dân phát triển kinh tế, thậm chí làm giàu. Song, nếu phát triển ồ ạt, theo phong trào, không có quy hoạch, không tính đến yếu tố thị trường thì hệ quả “ăn trái đắng” từ thương lái Trung Quốc hoặc bị rủi ro về giá và chất lượng con giống là điều không tránh khỏi.
Có thể bạn quan tâm

Để giúp bà con ngư dân bảo vệ tốt hơn nguồn lợi thủy sản, UBND xã phối hợp với ngành Nông nghiệp hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật khai thác, đánh bắt kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm giúp nhiều chủng loại thủy sản trên đầm phá ngày càng phong phú hơn, ông Bảo cho biết them.

Chi cục Thú y vừa tiến hành tiêu hủy 807 con gà 61 ngày tuổi bị cúm gia cầm H5N1 của hộ ông Ngô Đình Phùng, thuộc tổ dân phố 7, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột (Dak Lak).

Cây mì ở Bình Phước thời gian trước chủ yếu trồng xen trong các vườn cao su non, điều, vườn cây ăn trái... khi chưa khép tán. Với sản lượng nói trên, củ mì ở Bình Phước không chỉ cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn mà còn cung cấp cho các nhà máy ở tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai...

Sáng 31-7, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Phước (Sở NN&PTNT) tổ chức hội thảo chuyên đề “Phát triển cây có múi trên địa bàn tỉnh Bình Phước” với sự tham gia của trên 100 nông dân trong, ngoài tỉnh.

Ở tỉnh ta, các mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp như hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đã hình thành khá sớm, còn mô hình liên minh sản xuất (LMSX) thì chỉ mới ra đời cách nay 5 năm cùng với hoạt động của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (Dự án ACP) do Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ, Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ quản.