Thời tiết thuận lợi, ngư dân được mùa thủy sản

Bến cá Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi những ngày này khá nhộn nhịp. Tàu thuyền ra vào bán thuỷ sản tấp nập, tiếng cười tiếng nói rộn rã khắp nơi. Ngư dân Nguyễn Tấn Vũ, chủ tàu cá QNg 90568 TS ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn khoe, chuyến vừa rồi đi hơn 1 tháng ở ngư trường Hoàng Sa, anh em trúng đậm hải sâm nên sau khi trừ chi phí, mỗi người được chia hơn 20 triệu đồng.
Năm nay, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trúng đậm Hải Sâm, cá Nục, cá Ngừ đại dương, cá Đỏ củ, cá Thu... Theo giá thị trường hiện nay, cá ngừ đại dương giá dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg; cá Thu 150.000 - 180.000 đồng/kg, cá chim khoảng 100.000 đồng/kg. Cá trúng mùa, bán được giá nên phiên biển đầu năm mang đến nhiều niềm vui.
Ngư dân Nguyễn Văn Bưng, ở xã An Hải, huyện Lý Sơn cho biết, chuyến biển vừa rồi ra khơi nhờ tàu bạn hỗ trợ, kêu gọi đến đánh bắt chung luồng cá nên năng suất đạt khá cao, chuyến vừa rồi tổng thu được 900 triệu, trừ chi phí mỗi bạn chia được 26 triệu.
Ngư dân được mùa đánh bắt cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở trên bờ. Mỗi khi có tàu cập cảng bán cá, các chủ vựa thường thuê từ 20 - 30 lao động trên bờ để phân loại, cân cá và vận chuyển hàng lên xe đông lạnh. Người làm dịch vụ trên bờ cũng phấn khởi.
Bà Trần Thị Búp, người dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bộc bạch: Ngư dân trúng mùa người lao động cũng có thêm nhiều việc, làm theo sản phẩm ngày ít chỉ mất chục nghìn, khi có nhiều việc làm thu nhập cũng đến hàng trăm nghìn/ngày.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nhìn chung công việc đánh bắt của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi năm nay gặp nhiều thuận lợi. Hầu hết các tàu sau mỗi chuyến ra khơi trở về đều có thu nhập cao.
“Từ đầu năm đến nay công tác khai thác thủy sản gặp nhiều thuận lợi, sản lượng đánh bắt so với đầu năm 2014 tăng từ 3 - 4 lần. Đến thời điểm hiện tại, sản lượng đánh bắt đã đạt được khoảng 4.000- 5.000 tấn, đạt được khoảng 40% kế hoạch đánh bắt cả năm”, ông Hùng cho biết.
Thời tiết thuận lợi, cộng với việc mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị đánh bắt hiện đại đã giúp ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khai thác nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập của bà con ngư dân.
Có thể bạn quan tâm

Hầu như năm nào, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Tiên Yên cũng đều phải đối mặt với dịch bệnh trên tôm nuôi. Đơn cử, tháng 7-2014, trên 200 hộ nuôi tôm với diện tích trên 350ha ở xã Hải Lạng và Đông Ngũ đã bị chết do dịch bệnh. Ngoài những nguyên nhân khách quan do thời tiết, khí hậu còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các chủ đầm trong việc vệ sinh môi trường khu vực nuôi trồng thuỷ sản chưa tốt.

Từ 2 ha giống cỏ hỗ trợ trồng khảo nghiệm để nhân rộng mô hình trong phát triển chăn nuôi bò, đến nay 2 giống cỏ voi VA06 và cỏ hàng chông đã được người chăn nuôi chấp nhận đưa vào trồng khá phổ biến, góp phần giải quyết nguồn thức ăn xanh tại chỗ cho đàn bò của địa phương.

Kinh tế khó khăn, giá cả nông sản bấp bênh, sâu bệnh phá hoại, khí hậu thất thường... đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nông dân. Để thích nghi với tình hình thực tế, nhiều gia đình đã áp dụng khoa học - kỹ thuật, xen canh tăng vụ để thêm thu nhập. Trồng rau má xen dưới vườn điều của gia đình chị Đinh Thị Lý, tại ấp 5, xã Đồng Tiến (Đồng Phú - Bình Phước) là một điển hình.

Trồng nấm bào ngư có ưu điểm là không sử dụng thuốc, phân bón, nông dân có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để trồng. Mô hình ít vốn đầu tư, không cần nhiều diện tích, có thể tận dụng chuồng heo, chuồng gà để che mưa, tùy vào diện tích mỗi gia đình. Khoảng 20 ngày sau khi treo phôi là có thể thu hoạch đợt đầu và thời gian thu hoạch kéo dài 3 tháng.

Vùng Bảy Núi (An Giang) với đặc điểm địa hình bán sơn địa, khá thích hợp với các mô hình đa canh và xen canh. Hơn nữa, vườn đồi, vườn rừng núi Cấm đa số trồng nhiều loài cây, như: Xoài, mít, vú sữa, sầu riêng…là những loại cây có thể tận dụng cho dây tiêu đeo bám.