Thoát Nghèo Từ Nuôi Dê Bách Thảo
Thời gian gần đây không ít gia đình ở xã Bình Tân (Bắc Bình - Bình Thuận) đang khôi phục nuôi dê bách thảo, coi đây là hướng phát triển kinh tế chính cho mình. Trường hợp gia đình ông Phạm Được, ở thôn Bình Nghĩa, xã Bình Tân, là một điển hình. Hiện ông đang phát triển nuôi dê bách thảo hơn 100 con, cho hiệu quả kinh tế khá cao, từng bước thoát nghèo.
Cách đây gần 7 năm về trước, không riêng gì địa phương này mà ở các xã khác trong huyện phát triển rầm rộ nuôi dê bách thảo. Cơn sốt nuôi dê những năm 2004 đến 2008 đã giúp nhiều gia đình nông dân thoát nghèo, coi đó là cách làm giàu nhanh chóng. Nhưng sau đó không bao lâu, cũng không ít gia đình “bại sản”, nợ nần chồng chất, do dê xuất hiện dịch bệnh, giá xuống quá thấp, người tiêu dùng quay lưng.
Là người đi sau, nắm được quy luật phát triển cũng như các dịch bệnh thường gặp trong quá trình chăn nuôi dê, ông Được đã chịu khó học hỏi và áp dụng vào mô hình nuôi dê của mình một cách phù hợp. “Năm 2009 tôi bắt đầu thực hiện ý tưởng để chăn nuôi dê bách thảo với số vốn 10 triệu đồng vay mượn. Qua hơn 3 năm chăn nuôi, từ 10 con giống đã sinh sản và phát triển nhanh đến nay hơn 100 con. Nuôi dê biết tính toán rất có lợi. Đây là giống vật nuôi chỉ đầu tư con giống ban đầu, còn nguồn thức ăn chủ động, tự mình trồng hoặc chăn thả các đồi núi thấp, nơi có nhiều cây xanh, tận dụng công lao động lúc nông nhàn”, ông Được nói.
Theo ông Được, loại dê này dễ nuôi và nhanh sinh sản lại chủ động được thời gian chăn thả nên việc chăn nuôi, phát triển không khó. Đối với dê bách thảo, trung bình 1 con cái đẻ một năm 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con, nuôi khoảng 6 tháng đạt trọng lượng từ 25 – 35 kg là bán thương phẩm.
Muốn nuôi dê có hiệu quả cần phải chú ý đến khâu chọn con giống, cách phối giống. Chuồng nuôi phải cách mặt đất hơn 1m, thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo được nhiệt độ phù hợp mỗi mùa. Thường xuyên dọn vệ sinh chuồng, không để phân đọng lại trên nền chuồng, trong chuồng phải có máng ăn, máng uống nước để bổ sung thêm thức ăn cho dê. Định kỳ tẩy uế chuồng trại, dê sẽ phát triển tốt, ít rủi ro dịch bệnh.
“Đối với loại dê bách thảo thường cho ăn kèm với một ít muối hạt để tăng sức đề kháng cũng như hạn chế các dịch bệnh xuất hiện. Chỉ khó nhất là lúc chuyển mùa, thời tiết thay đổi, hoặc vào chu kỳ sinh sản dê thường mắc bệnh hô hấp rất khó phát hiện. Vì thế thời gian đó cần tiêm ngừa các loại thuốc phòng dịch bệnh mỗi ngày”, ông Được chia sẻ kinh nghiệm.
Trong thời gian nuôi, gia đình ông Được đã xuất bán nhiều lứa dê thương phẩm thu về hàng chục triệu đồng. Mới đây, ông xuất bán 20 con dê thương phẩm với giá 125 ngàn đồng/kg, thu về gần 50 triệu đồng. Chỉ thời gian ngắn phát triển nuôi dê, giờ ông đã tìm thấy niềm vui khi đã có thu nhập ổn định mỗi năm hơn 150 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
Trước đây, những diện tích ruộng một vụ tại các bản của xã Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La) chủ yếu bỏ không hoặc làm bãi chăn thả gia súc sau khi thu hoạch vụ lúa mùa. Hai năm gần đây, người dân đã tận dụng diện tích đất này để trồng ngô vụ đông xuân làm thức ăn ủ ướp cho bò sữa, tăng thu nhập cho gia đình.
Người dân ở tổ dân phố số 6, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng - Nam Định) ai ai cũng biết tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu của ông Hoàng Văn Minh. Từ hai bàn tay trắng ông đã xây dựng một trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích trên 3ha, trở thành đầu mối cung cấp con giống cho nông dân trong vùng và các địa phương.
Chiều ngày 4/7, đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, tại một số vùng nuôi ngao của người dân trên địa bàn đang xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt, nổi trắng trên bờ.
Ngày 3/7, tại UBND xã An Ninh Đông, Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh (Sở NN-PTNT) phối hợp với UBND xã An Ninh Đông (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) tổ chức hội nghị thành lập Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ xã An Ninh Đông. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở NN-PTNT, UBND huyện Tuy An và gần 200 ngư dân tham gia tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ trên địa bàn xã.
Với lợi thế đất đai của gia đình, ông Võ Huy Lọng, thôn Nội Mai, xã Hưng Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) đã chịu khó tìm tòi, học hỏi và đã áp dụng thành công mô hình nuôi các loại cá giống nước ngọt như cá trắm, cá rô phi, cá mè... thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình. Ông là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương.