Yên Tâm Với Chất Lượng Hàng Hải Sản Mùa Du Lịch
Vào mùa hè, lượng hàng hải sản tiêu thụ thường mạnh hơn những mùa khác. Đó cũng là lúc chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được người dân quan tâm hàng đầu.
Nguồn hải sản đa dạng, phong phú
Sáng sớm, tại cảng cá ở Âu thuyền Thọ Quang, tàu thuyền tấp nập về bến. Những khay cá, tôm lớn nhỏ được chuyển lên bờ và theo chân các thương lái đến các chợ, nhà hàng. Hiện nay, Đà Nẵng có nhiều khu chợ bán đồ hải sản với hàng trăm loại hải sản khác nhau từ sò, ốc, ghẹ, hàu đến các loại cá, tôm, mực…, người dân và khách du lịch tha hồ lựa chọn cho mình loại hải sản yêu thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kinh nghiệm và lựa được những món hải sản tươi ngon.
Hơn 20 năm bán hàng hải sản ở chợ Đống Đa, chị Lê Thị Mỹ, chủ quầy hải sản Hân Mỹ đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc thu mua và bảo quản sao cho các mặt hàng mực, cá luôn tươi ngon. Theo chị, để có được những con cá, mực tươi, chị phải đích thân ra tận cảng cá Thọ Quang để lựa hàng, sau đó phân loại ngay loại nào dùng bán trong ngày, loại nào để bỏ cho các nhà hàng, quán nhậu. Nhờ vậy, quầy hải sản của chị lúc nào trông cũng tươi ngon và đông khách ghé mua.
Riêng tại các nhà hàng, quán nhậu, để giữ chân du khách, từ lâu các nhà hàng, quán này đã tạo được nét riêng bằng cách mở những gian hàng hải sản ngay bên trong nhà hàng để thực khách tùy ý chọn lựa những món hải sản ưng ý nhất. Anh Phạm Đức Việt, chủ quán Hàu Sữa nằm trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) bật mí: “Nhiều khách thích được tự lựa nguyên liệu cho món ăn của mình nên quán đã đầu tư hệ thống máy sục rất công phu để giữ cho nguyên liệu tươi ngon.”
Được biết, mỗi ngày, quán của anh tiêu thụ khoảng 500-600kg hải sản các loại. Đa phần các loại hải sản này được đầu mối mang đến tận quán, anh chỉ việc lựa những con còn sống, tươi và ngon nhất, lấy lượng vừa đủ bán trong ngày, đảm bảo thực khách lúc nào cũng được thưởng thức nguyên liệu tươi, mới, giữ được hương vị của biển.
Bên cạnh nguồn hải sản từ những con tàu lớn cập bến ở Âu thuyền Thọ Quang, tại một số chợ hải sản nhỏ khác vẫn có lượng hải sản từ các thuyền nhỏ, ghe, thúng của ngư dân đi và về trong ngày bán lại.
An toàn, đảm bảo
Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Đà Nẵng, hầu hết hàng thủy hải sản về Đà Nẵng là hàng tàu và hàng xe, lượng hàng tương đối đảm bảo, đặc biệt hàng tàu thì rất đảm bảo. “Trước đây, hàng xe về Đà Nẵng thường dùng phân urê để bảo quản nhưng hiện nay, tôi khẳng định là hoàn toàn không có.
Việc thử hải sản có phân urê hay không sử dụng phương pháp test (kiểm tra-PV) đơn giản nên Sở chúng tôi có thể làm được mà không cần gửi mẫu thử qua Sở Y tế, việc kiểm tra diễn ra thường xuyên và dễ dàng hơn. Còn hàng tàu, trước đây chủ tàu dùng đá lạnh để ướp đè lên con cá nên chất lượng cá không đảm bảo, nay chuyển sang dùng khay để ướp, con cá này không đè lên con cá kia nên chất lượng rất tốt”.
Ông Tám cũng chia sẻ thêm, mỗi năm, chợ cá Thọ Quang đón hơn 100 tấn hàng, số lượng tiêu thụ hải sản của Đà Nẵng tương đối lớn so với các tỉnh, thành trong khu vực. Vì thế, công tác quản lý cũng được siết chặt hơn nhằm đảm bảo chất lượng, nâng cao uy tín của hải sản Đà Nẵng.
“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân và những người làm công tác thủy hải sản lấy chất lượng hải sản làm uy tín. Về phía Sở, thường xuyên có những đợt ra quân kiểm tra, nhỏ lẻ có, huy động lực lượng toàn ngành có, đặc biệt, cao điểm mùa hè này, chúng tôi càng tăng cường kiểm soát hơn nên tôi khẳng định, hàng thủy hải sản trên thị trường Đà Nẵng hiện nay đạt yêu cầu, người dân và du khách có thể yên tâm”, ông Tám nói.
Cùng với lời khẳng định của đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về chất lượng hàng thủy hải sản trên thị trường, ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cũng cho biết, hiện nay, tình hình giá cả thủy hải sản trên địa bàn bình ổn, không biến động.
“Sở Công thương thường xuyên chỉ đạo cho Chi cục Quản lý thị trường theo dõi tình hình giá cả, không để giá thủy hải sản biến động trong mùa cao điểm, ngăn chặn nạn đầu cơ tích trữ bất hợp lý, chặn những tiểu xảo không lành mạnh trong kinh doanh…
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an, thủy sản-nông lâm và các ban ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, kiếm soát, không để thương gia nước ngoài thu mua trái phép thủy hải sản của mình”.
Ông Tươi cho biết, đối với thị trường thủy hải sản, nhà nước phải can thiệp để định hướng thị trường phát triển lành mạnh nhằm đảm bảo phát triển kinh tế cũng như ổn định đời sống dân sinh.
Hải sản ở Đà Nẵng trước nay vốn đã tạo được thương hiệu với người dân và du khách, cho nên, với những lời “cam kết” từ cơ quan chức năng như vậy, người dân và du khách có thể yên tâm khi thưởng thức hải sản Đà Nẵng vào mùa hè.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, diễn biến thời tiết bất lợi, dịch bệnh hoành hành đã khiến người nuôi trồng thủy sản ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng nề.
Hiểu nỗi cơ cực của cái nghèo, tỉ phú nông dân Nguyễn Hữu Tá đã giúp đỡ hàng trăm hộ gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo cũng chính từ nghề cá của mình nhờ cách thức “liên kết 4 nhà”.
Hàn Quốc đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên nuôi thành công cá hồi trong suốt cả năm, điều này không những có thể giúp đất nước này giảm nhập khẩu mà còn có thể xuất khẩu sang nước khác.
Được đánh giá là một trong những tỉnh miền núi có nhiều thế mạnh để phát triển thủy sản nhất là trên diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình, những năm qua, tỷ trọng về thủy sản trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Sơn La tăng lên.
Thông thường vào những tháng cuối năm, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra nguyên liệu tăng giá do vào cuối vụ nuôi và nhu cầu nguyên liệu chế biến phục vụ thị trường xuất khẩu dịp Noel, tết Dương lịch tăng.