Thiếu nước, hàng trăm ha lúa không kết hạt
Xót xa cắt lúa về cho trâu ăn
Cùng lội xuống ruộng với bà con làng Bèo, xã Vĩnh Long, chúng tôi nhận thấy hầu hết những ruộng lúa đều xanh mơn mởn, có bông nhưng không kết được hạt, lép kẹp. Nhiều người đang phải ngậm ngùi cắt lúa về cho trâu, bò ăn.
Nông dân ngậm ngùi cắt lúa lép về cho trâu, bò ăn.
Chị Trần Thị Chiến (42 tuổi), ở xóm 3, buồn rầu nói: “Như mọi năm, vào thời điểm này chúng tôi đang phải chuẩn bị thu hoạch lúa mùa, nhưng năm nay toàn bộ cánh đồng lúa của làng Bèo coi như mất trắng. Gia đình tôi cấy 8 sào (500m2/sào) mà chẳng thu được hạt nào. Tôi phải đi cắt thân lúa về cho trâu bò ăn”.
Cùng chung tâm trạng như chị Chiến, chị Lê Thị Tới (31 tuổi) ở làng Bèo nghẹn giọng: “Mất hết rồi chú ơi. Gia đình tôi nhận thầu lại đất nên vụ này tôi cấy 30 sào cơ đấy (khoảng 1,5ha – PV). Bao nhiêu công sức, vốn liếng bỏ ra, bây giờ coi như mất trắng.
Khổ nỗi là đã không được thu hoạch mà chúng tôi còn phải thuê công cắt lúa không hạt này đi để còn làm đất cho vụ sau”.
Bà con ND cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lúa không kết được hạt là do bị thiếu nước trong thời kỳ làm đòng, trổ bông.
Trong khi đó, mỗi sào lúa bà con phải chi phí rất lớn, gồm tiền giống, phân bón, cày bừa, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới…, tổng cộng hết hơn 1 triệu đồng.
Nếu năng suất lúa đạt 3 - 3,5 tạ/sào thì sau khi trừ hết chi phí, bà con có thể lãi gần một nửa. Nhưng còn vụ mùa năm nay, nhiều hộ dân làng Bèo bị mất trắng từ 3 - 5 sào, cá biệt có hộ mất tới hàng chục sào lúa.
“Từ nay đến vụ thu hoạch lúa chiêm năm 2016 còn 5-7 tháng nữa, kiểu này rất dễ xảy ra thiếu đói vào thời kỳ giáp hạt. Vì vậy chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với diện tích lúa bị thiệt hại để người dân yên tâm sản xuất vụ tới” - chị Trần Thị Chiến nói.
Do thiếu nước tưới?
"Chúng tôi đang chỉ đạo UBND xã Vĩnh Long thống kê chi tiết số diện tích lúa thiệt hại của từng hộ dân để UBND huyện báo cáo với UBND tỉnh. Đồng thời, huyện cũng yêu cầu UBND xã Vĩnh Long phải làm rõ nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại diện tích lúa của bà con để có hướng xử lý”.
Ông Tào Quang Thiệu
Ông Vũ Đình Viên - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long cho biết, xã đang kiểm tra, rà soát tổng số diện tích lúa bị thiệt hại để báo cáo lên huyện. Theo ông Viên, đa số giống lúa bị thiệt hại vụ này đều là giống thuần Q5, còn lại là giống lúa thuần khác. Giống đều do bà con tự mua ở các đại lý cung ứng giống chứ HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Long không cung ứng giống cho bà con.
Về nguyên nhân lúa không kết được hạt, dẫn đến lem lép, ông Viên cho biết UBND xã đang chờ ngành nông nghiệp kiểm tra, đánh giá và kết luận, tuy nhiên theo kinh nghiệm, có thể lúa bị thiếu nước tưới trầm trọng trong quá trình sinh trưởng, làm đòng, trổ bông.
“Giải quyết vấn đề này, trước mắt UBND xã cử cán bộ xuống họp dân, động viên bà con bình tĩnh để phối hợp với các ngành chức năng giải quyết vấn đề. Để hỗ trợ nông dân bị thiệt hại vụ lúa mùa này, UBND xã sẽ cấp miễn phí giống ngô và các loại cây màu vụ đông cho bà con” - ông Viên cho biết.
Chiều 10.9, ông Tào Quang Thiệu - Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Lộc cho biết: Diện tích lúa mùa ở xã Vĩnh Long có bông mà không kết hạt có thể là do hạn hán, thiếu nước tưới nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm
Chưa kịp nguôi nỗi đau mất hơn 28.200 con gia súc gia cầm (GSGC) do trận lũ hồi giữa tháng 11 gây ra, thì hiện giờ, người chăn nuôi lại phập phồng lo sợ dịch bệnh tấn công khi đang gắng gượng tái đàn.
Chúng tôi trở lại Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong những ngày bà con nông dân ở đây làm đất xuống giống vụ hành, tỏi đông xuân. Đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những lo toan của người dân nơi đây, nào là mưa bão, chuẩn bị cho mùa biển mới, nguồn đất, cát cho vụ hành, tỏi đông xuân…
Chiếm gần 20% diện tích cây ăn quả của cả nước, cây có múi đang góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Tỉnh Hưng Yên có gần 5 nghìn ha ao, hồ, đầm, hơn 4,4 nghìn ha đất nằm tại vị trí có địa hình thấp trũng, phù hợp với việc trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản.
Nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở huyện Bình Đại (Bến Tre) đã và đang phát triển mạnh ở các xã tiểu vùng 3 và 4, mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân địa phương. Những năm gần đây, huyện chủ trương phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, đẩy mạnh đánh bắt, nuôi trồng thủy sản phục vụ mục tiêu kinh tế nhưng không làm tổn hại đến môi sinh, môi trường và nguồn lợi thủy sản.