Loạn thương hiệu thực phẩm sạch
Trào lưu kinh doanh thực phẩm “sạch”
Với quảng cáo “nhận cung cấp rau, củ quả sạch theo mùa” do gia đình có trang trại ở huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng ngày, chị Trần Thị Nhung, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thuê một chuyến xe chở các loại rau từ trang trại về trung tâm Hà Nội bán cho anh em, bạn bè.
Do đã quen biết nhau nên người mua thực phẩm do chị Nhung cung cấp hoàn toàn cảm thấy yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng.
Với mác thực phẩm “sạch”, lại mất công vận chuyển từ Ba Vì về trung tâm Hà Nội nên giá các loại thực phẩm do chị Nhung cung cấp thường cao hơn gấp đôi so với giá chung thị trường.
Tuy nhiên, dường như đó không phải là điều người tiêu dùng quan tâm. Chị Nhung chia sẻ: “Chỉ cần được đảm bảo về nguồn gốc cũng như độ an toàn của các loại thực phẩm, khách hàng của tôi sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn để mua”.
Từ chỗ người này tin tưởng lại giới thiệu cho người khác mua nên công việc kinh doanh qua mạng của chị Nhung khá bận rộn.
Nhận thấy nhu cầu đối với thực phẩm “sạch” của người tiêu dùng ngày càng cao nên sau khi chỉ nhận cung cấp thông qua mạng xã hội, chị Nguyễn Thanh Hằng, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội đã quyết định mở một cửa hàng kinh doanh thực phẩm “sạch” tại gia.
Theo như chị Hằng quảng cáo thì đây đều là những thực phẩm được chị nhập từ người quen, bạn bè thân thiết ở các tỉnh chuyển về Hà Nội nên có thể hoàn toàn yên tâm với nguồn gốc, độ an toàn.
Do phải làm việc cơ quan trong giờ hành chính nên chị Hằng thuê hẳn một nhân viên trông coi, bán hàng tại quán, một nhân viên chuyên đi chuyển các đơn hàng.
Mặc dù giá của các loại thực phẩm “sạch” tại cửa hàng chị Hằng không hề rẻ, đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thị trường nhưng cửa hàng khá đông khách.
Theo chị Hằng tiết lộ, ngoài đủ tiền trả lương cho nhân viên, mỗi tháng, số tiền lãi chị thu về từ cửa hàng thực phẩm sạch cũng lên đến gần chục triệu đồng.
Tự gắn mác, không ai kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất
Hiện nay, các loại thực phẩm gắn mác “sạch” được rao bán thông qua mạng xã hội từ cây rau, hoa quả cho đến thịt lợn, thịt gà, thậm chí cả hải sản đang trở nên sôi động.
Trước những thông tin về việc rau củ quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thịt lợn có chứa chất tăng trọng, gà “thải loại” nhập lậu qua biên giới… không tìm mua thực phẩm trôi nổi trên thị trường, nhiều người đã tìm đến “chợ” mua thực phẩm mới này với hy vọng đây thực sự là những mặt hàng đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn phải có chứng nhận.
Và trong cơn “khát” thực phẩm sạch, lo sợ bệnh tật từ việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng đã tìm đến các quảng cáo này như một lẽ đương nhiên.
Nhưng người tiêu dùng có tận mắt chứng kiến những nơi này sản xuất, sơ chế rau, thực phẩm đâu mà lại tin họ khẳng định là “sạch”.
Đặc biệt, những nơi đó có được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau, thực phẩm an toàn hay không? Trong quá trình sản xuất, chế biến có cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát hay không?
Hàng loạt câu hỏi đang bỏ ngỏ, nhưng người tiêu dùng vẫn mua dựa trên niềm tin với người bán.
Liên quan đến khái niệm rau “sạch” đang nhan nhản trên thị trường hiện nay, theo cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thì đó là do người kinh doanh, sản xuất tự đặt ra và trên thực tế không có tiêu chí nào quy định cho rau “sạch” mà phải là “rau an toàn” mới chính xác.
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn trong sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP và được công nhận là rau “an toàn”, người nông dân phải trải qua lớp tập huấn kiến thức, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật nghiêm ngặt (có tới 30 quy trình kỹ thuật).
Các bước sản xuất rau an toàn phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cán bộ bảo vệ thực vật.
Đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định và tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái cũng đều phải giám sát. Ngay cả khi sơ chế, đưa rau ra thị trường cũng đều có quy trình, kỹ thuật và dán tem nhãn để quản lý cũng như cho người tiêu dùng nhận biết.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, trước tình trạng bùng nổ các công nghệ quảng cáo để đánh vào thị hiếu đang cần thực phẩm an toàn của người tiêu dùng thì việc kinh doanh tự gắn thương hiệu “sạch” là cách kinh doanh thiếu tính minh bạch, cần phải được kiểm tra, giám sát và quản lý.
Nhưng cơ quan nào kiểm tra thì còn đang bị bỏ ngỏ và hàng ngày người tiêu dùng vẫn mua thực phẩm “sạch” với giá cao nhưng không chắc đã an toàn.
Có thể bạn quan tâm
Đây là một hoạt động thường xuyên của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm tăng khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.
Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có gần 16 nghìn ha nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong đó diện tích ao đầm nuôi thủy sản nước mặn, lợ tập trung chủ yếu ở 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng; nuôi thủy sản nước ngọt nằm xen kẽ rải rác ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Mặc dù lĩnh vực này phát triển khá mạnh nhưng việc thực hiện công tác thú y thủy sản còn nhiều hạn chế.
Do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản thiếu đồng bộ và tồn tại bất cập khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, cản trở đến sự phát triển bền vững của ngành. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra tại buổi làm việc mới đây giữa Đoàn kiểm tra khảo sát tình hình thi hành pháp luật về xuất khẩu thủy sản từ giai đoạn nuôi trồng đến phân phối, xuất khẩu của TP Cần Thơ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi và các sở, ngành liên quan.
Hiện nay châu chấu tre đang xuất hiện dày đặc và gây hại cây trồng trên địa bàn huyện Điện Biên (tại xã Mường Lói và Phu Luông). Phạm vi hoạt động của đàn châu chấu khá phức tạp, khó kiểm soát. Những ngày gần đây, loại côn trùng này có xu hướng lan rộng ra các vùng lân cận khiến người dân lo lắng…