Thiếu Nguyên Liệu Chế Biến Thủy Sản Xuất Khẩu
Những năm gần đây, các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản tại tỉnh Kiên Giang luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất,
Khu vực ĐBSCL được cho là vùng khai thác và xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, từ những năm gần đây, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản khu vực này luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là thủy sản khai thác.
Tại tỉnh Kiên Giang, mặc dù hằng năm tỉnh khai thác hơn 450.000 tấn thủy sản nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về nguyên liệu, khiến các doanh nghiệp vừa phải cạnh tranh nhau về đầu ra sản phẩm, vừa phải cạnh tranh tìm nguồn nguyên liệu.
Công ty Cổ phần chế biển thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền là một trong những doanh nghiệp nhiều năm nay luôn dẫn đầu của tỉnh Kiên Giang về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay luôn gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu chế biến.
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp này đã chủ động nhập nguồn nguyên liệu từ nơi khác để ổn định sản xuất. Ông Huỳnh Châu Sang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chế biển thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền cho biết: “Trong năm 2014, ngoài thị trường xuất khẩu khó khăn, tình hình nguyên liệu trong nước do sản lượng khai thác đánh bắt của ngư dân giảm sút rất nhiều nên giá thành đội lên. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản muốn có hàng hóa xuất khẩu phải có nguyên liệu mà muốn mua được nguyên liệu thì phải cạnh tranh do đó thị trường nguyên liệu trong nước ở tỉnh Kiên Giang cũng cạnh tranh rất lớn”.
Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 150 - 160 triệu USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhiều đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài nhưng không dễ thực hiện vì thiếu nguồn nguyên liệu và giá cả không ổn định.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều doanh nghiệp tại địa phương đã chủ động nhập nguồn nguyên liệu từ nước ngoài để ổn định sản xuất; mức giá nhập khẩu luôn cao hơn 5-10% so với giá mua trong nước.
Ông Nguyễn Nam Vinh Công ty TNHH Huy Nam cho rằng: “Năm 2014 thiếu về chủng loại. Năm nay, chúng tôi sản xuất những mặt hàng nhiều hơn năm ngoái nhưng vẫn thiếu so với năng lực sản xuất của nhà máy và cơ cấu. Chúng tôi thiếu nguyên liệu nên chúng tôi phải nhập khẩu nước ngoài. Hiện tại, chúng tôi hoàn toàn sử dụng vốn của doanh nghiệp”.
Theo ngành thủy sản Kiên Giang, nguyên nhân của việc thiếu nguyên liệu là cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến không ổn định do ngư trường bị hạn chế, đặc biệt Kiên Giang chưa có tàu khai thác quốc tế.
Nguồn nguyên liệu nuôi trồng là tôm thẻ chân trắng, tôm sú cũng bị hạn chế do thời tiết và ô nhiễm môi trường. Năm nay, tỉnh phấn đấu đạt sản lượng tôm nuôi 56.000 tấn phục vụ tiêu thụ nội địa và cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Tới đây, Kiên Giang sẽ khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ và đầu tư hạ tầng đánh bắt để bà con yên tâm bám biển. Ông Quảng Trọng Thao, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang nói về chủ trương của tỉnh: “Chúng tối cũng đã khuyến khích bà con tăng cường đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ. Chúng tôi cũng nâng cao năng lực trong vấn đề đầu tư hạ tầng để làm sao khuyến khích bà con yên tâm bám biển, khai thác được nhiều nguyên liệu”.
Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, của địa phương, Nhà nước cũng cần có chính sách taọ điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao là xuất khẩu thủy sản đạt 6,5 - 6,7 tỷ USD vào năm 2015 và 8 tỷ vào năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, tại Đồng Nai giá cà phê nhân xô các đại lý mua vào là 42 - 42,5 triệu đồng/tấn, tăng gần 5 triệu đồng/tấn so với dịp cuối tháng 9 - 2014. Như vậy, sau một thời gian dài hạ xuống dưới 38 triệu đồng/tấn, từ đầu tháng 10 - 2014, giá cà phê trên thị trường đã tăng trở lại. Nguyên nhân là do giá cà phê trên thế giới trong 2 tuần qua liên tiếp tăng.
Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Thạnh Tân bước đầu có 9 hộ nông dân tham gia, với diện tích đất trồng mãng cầu là 74.000 mét vuông. Tổ hoạt động trên cơ sở liên kết nhiều hộ nông dân có diện tích đất sản xuất liền canh, liền khu vực, tự quản lý sản xuất, tự chịu trách nhiệm.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 9 tháng đầu năm 2014, mối liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt là trong ngành hàng lúa gạo đã đạt được những thành quả rõ nét hơn so với cùng kỳ 2013.
Mới đây, bà đã mạnh dạn xây dựng xưởng sơ chế, bảo quản cấp đông sản phẩm chanh dây phục vụ cho các công ty trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm chanh dây của HTX đã xuất khẩu đến thị trường Đài Loan, Hàn Quốc…và đầu năm 2014 được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là 1 trong số 150 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.
Theo ông Đinh Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Đà thì Tổ hợp tác trồng rau an toàn là nơi để các hộ chuyên trồng rau ở địa bàn xã có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng và sản lượng rau.