Thiếu Cơ Sở Thu Mua Và Chế Biến Lạc
Nông dân có thêm vụ lạc được mùa nhưng không vui vì mất giá. Nhiều hộ trồng lạc còn bị thua lỗ, lâm vào cảnh khó khăn.
Đến nay, gia đình chị Phạm Thị Nở ở phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) đã thu hoạch xong 6.000 m2 lạc vụ đông xuân 2012 - 2013, sản lượng ước đạt hơn một tấn rưỡi. Đây là vụ lạc được mùa nhất từ trước đến nay, với năng suất bình quân khoảng 26 tạ/ha. Nếu giá sản phẩm ổn định như nhiều năm trước thì đây là vụ mùa thắng lợi.
Vụ lạc đông xuân này, tuy năng suất cao nhưng chị Nở, cũng như nhiều nông dân vẫn không vui vì giá lạc rớt đến mức quá thấp. Chị Nở tâm sự: “Chưa hết mừng trước vụ mùa bội thu, chất lượng sản phẩm cao thì nghe tin giá lạc rất thấp nên mấy ngày nay cả gia đình rất lo lắng”.
Với giá lạc như hiện nay, nhiều hộ chỉ hòa vốn, thậm chí còn thua lỗ. Gieo trồng đến thu hoạch, gia đình chị Nở chi phí khoảng 20 triệu đồng, kể cả công chăm sóc, thu hoạch. Với giá hiện nay, bình quân mỗi kg khoảng 17 ngàn đồng, có khi xuống còn 13 - 14 ngàn đồng (giảm từ 8 đến 13 ngàn đồng so với mọi năm), gia đình chị Nở mới chỉ hòa vốn.
Với các hộ chủ yếu dựa vào trồng lạc càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi giá xuống thấp. Nan giải nhất của bà con là chi phí đầu tư cho vụ sau, nên nhiều hộ phải “cắn răng” bán đổ. Riêng gia đình chị Nở, phải bán mấy tạ để trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu. Số còn lại phải “trùm chăn” chờ giá tăng mới bán. Còn chi phí vụ sau, chị Nở phải đi vay mượn.
Thị xã Hương Trà là vựa lạc chuyên canh của toàn tỉnh. Vụ đông xuân 2012 - 2013, toàn thị xã gieo trồng khoảng một nghìn ha, chiếm gần 1/3 diện tích toàn tỉnh. Mấy năm gần đây, một số giống lạc mới như L14 chất lượng cao... được đưa vào gieo trồng đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ trên địa bàn dựa vào trồng lạc đã thoát được nghèo, có điều kiện nuôi con ăn học.
Vụ này, giá lạc xuống thấp không chỉ là nỗi lo của người dân mà cả chính quyền địa phương. Ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế, thị xã Hương Trà cho rằng, sản phẩm lạc có hàm lượng dầu cao nên khó khăn trong việc lưu trữ. Trên địa bàn chưa có công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chưa có một cơ sở nào thu mua, chế biến lạc tại địa phương. Đây là khó khăn lớn gây ảnh hưởng đến giá cả, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Đã đến lúc, việc đầu tư các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến sản phẩm lạc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất là vấn đề cần quan tâm. Không riêng ở Hương Trà, đến nay toàn tỉnh gieo trồng khoảng 3.700 ha lạc, sản lượng bình quân hằng năm khoảng 7.500 tấn nhưng vẫn chưa có một cơ sở tiêu thụ, chế biến, bảo quản sản phẩm nào.
Ông Lê Văn Anh, kiến nghị, tỉnh cần quan tâm kêu gọi đầu tư, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở thu mua, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đây là điều kiện đảm bảo lợi ích cho nông dân, tránh lái buôn ép giá; đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm chế biến, gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm lạc cũng là vấn đề cần quan tâm.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 23/8 ,tại huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk, Cty TNHH MTV Cà phê 721 đã tổ chức hội nghị ra mắt thương hiệu “Gạo bảy hai mốt (721)”.
Ông Lê Văn Đời, Phó GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, Sở đã tiến hành lấy mẫu mía gửi đi phân tích chữ đường, nhằm đảm bảo thời gian vào vụ hợp lý, tránh tình trạng ép mía non gây thiệt hại cho nông dân.
Làm thế nào để chăn nuôi gà cạnh tranh được với gà NK, nhất là trước cơn lốc gà Mỹ NK gần đây? Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ.
Trong quí 2-2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước tính tăng 22% so với quí 1 nhưng vẫn thấp hơn 14% so với cùng kỳ.
Do thương lái Trung Quốc giảm thu mua, cua biển Cà Mau hiện chỉ còn 120.000-180.000 đồng một kg.