Những vùng quê đáng sống
Ở đó, người dân không chỉ biết chăm chút cho diện mạo cuộc sống gia đình mình mà còn chung sức xây dựng thôn xóm khang trang, sạch đẹp, an lành. Tiêu chí thứ 20 - khu dân cư kiểu mẫu của Hà Tĩnh đã được Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM Trung ương ghi nhận như một sáng kiến cần nhân rộng.
Vườn mẫu bốn mùa hoa trái
Có một điểm chung khi chúng tôi đến thăm những khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh, đó là ở đâu cũng gặp sự tiên phong của những lão nông đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ cùng đoàn công tác tham quan khu dân cư NTM kiểu mẫu tại thôn Nam Trà, xã Hương Trà (Hương Khê)
Bà Trần Thị Vinh (thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, Thạch Hà) năm nay đã vào tuổi 81, lưng đã còng nhưng vẫn hăng hái đi đầu góp sức xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Bà được mệnh danh là “tể tướng lưng gù” bởi sự kiên quyết, kiên trì thuyết phục con cháu đăng ký xây dựng khu vườn của gia đình đạt chuẩn 10 tiêu chí. Khu vườn rộng hơn 2.000 m2 sau khi được cải tạo, quy hoạch thành từng vùng sản xuất và đầu tư khá bài bản, nay đã ngập tràn hoa, củ, quả suốt 4 mùa.
“Mỗi ngày mới, tôi chỉ mong sớm được ra vườn để chăm chút cho từng luống rau, giàn mướp, để được ngắm vườn cây tràn sức sống. Sống đến hơn 8 thập kỷ, chưa bao giờ tôi thấy người làm vườn được hỗ trợ nhiều đến thế. Nhà nước bỏ tiền đầu tư, cán bộ từ tỉnh đến xã cầm tay chỉ việc để làm vườn mẫu. Tôi thường nói với con cháu rằng, chỉ có dại mới bỏ qua cơ hội xây dựng vườn mẫu như thế này” - bà Vinh cho biết.
Trở lại với vườn rau “cố Trung” (ông Nguyễn Văn Trung) ở thôn Tân An, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), những ngày này, góc vườn vàng rực đợt hoa mướp ngọt lứa cuối và hàng rào xanh trước cửa nhà đã nở rộ những đóa hoa.
Cụ bà đang lúi húi cho đàn vịt ăn dưới giàn mướp soi bóng cạnh ao cá ngay trước cửa nhà, chia sẻ: “Sau 2 năm được Nhà nước hỗ trợ làm vườn mẫu, giờ đây, khu vườn đã đi vào sản xuất quy củ, mùa nào thức nấy. Đặc biệt, hệ thống phun tưới tự động mà nguồn vốn chương trình NTM đầu tư đã giúp ông không còn phải lọ mọ dậy từ 3-4h sáng để tưới đẫm cho vườn cây rộng tới 5.000m2 nữa”.
Ngày nào cũng vậy, đến đầu buổi sáng, con dâu của bà đã nhập xong hàng ở chợ đầu mối. Đều đặn chăm nhặt từ các loại rau, củ, quả, mỗi năm, gia đình bà thu được hơn 150 triệu đồng. Nếu tính cả nguồn thu từ cá, vịt, gà, bồ câu nữa thì đạt hơn 300 triệu đồng. Dẫu làm vườn đòi hỏi phải luôn tay, luôn chân nhưng công việc không quá vất vả và giá trị kinh tế đã mang lại cuộc sống khấm khá cho gia đình nông dân gồm 3 thế hệ này.
Nhiều người cho rằng, nếu tiêu chí vườn mẫu không được triển khai với sự tập trung cao trong chỉ đạo và cơ chế, chính sách hỗ trợ như những năm qua thì “những tấc vàng” sẽ mãi ngủ yên trong những khu vườn um tùm tro, tre, cỏ dại. Đánh thức tư duy làm vườn để tạo nguồn thu nhập ổn định, đồng thời, chỉnh trang bộ mặt khu dân cư trong NTM là một bước đi đầy sáng tạo, xuất phát từ mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân.
Quá trình xây dựng vườn mẫu, các khu vườn được quy hoạch, thiết kế, định hướng phát triển đảm bảo tính bền vững; cây, con được bố trí hợp lý gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực, phù hợp lợi thế của địa phương; một số vườn hộ đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới đưa lại hiệu quả cao. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 800 vườn mẫu; thu nhập bình quân/vườn đạt 51,4 triệu đồng, nhiều vườn cho thu nhập trên 300 triệu đồng...
Một góc khu dân cư kiểu mẫu thôn Tân An, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên)
“Công trường” giữa miền thôn dã
Về nhiều địa phương trong những ngày tháng 8 lịch sử này, chúng tôi được chứng kiến không khí thi đua dồn sức xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu ở khắp thôn trên, xóm dưới. Những công trường ngổn ngang với tiếng máy cưa phá bỏ vườn tạp, tiếng xe máy tất bật chở vật liệu, đường làng ngổn ngang cát, đá, rộn rã tiếng người cùng chung sức làm đường, xây mương thoát bẩn. Bí thư thôn Trung Trạm (xã Cẩm Bình) Nguyễn Văn Anh cởi chiếc áo đẫm mồ hôi, vui vẻ tiếp chuyện: “Không chỉ các hộ đăng ký xây dựng vườn mẫu đang tập trung hoàn thành việc quy hoạch và tiến hành trồng cây mà khắp cả thôn đã cơ bản chặt bỏ vườn tạp.
Với sự đồng thuận của nhân dân, chúng tôi vừa hoàn thành 700m đường ngõ xóm và đang tập trung xây dựng hệ thống mương tiêu, thoát nước... Trung Trạm quyết tâm đến cuối năm nay sẽ được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu”.
“Trên lộ trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu, Cẩm Bình đang tập trung hỗ trợ các thôn từng bước thực hiện các tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu. Theo đó, ngoài vận dụng các chính sách của tỉnh và huyện, xã trích ngân sách 500 triệu đồng hỗ trợ các thôn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và 50 triệu đồng xây dựng vườn mẫu. Dự kiến, đến cuối năm nay, ngoài Tân An đã được công nhận đạt chuẩn, Cẩm Bình sẽ có thêm 4 khu dân cư được công nhận kiểu mẫu” - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thiên Toàn cho biết.
Vườn mẫu thôn Tân An (xã Cẩm Bình) cho thu nhập bình quân 60-70 triệu đồng/năm
Đưa nội dung xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu thành tiêu chí thứ 20 trong chương trình NTM, Hà Tĩnh đã được ghi nhận bởi sự kiên trì, tâm huyết từ xây dựng quy chuẩn, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn đến việc hỗ trợ các địa phương từng bước thực hiện.
Trong quá trình đó, Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã tổ chức khảo sát, lựa chọn các Khu dân cư và các vườn để triển khai xây dựng; thành lập 3 tổ công tác trực tiếp tư vấn quy hoạch, sắp xếp, chỉnh trang vườn hộ, hỗ trợ xây dựng phương án - dự toán và hướng dẫn trong quá trình triển khai.
Các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức hàng trăm cuộc xuống cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn. Các xã làm điểm thành lập ban chỉ đạo theo sát hướng dẫn thực hiện đến tận thôn, xóm và các thôn đã phân công cấp ủy viên, tổ chức đoàn thể phụ trách triển khai thực hiện từng nội dung, từng vườn cụ thể. Ở những khu dân cư điển hình, đảng viên, cán bộ thôn luôn tiên phong hiến đất, góp công, chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, xây dựng vườn mẫu.
“Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã tác động mạnh mẽ đến mỗi người dân, từ đó, khơi dậy nội lực, tạo chuyển biến rõ nét trong diện mạo các khu dân cư ở vùng nông thôn cả về mặt kinh tế, cảnh quan và môi trường sống” - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh - Trần Huy Oánh chia sẻ.
Sau 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã có 412 khu dân cư xây dựng mô hình mẫu. Qua đó, đã nâng cấp, xây dựng đạt chuẩn hạ tầng thiết yếu khu dân cư; chỉnh trang, sắp xếp lại nhà cửa, quy hoạch, cải tạo, phát huy hiệu quả kinh tế vườn hộ.
Ở nhiều khu dân cư NTM kiểu mẫu, các giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục, phát huy; giáo dục, y tế được quan tâm hơn; nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường nâng lên rõ rệt; bước đầu hình thành cộng đồng NTM văn minh, hiện đại. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, tăng cường; đội ngũ cán bộ thôn được nâng lên cả về trình độ và vai trò, ý thức, trách nhiệm trong xây dựng NTM được thể hiện rõ nét hơn.
Đặc biệt, kết quả đạt được quan trọng nhất là phong trào xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu lan nhanh đã làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, ý thức của người dân về việc xây dựng môi trường, diện mạo cho cuộc sống của chính mình, thắt chặt thêm mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cùng chung sức, đồng lòng đi tiếp chặng đường xây dựng NTM với mục tiêu cốt lõi là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho bò là cây bắp non khoảng 80 ngày. Hiện công ty có vùng nguyên liệu 200 hécta trong tỉnh, song phải tiếp tục mở rộng mới đủ. Nông dân ký hợp đồng cung cấp cây bắp có thể làm 4 vụ/năm, giá mua cây bắp từ 1.100 -1.200 đồng/kg, nếu chăm sóc tốt có thể đạt trên 200 tấn cây bắp/hécta/năm.
Chuyện cây hồ tiêu bị trộm hái trái non, phá vườn cây chưa làm người dân huyện Chư Pưh hết buồn, thì những ngày qua nhiều vườn tiêu tại huyện Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai) bỗng nhiên đổ bệnh, rụng lá chết dần.
Trang trại Hà Huy, tổ 11, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên - Hà Giang) vừa được Trung tâm Chất lượng nông, lâm – thủy sản (NL–TS) vùng 1 (Cục Quản lý Chất lượng NL- TS) cấp Chứng nhận VietGAHP cho quy trình sản xuất lợn thịt. Đây là trang trại chăn nuôi lợn thịt đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cấp chứng nhận ý nghĩa này.
Nhằm nâng cao chất lượng trái khóm, tiến tới sự ổn định về chất lượng, an toàn thực phẩm theo GAP, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của trái khóm trên thị trường trong và ngoài nước, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam chủ trì thực hiện đề tài "Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn GAP để sản xuất trái khóm chất lượng và an toàn", TS. Nguyễn Trịnh Nhất Hằng làm chủ nhiệm.
Cơn lũ lịch sử vào giữa tháng 11 vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi tại nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định. Hiện nay, người chăn nuôi đang tìm cách vượt qua khó khăn, nỗ lực khôi phục chăn nuôi để kịp có sản phẩm cung ứng cho thị trường Tết Giáp Ngọ 2014 sắp đến.