Dự Án Nuôi Cá Hồi Vân Thương Phẩm Ở Quan Hóa (Thanh Hóa)
Cá hồi hay còn gọi là cá Hồi Vân có nguồn gốc từ vùng biển Thái Bình Dương, khu vực Bắc Mỹ, được thuần hóa và đưa vào nuôi ở các nước châu Âu từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Cá Hồi Vân trên mình có các chấm màu đen hình cánh sao. Khi thành thục trên lườn cá đực xuất hiện các vân màu hồng; mùa sinh sản của cá thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5 và có thể kéo dài đến hết tháng 8. Đây là loài cá nước lạnh, thịt cá có màu đỏ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng vitamin có lợi cho sức khỏe con người, do vậy giá trị kinh tế rất cao.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã nuôi thương phẩm và cho sinh sản thành công giống cá hồi, quy trình kỹ thuật để nuôi thương phẩm cũng đã được hoàn thiện. Năm 2010, dưới sự chủ trì của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa đã triển khai thực hiện dự án ứng dụng công nghệ nuôi thử nghiệm cá hồi thương phẩm tại Thanh Hóa.
Do đặc tính là loài cá nước lạnh, nhiệt độ phát triển tốt nhất của cá hồi ở ngưỡng từ 10 - 20 độ C, nếu nhiệt độ nước trên 25 độ C cá sẽ chết. Thêm nữa, cá hồi chịu đựng ngưỡng ôxy hòa tan trong nước lên tới 6 mg/lít. Thông thường chỉ ở những thủy vực tự nhiên hoặc dòng nước chảy, cá mới có thể sinh trưởng phát triển.
Để có thể đáp ứng những đặc tính sinh học của loài cá hồi, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa đã lựa chọn xã Phú Lệ (Quan Hóa) làm điểm triển khai dự án. Nơi đây, có hệ thống núi đá vôi bao bọc, nước ngầm từ lòng núi chảy suốt bốn mùa, nhiệt độ luôn duy trì ổn định từ 19 – 21 độ C và không bao giờ cạn kiệt. Các chỉ số về sinh, lý, hóa qua khảo sát đều đáp ứng được nhu cầu nuôi cá hồi thương phẩm.
Dự án được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, đơn vị sản xuất và nuôi thử nghiệm thành công giống cá hồi trực tiếp chuyển giao công nghệ.
Để nuôi được cá hồi, hệ thống ao nuôi được Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa xây dựng theo thiết kế của đoàn quy hoạch thủy sản, ao được xây dựng theo hình chữ nhật, với diện tích là 60 m2/ao, có độ sâu từ 1,2 – 1,5 mét; để giảm nhiệt độ do ánh nắng mặt trời, ở mỗi ao nuôi được thiết kế mái che bằng các loại bạt chiết quang; ao có cống cấp và thoát nước riêng biệt, hệ thống sục khí tạo ôxy được đặt ở đầu cống lấy nước vào, nhờ đó hàm lượng ôxy trong nước luôn bảo đảm ở mức 0,7-0,85 mg/l cho cá hồi sinh trưởng và phát triển.
Khi xây dựng ao nuôi, điều đặc biệt được cán bộ kỹ thuật chú ý đến đó là việc thiết kế phải bảo đảm dung lượng nước vào, ra thích hợp, nhất là những khi có mưa lũ, hệ thống ao nuôi vẫn duy trì được mực nước thích hợp và ổn định nhiệt độ trong khoảng từ 18 – 21 độ C.
Để vận hành thành thạo quy trình công nghệ cũng như nắm bắt được kỹ thuật nuôi cá hồi, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa đã cử 3 cán bộ đi học tập tại Trung tâm cá nước lạnh Sa Pa, nhờ đó khi bắt tay vào thực hiện dự án, các bước về chăm sóc, quản lý ao nuôi được thực hiện bài bản theo tiêu chí kỹ thuật đề ra. Khi kết thúc dự án đã thu được 5.960 kg, đạt năng suất 5,96 kg/m3 nước ao nuôi, tỷ lệ sống trung bình qua 2 đợt nuôi đạt 71%.
Đây là Dự án nuôi cá Hồi Vân thương phẩm đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa do Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa triển khai sẽ bổ sung đối tượng cá nước lạnh vào cơ cấu giống thủy sản của tỉnh, tạo ra một nghề nuôi thủy sản đặc sản bằng công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế, tận dụng được thủy vực nước lạnh ở vùng sâu, vùng xa, góp phần tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho đồng bào các dân tộc miền núi.
Có thể bạn quan tâm
Chế độ nuôi dưỡng tốt phải đảm bảo cho dê mẹ phát triển bình thường khi có chửa, cho nhiều sữa trong thời kỳ cho sữa. Trước và sau khi đẻ phải cho dê ăn ngon, cháo cám... tùy theo năng suất, chất lượng sữa. Năng suất, chất lượng sữa phụ thuộc vào thành phần và giá trị dinh dưỡng của thức ăn.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và trông chờ vào cây lúa nước. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Nguyễn Văn Hải (xóm Đằm, xã Dân Chủ, thành phố Hoà Bình) luôn lung nấu trong đầu ý tưởng về phát triển kinh tế gia đình để làm sao thoát nghèo.
Ngày 09/10/2013, Phòng Nông nghiệp huyện Càng Long (Trà Vinh) kết hợp với xã Nhị Long Phú tổ chức Hội thảo Mô hình thí điểm trồng khổ qua theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả năng suất cao của anh nông dân Châu Văn Hòa, cư ngụ ấp Hiệp Phú xã Nhị Long Phú. Có 30 bà con nông dân địa phương đến tham dự.
Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Hội Phụ nữ huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã triển khai mô hình trồng gấc cho các hội viên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó, gần 2 ha mặt nước được dùng để nuôi cá, còn lại diện tích trên bờ trồng cây ăn quả như: vải, nhãn... Đầu năm 2009, nhận thấy những cây trồng nêu trên không còn cho giá trị kinh tế cao như trước, bác Thanh đã phá bỏ và chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ giống Đài Loan (nhập ở Quảng Ninh).