Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tìm Hướng Đi Cho GAP

Tìm Hướng Đi Cho GAP
Ngày đăng: 24/04/2014

Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GAP là hết sức cần thiết cho nông nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các sản phẩm này gia nhập vào thị trường rộng lớn của thế giới.

Ngoài ra, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP còn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, người sản xuất tự bảo vệ được mình tránh khỏi những tác hại của các loại vật tư nông nghiệp và giúp bảo vệ môi trường cho nông thôn. Tuy nhiên, để GAP có thể bền vững, đi vào tập quán canh tác của nông dân thì còn rất nhiều việc phải làm.

Cần tổ chức lại

Điều đầu tiên nên khắc phục là tình trạng hiện nay có nhiều tổ chức, đơn vị chứng nhận GAP chỉ đơn thuần làm dịch vụ, tự đặt ra mức phí quá cao khi thực hiện các quy trình để cấp giấy chứng nhận VietGAP hay Global GAP cho nông dân.

TS. Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: “Chính quyền địa phương phải xem xét, chấn chỉnh việc này và nên coi việc thực hiện, công nhận GAP là thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của nông dân nên cần có kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để giúp nông dân lấy được chứng nhận GAP.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng thừa nhận: Hiện nay, chi phí chứng nhận và tái chứng nhận của nhiều tổ chức là quá cao (trung bình chứng nhận Global GAP khoảng 3.000-5.000 USD/mô hình, tùy diện tích), trong khi nông dân không được hưởng lợi gì.

Cùng quan điểm đó, TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: “Một số mô hình được chứng nhận Global GAP hay VietGAP nhưng sau đó khó tái chứng nhận do chi phí quá cao, khoảng 70-80 triệu đồng/mô hình đạt tiêu chuẩn Global GAP (tùy theo diện tích và số người).

Hiện ngành chức năng cũng đã làm đề xuất Nhà nước hỗ trợ 100% phí chứng nhận GAP, sau đó giảm xuống còn 75%... và cứ thế giảm từ từ, rồi sau cùng để nông dân tự lo. “Muốn mô hình GAP thành công thì phải tổ chức lại sản xuất, Nhà nước không chỉ đầu tư tiền bạc mà phải xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết và “sống chết” với chương trình GAP này” - TS. Hòa đề nghị.

Trong quá trình tham gia, không ít nông dân chán ngán với cách điều hành của Ban Chủ nhiệm HTX. Chính việc chính quyền địa phương chưa chuẩn bị, lựa chọn kỹ đội ngũ lãnh đạo cho nông dân tại các HTX, THT sản xuất nên làm cho các xã viên không tích cực tham gia vào các tổ chức này. Đơn cử như nhiều xã viên tại HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim bức xúc, bỏ ra ngoài làm ăn, không tham gia Global GAP nữa.

Ông Đoàn Văn Mỹ, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cảnh báo: “Nếu không được tổ chức lại sẽ còn nhiều xã viên xin ra khỏi HTX như tôi. Chính việc chưa chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo nên mới có tình trạng đưa một số cá nhân không đủ trình độ, tâm huyết vào Ban Chủ nhiệm HTX, để đến nay dẫn đến việc HTX hoạt động èo uột”.

Trong những vấn đề trên, Viện Cây ăn quả miền Nam còn yêu cầu sản phẩm GAP phải có logo, xây dựng và áp dụng quy trình quản lý nhóm; Nhà nước chứng nhận hỗ trợ thiết thực để khuyến khích sản xuất, tăng cường hỗ trợ, phát triển hệ thống nhà đóng gói, thu mua, xuất khẩu; thúc đẩy việc ký kết hiệp định song phương với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch sản phẩm Việt Nam sang Trung Quốc. Ngoài ra, các tỉnh, thành cần xây dựng vùng chuyên canh đặc sản, đào tạo đội ngũ quản lý HTX, xây dựng hệ thống giao thông tới các vùng sản xuất…

Để GAP “sống” lâu

Muốn việc sản xuất GAP bền vững, giúp cho nông dân yên tâm sản xuất thì phải mở rộng diện tích canh tác theo tiêu chuẩn GAP. Có như vậy mới làm ra đủ lượng hàng hóa nhằm ký hợp đồng làm ăn lâu dài với các đối tác nước ngoài. Việc này Nhà nước phải làm, quan tâm đầu tư.

Ngoài ra muốn nền sản xuất GAP thuận lợi thì cần có sự hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa bà con nhà vườn với doanh nghiệp xuất khẩu rau quả. Từ đó người dân chỉ còn lo làm sao cho đạt chứng nhận, sản phẩm đạt chất lượng, còn việc lo đầu ra, xuất khẩu đã có doanh nghiệp.

Theo một số nông dân từng tham gia GAP, để mô hình tồn tại lâu thì sản phẩm sau khi nông dân thu hoạch phải bán với giá hợp lý và thị trường ổn định, doanh nghiệp có thị trường phải mua sản phẩm như cam kết, phân biệt rạch ròi sản phẩm GAP và sản phẩm thông thường; Nhà nước phải có chính sách cụ thể hỗ trợ cho nông dân trong vòng 3-5 năm đầu việc chứng nhận tiêu chuẩn GAP bằng nhiều hình thức như: chứng nhận GAP không phải trả chi phí, tập huấn cho nông dân, đầu tư kết cấu hạ tầng…

Để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến trái cây GAP nhiều hơn và phân biệt với trái cây kém chất lượng, theo TS. Võ Mai thì Bộ NN&PTNT nên ban hành nhãn cho trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và kèm quy định sử dụng. Từ đó giúp nông dân sản xuất theo GAP chứng minh và giới thiệu sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng dễ dàng hơn. Nhà nước cũng cần tổ chức chợ, khu vực buôn bán tập trung để nông dân có thể dễ dàng đem sản phẩm GAP của mình ra bán.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Long Giang, huyện Cái Bè, người đầu tiên dám bỏ ra 23.000USD để chứng nhận Global GAP cho 50 ha nhãn của gia đình vào năm 2007. Ông cũng đã có nhiều năm quảng bá trái cây Việt Nam ở các nước châu Âu có nhận xét: “Cần phải có chiến lược quảng bá liên tục và rộng khắp cho trái cây canh tác theo tiêu chuẩn GAP. Nếu không làm được điều ấy thì dù chúng ta có cố gắng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cũng không mang lại lợi ích gì nhiều bởi khách hàng không biết, hàng làm ra bán cũng không được giá cao hơn với cách làm theo truyền thống”.

Sở NN&PTNT tỉnh đang có dự thảo tái cơ cấu nền nông nghiệp đến năm 2020. Theo đó, các ngành chức năng sẽ thực hiện xây dựng cụ thể chương trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GAP, đặc biệt ưu tiên mở rộng diện tích canh tác đối với những loại cây có thế mạnh của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị mở rộng thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu gắn liền với vùng nguyên liệu; hướng nông dân vào các tổ chức sản xuất theo mô hình HTX, công ty nông nghiệp; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như công tác quảng bá sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP đến người tiêu dùng. Có như thế mới mong phát huy được hiệu quả cho chương trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP.


Có thể bạn quan tâm

Khôi Phục Và Phát Triển Cây Trồng Chủ Lực Ở Tân Liên Khôi Phục Và Phát Triển Cây Trồng Chủ Lực Ở Tân Liên

Hồ tiêu là một trong những loại cây chủ lực xóa đói giảm nghèo ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, khoảng từ năm 2009-2012 vì lý do cây bị bệnh chết nhanh, giá cả không ổn định nên nhiều người dân tạm ngừng trồng tiêu, chuyển sang trồng các loại cây khác.

17/10/2014
Cà Phê Nhiều Nhưng Không Tinh Cà Phê Nhiều Nhưng Không Tinh

Xây dựng hình ảnh một "đại gia" trong ngành cà phê thế giới nhưng chỉ có 5% trong tổng lượng cà phê xuất khẩu từ VN là qua chế biến, 95% là xuất thô.

17/10/2014
Mô Hình Trồng Rau Bó Xôi Thu Bạc Tỉ Mô Hình Trồng Rau Bó Xôi Thu Bạc Tỉ

Ông Thi cho hay, hơn 15 năm trước, ông cùng gia đình sống bằng nghề trồng rau, cây rau bó xôi vốn gắn bó với ông từ nhỏ. Dù vậy, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đã vậy, khi lập gia đình, bố mẹ cho mượn 3 sào đất để sản xuất cũng bị giải tỏa, ông đành cùng vợ đi buôn bán rau kiếm sống. Gom góp được ít vốn, năm 1999, ông vào thôn Đạ Nghịt tìm mua đất sản xuất.

17/10/2014
Sống Khỏe Nhờ Trồng Cau Vàng Bán Lá Sống Khỏe Nhờ Trồng Cau Vàng Bán Lá

Ông Nguyễn Hoàng Tâm ở ấp Long Hòa, xã Long Thới, huyện Chợ Lách cho biết: Có nhiều người khá giả từ nghề trồng cau vàng xen trong vườn dừa.

17/10/2014
Thêm 23 Cơ Sở Được Xuất Khẩu Thủy Sản Vào Trung Quốc Thêm 23 Cơ Sở Được Xuất Khẩu Thủy Sản Vào Trung Quốc

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiquad) cho hay, Cục Giám sát kiểm dịch động thực vật - Tổng cục Giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) đã chấp thuận thêm 2 cơ sở đóng gói tôm sú sống và 21 cơ sở nuôi tôm sú của Việt Nam được phép XK vào Trung Quốc.

17/10/2014