Thị trường gạo chất lượng cao tiềm năng còn bỏ ngỏ
Nhu cầu thị trường trong nước về gạo chất lượng cao ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, những bất cập trong tổ chức sản xuất tại các địa phương cũng như thiếu vắng sự quan tâm của những doanh nghiệp chế biến, thương mại khiến tiềm năng thị trường lúa gạo chất lượng cao khu vực này còn bỏ ngỏ.
Theo ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác - Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT), trong khi năm 2015 được dự báo là năm khó khăn cho xuất khẩu gạo thì thị trường trong nước, mức tiêu thụ vẫn ở quy mô 23 - 25 triệu tấn/năm và có khả năng sẽ tiếp tục tăng nhẹ, do quy mô dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng.
Gạo chất lượng cao được ưa chuộng
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc có nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau, đã tạo nên sản phẩm nông nghiệp phong phú đa dạng, có lợi thế cạnh tranh lớn, đặc biệt là các loại gạo thơm ngon có hương vị đặc trưng.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT và các địa phương đang thực hiện tái cơ cấu, phát triển giống lúa chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị của mặt hàng lúa gạo, đồng thời làm tăng thu nhập cho người dân.
Theo ông Định, tỷ lệ giống lúa chất lượng ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc chiếm khoảng 30% trong tổng số 690.000ha diện tích gieo cấy, trong đó vụ mùa có tỷ lệ lúa chất lượng cao hơn (khoảng 34%).
Một số tỉnh có diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao như Điện Biên (65%), Cao Bằng (trên 50%). Cơ cấu giống lúa chất lượng chủ yếu gồm: các giống lúa địa phương cổ truyền (tẻ nương Mộc Châu, nếp cẩm, Séng Cù, nếp Tú Lệ, Bao thai…).
Tại Yên Bái, Chiêm Hương là giống lúa bản địa chất lượng cao chiếm hơn 50% diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao của tỉnh. Mỗi kg gạo Chiêm Hương có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, được người tiêu dùng ưa chuộng, nhờ hạt gạo trắng, dài, tỷ lệ bạc bụng thấp; khi nấu cơm có mùi thơm dễ chịu, ăn dẻo và ngon.
Từ khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể, gạo được đóng túi gắn nhãn mác, có giá tăng hơn 3.000 đồng/kg so với sản phẩm cùng loại không được dán nhãn. Thu nhập của người dân trồng lúa Chiêm Hương đã tăng thêm 12 - 15 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất đại trà giống lúa này khi chưa có thương hiệu.
Điện Biên, có cánh đồng Mường Thanh với khoảng 4.000ha tập trung gieo cấy giống lúa chất lượng như Bắc Thơm số 7, IR64… năng suất trung bình đạt khoảng 6 tấn/ha/vụ. Theo đại diện của Sở NN&PTNT Điện Biên, gạo Điện Biên đã có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước.
Đặc biệt, tại Hà Nội, sản phẩm gạo Bắc Thơm số 7 - Điện Biên đã có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng gạo lớn. Có những cửa hàng chuyên bán gạo Điện Biên. Sản phẩm được tiêu thụ tại Hà Nội với số lượng lớn, chất lượng tốt, nhưng có giá cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg cùng thời điểm tại Điện Biên. Người trồng giống lúa chất lượng cao ở Điện Biên có thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng/ha/vụ.
Doanh nghiệp còn thờ ơ
Nhu cầu tiêu dùng lúa gạo chất lượng cao gia tăng, nhưng tổ chức sản xuất tại các địa phương miền núi phía Bắc còn nhiều hạn chế, nên chưa phát huy được hết tiềm năng thị trường.
Theo ông Định, sản xuất lúa chất lượng cao khu vực miền núi phía Bắc còn nhiều bất cập, sản xuất nhìn chung chưa gắn được với chế biến, thị trường. Hệ thống khuyến nông trong vùng còn hạn chế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Việc chuyển giao khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn tại khu vực này cũng còn gặp nhiều khó khăn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, trong khi đó các hình thức tổ chức liên kết nông dân (Tổ hợp tác, hợp tác xã…), tổ chức đại diện của nông dân chưa được quan tâm phát triển, vai trò của hợp tác xã còn hạn chế.
Đặc biệt, chưa nhiều các doanh nghiệp đầu ra tham gia tích cực vào chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng hàng hóa… Mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chưa chặt chẽ. Chưa có sự phân chia hài hòa về lợi ích trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên liên kết không bền vững.
Chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh để hỗ trợ cho phát triển lúa chất lượng phát triển, chính sách tích tụ ruộng đất, tín dụng, hỗ trợ liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đủ mạnh…
Theo ông Trần Xuân Định, để phát triển sản xuất giống lúa chất lượng tại các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc, cần hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại và các dịch vụ khác gắn với các chuỗi giá trị tại các vùng chuyên canh; tìm đầu mối xuất khẩu gạo chất lượng cao đồng thời mở rộng tiêu thụ thị trường trong nước.
Hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể bằng chính sách ưu đãi về vốn vay cho xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao.
Có thể bạn quan tâm
Để làm cơ sở khoa học cho việc nhân rộng diện tích ứng dụng mô hình ruộng lúa bờ hoa, Trạm Bảo vệ thực vật huyện An Phú (An Giang) đã đề xuất các ngành chức năng có liên quan thực hiện đề tài nghiên cứu ảnh hưởng của bờ trồng hoa đến mật độ sâu hại và thiên địch trên ruộng lúa vụ đông xuân 2014 - 2015 tại xã Vĩnh Lộc (An Phú).
Việc sử dụng máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa phổ biến hiện nay kéo theo thay đổi phương thức trồng nấm rơm. Người trồng nấm rơm có sáng kiến đến tận ruộng thu rơm để sản xuất nấm rơm tại chỗ nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Mùa thu hoạch quế năm nay, đồng bào dân tộc Cor ở hai huyện Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi) đang có một niềm vui chung, bởi quế được giá. Ít cây gì ở miền núi lại cho thu nhập cao như cây quế, từ vỏ, cành, thân đến lá đều bán được tiền, giá cao ngất ngưởng.
Chỉ tính riêng ở Nam Trung bộ, kết quả chuyển đổi có lợi nhuận tăng từ 1,5 - 3 lần so với trồng lúa, doanh thu hàng trăm triệu đồng/ha.
Do giá cao su thế giới xuống thấp, các nhà máy chưa được đầu tư và kế hoạch mở miệng cao su tạm dừng.