Liên Kết Các Cơ Sở Giết Mổ Và Chăn Nuôi Lợi Cả Đôi Đường

Nhằm giúp người chăn nuôi có đầu ra ổn định và hướng tới mục tiêu cung cấp những sản phẩm chăn nuôi chất lượng, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã chủ động làm "cầu nối" để các cơ sở giết mổ và doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm ký kết hợp tác với cơ sở chăn nuôi trên địa bàn TP.
Trong đó, ưu tiên cho mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.
Theo đại diện Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, trong năm 2013, Trung tâm đã triển khai xây dựng 7 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, gồm gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, vịt cỏ Vân Đình, trứng vịt Liên Châu, vịt Đại Xuyên, gà mía Sơn Tây, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu.
Hiện các sản phẩm này đều tiêu thụ thông qua các chuỗi cửa hàng. Điển hình, chuỗi cửa hàng bán thịt lợn hữu cơ Bảo Châu nằm trong hệ thống chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ được tổ chức bởi trang trại Bảo Châu Farm. Sản phẩm thịt lợn của nhà sản xuất này đang được tiêu thụ tại 6 cửa hàng, với sản lượng trung bình từ 150 - 200 kg/ngày.
Tương tự, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch 3F do Công ty CP Thực phẩm sạch 3F phân phối có sự liên kết của 200 trại gà, 15 trại lợn rừng và trại giống gốc với 750 nái. Sản lượng tiêu thụ của công ty đạt 100.000 - 150.000 quả trứng gà sạch/ngày, 2 tấn thịt gà đã qua chế biến và khoảng 2,5 - 3 tấn thịt lợn rừng và lợn lai. Trong đó, có 80% sản lượng được tiêu thụ thông qua siêu thị, nhà hàng và cửa hàng bán lẻ...
Cũng trong năm 2013, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã đứng ra làm "cầu nối" trong việc ký kết bao tiêu sản phẩm giữa Công ty CP sản xuất kinh doanh gia súc, gia cầm (Tổng Công ty thương mại Hà Nội - Hapro) với các trang trại, HTX chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn TP. Trong đó, đã ký kết với trang trại của ông Nguyễn Văn Thanh - HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (quy mô chăn nuôi lợn thịt đạt 86.000 con/năm).
Bên cạnh đó, Trung tâm đã thống nhất với Công ty Chế biến thực phẩm Vinh Anh (Thường Tín); Công ty CP Thịnh An (Vạn Phúc, Thanh Trì); Công ty thực phẩm Lan Vinh (Yên Thường, Gia Lâm) xây dựng vùng nguyên liệu thịt lợn, gà tại các cơ sở, địa phương chăn nuôi lớn trên địa bàn TP như: Vùng chăn nuôi gà xã Ba Trại, huyện Ba Vì; vùng chăn nuôi lợn huyện Ứng Hòa, thị xã Sơn Tây.
Ông Lê Đình Phượng - Giám Đốc Công ty CP Thực phẩm Foodex cho biết, trước đây, do chưa liên kết được giữa khâu sản xuất - tiêu thụ nên việc mua lợn của công ty phải qua khâu trung gian nên thường phải chịu giá bán đắt hơn so với tại trại rất nhiều. Hiện nay, cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu chăn nuôi lớn tại các trang trại trên địa bàn TP, công ty đã xây dựng hệ thống giết mổ lợn quy mô công nghiệp công suất 600 con lợn/ngày, với 25 cửa hàng bán lẻ và bếp ăn tập thể.
Với cách làm này, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã góp phần ổn định đầu ra cho các hộ chăn nuôi và giúp hệ thống giết mổ công nghiệp hiện đại không sợ thiếu nguồn hàng.
Có thể bạn quan tâm

Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan trang trại nuôi chim trĩ lớn nhất tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu của anh Phan Minh Châu (36 tuổi), ở tổ 2, thôn Sơn Hòa, xã Xuân Sơn (H. Châu Đức, T. Bà Rịa Vũng Tàu) bởi tận mắt thấy hàng trăm con chim trĩ đang sinh sống trong những dãy lồng.

Khánh Hòa là địa phương được chọn thí điểm đóng tàu cá vỏ thép sau huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tiếp đó sẽ đến các tỉnh Phú Yên, Bình Định rồi nhân rộng trên cả nước. Việc thay tàu gỗ thành tàu vỏ thép nhằm giúp ngư dân hành nghề đánh bắt xa bờ hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo.

Giá thức ăn chăn nuôi trong những tháng tới nhiều khả năng sẽ ổn định nhờ doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tận dụng cơ hội giá bắp xuống thấp để nhập về một khối lượng lớn trong mấy tháng qua, theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Hai anh Sa Lés và Da Cốp (ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang) đã thành công với mô hình nuôi le le bán hoang dã để lấy thịt và cho sinh sản. Mô hình chăn nuôi độc đáo này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn gián tiếp bảo tồn loài chim đang khan hiếm…

Hình ảnh những chiếc máy xới, gặt đập liên hợp (GĐLH) hoạt động hối hả ngoài ruộng vào giai đoạn làm đất, thu hoạch rộ; cùng câu chuyện chế tạo ra nhiều loại máy móc từ thực tiễn sản xuất của nông dân để phục vụ công việc đồng áng nói chung, như đã gián tiếp khẳng định một bước tiến mới của tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang vào giai đoạn hiện nay.