Thêm Hướng Đi Mới Cho Thủy Sản An Giang
Đa dạng hóa đối tượng nuôi nhằm tăng thêm giá trị kinh tế cho nông hộ và ngành Thủy sản là một hướng đi đúng, nhưng xét trên phương diện nuôi để xuất khẩu, trong thời gian dài, An Giang chỉ “độc nhất” có con cá tra, trong khi các loại thủy sản khác có tiềm năng rất lớn.
Từ thực tế này, một số doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã bắt tay nuôi thử nghiệm cá rô phi và đã thành công, mở ra một hướng đi mới cho xuất khẩu thủy sản của tỉnh.
Thị trường rộng mở
Với giá xuất từ 4 - 5,3 USD/kg (tùy thuộc vào thị trường, cảng đến, phương thức thanh toán, số lượng và thời gian giao hàng…), cá rô phi đã trở thành một đối tượng nuôi xuất khẩu đầy triển vọng. 10 năm qua, ở một số quốc gia thuộc khu vực Châu Á, nếu Việt Nam đứng đầu trong xuất khẩu cá tra (kim ngạch đạt 1,6 tỷ USD/năm) thì Trung Quốc đứng đầu trong xuất khẩu cá rô phi (kim ngạch đạt 1,3 tỷ USD/năm).
Thị trường xuất khẩu cá rô phi lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức... Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 7 tháng của năm 2014, chỉ riêng Mỹ đã nhập 86.766 tấn, cho thấy thị trường xuất khẩu cá rô phi của thế giới rất lớn.
An Giang có trên 1.500 héc-ta mặt nước nuôi trồng thủy sản. Song, kim ngạch vẫn chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng. “Chúng ta hiện nuôi rất nhiều thủy sản nhưng đa phần chỉ để tiêu thụ nội địa chứ chưa xuất khẩu được. Những đối tượng có tiềm năng xuất khẩu thì sản lượng nuôi không đáp ứng. Đây là một thực tế cần suy nghĩ” – ông Lê Trung Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, chia sẻ.
Nhanh chóng quy hoạch
Năm 2013, đứng trước tình hình kinh tế tiếp tục khủng hoảng, một số doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh đã liên kết với nông dân nuôi và thu mua xuất khẩu cá rô phi. Nếu ở Đồng Tháp có Công ty Hoàng Long (IDI); Cần Thơ có 404, Sông Biển thì ở An Giang có Nam Việt, An Mỹ. Giá mua từ 32.000 – 34.500 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lãi từ 2.000 - 4.000 đồng/kg.
Để ổn định chân hàng phục vụ xuất khẩu, một số DN đã đầu tư nuôi với hình thức nuôi vèo. Cụ thể, Nam Việt đã thả nuôi 2.532 vèo ở 6 vùng nuôi trong tỉnh, như: Long Giang, Bình Phước Xuân (Chợ Mới), Bình Thạnh (Châu Thành). Mỗi vèo có kích thước 6 x 12 x 4,5 m. An Mỹ thả nuôi 180 vèo tại khu vực ấp Bình Yên (xã Bình Thủy, Châu Phú).
"Quy hoạch vùng nuôi và xử lý môi trường là 2 vấn đề mà DN đang gặp khó. Đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa có quy hoạch chi tiết vùng nào cho phép nuôi cá rô phi - mà lẽ ra quy hoạch thì phải đi trước thực tế khi DN triển khai; trong khi đây là đối tượng nuôi đầy triển vọng, phục vụ tốt cho chương trình ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp một cách hiệu quả nhưng chúng tôi lại gặp khó” - chủ một doanh nghiệp giãi bày.
Đưa cá rô phi vào chương trình xuất khẩu trọng điểm của tỉnh là một việc làm cần thiết. Hiện nay, giá xuất cá tra bình quân 2,2 – 2,4 USD/kg, thời gian nuôi 6 tháng, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) là 1.55 – 1.65 kg thức ăn cho 1kg cá tăng trọng. Trong khi ở cá rô phi, các chỉ số vừa nêu cũng tương đương nhưng giá trị xuất khẩu cao hơn gấp đôi cá tra.
Hiện tại, 1kg cá rô phi, ngư dân nuôi lãi từ 2.000 - 4.000 đồng, trong khi cá tra thì “nằm mơ” cũng chẳng thấy. Và chỉ có nuôi xuất khẩu thì sản lượng nuôi mới nhiều, đời sống của đại bộ phận nông dân mới được cải thiện. Đây là một hướng đi mới nhằm khôi phục lại kinh tế nông hộ, kinh tế trang trại vốn dĩ đã hình thành trên địa bàn tỉnh từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
“Đối với cá rô phi, cái được của chương trình này là DN tự bỏ tiền thực hiện (không cần đến vốn từ ngân sách), trong khi ở các huyện, thị, tỉnh đã chi hàng trăm triệu đồng cho việc tổ chức thực hiện mô hình nhưng sản phẩm làm ra chưa xuất khẩu được.
Đây là việc mà các nhà quản lý cần nghiên cứu, cân nhắc để cá rô phi sớm là đối đượng được đưa vào chương trình trọng điểm, sản xuất phục vụ xuất khẩu trong thời gian sớm nhất. Có xuất khẩu được thì nông dân chúng tôi mới mong nuôi với quy mô lớn” – ông Nguyễn Thành Tâm, nông dân huyện Phú Tân, bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Lượng phân bón NK giúp cung cấp cho bà con trọn bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ chất lượng cao, đáp ứng đồng bộ nhu cầu dinh dưỡng theo từng thời kỳ phát triển của các loại cây trồng.
Khoảng 5.000 tấn quả vải tươi sẽ được TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) cam kết bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường trong vụ vải 2015.
Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, trong nửa đầu tháng 5/2015, toàn tỉnh có khoảng 30 tấn thanh long không tìm được đầu ra.
Ở vùng Đông Nam bộ, điều là cây công nghiệp dễ trồng, dễ chăm sóc, thích hợp với nhiều loại đất khác nhau. Tỉnh Bình Phước có quỹ đất bazan chiếm gần 60% diện tích toàn tỉnh, rất thuận tiện cho sự phát triển tối ưu của cây điều, cho năng suất cao. Dẫu giá cả có trồi sụt trong những năm qua, song cây điều vẫn giúp bà con nông dân ở địa phương này có đời sống ổn định.
Cần cù, chịu khó cộng với sự đầu tư “bài bản”, nghề trồng lúa cũng có thể làm giàu. Đó là 3 anh em: Đặng Duy Phán, Đặng Duy Phú, Đặng Duy Trung ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).