Thu Nhập Cao Nhờ Trồng Khổ Qua Lai F1
Nhiều nông dân sản xuất hoa màu đều cho rằng khổ qua là giống “khó ăn” nhất vì lá và trái thường bị sâu bệnh, dễ héo dây và thối rễ. Nay có một giống mới do Công ty giống cây trồng miền Nam cung cấp, được Trung tâm khuyến nông Cần Thơ chuyển giao cho bà con nông dân trồng rất có hiệu quả. Đó là giống khổ qua lai F1 có tên Big 14 vượt trội về năng suất và chất lượng, đang mở hướng đột phá cho nông dân nghèo, ít đất canh tác.
Hàng năm, cứ vào đầu mùa mưa và kể cả mùa nước nổi, nhiều bà con nông dân ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân và hè thu thường tận dụng các gò đất cao ráo hoặc các đê bao trồng thêm các loại hoa màu để tăng thu nhập. Điển hình như anh Nguyễn Minh Công ở ấp Thạnh Xuân, xã Thạnh Phú đã trồng thành công khổ qua lai giống mới này.
Anh Công phấn khởi dẫn chúng tôi ra rẫy giới thiệu những giàn khổ qua đang độ thu hoạch. Mọi người vừa nhìn thoáng qua cũng đủ biết đây là giống trái sai đến mức không ai ngờ. Anh cho biết gia đình anh trước đây sống bằng nghề ruộng rẫy, kết hợp với nuôi vịt, nuôi cá. Ban đầu anh trồng nhiều loại rau màu khác nhau, trong đó có khổ qua nhưng đều là giống cũ. Từ năm 2007, anh xin gia nhập Tổ công tác khuyến nông của xã Thạnh Xuân nên thường xuyên được tham dự nhiều lớp tập huấn nông nghiệp. Nhờ vậy mà đến tháng 4/2009, anh nhận được 5 gói hạt giống Big 14 đem về trồng thực nghiệm trên 500 mét vuông dọc theo các kênh mương. Với kiến thức sẵn có, cộng thêm kinh nghiệm nhiều năm, anh đã trồng thành công và đạt kết quả thật bất ngờ. Hôm gặp chúng tôi, anh đã khẳng định đây là giống khổ qua sinh trưởng mạnh, thích nghi rộng, trái dài và to, nhẹ công chăm sóc, năng suất cao gấp 3 lần so với các giống cũ. Loại khổ qua này thịt dày, cứng, bảo quản được lâu ngày nên khách hàng rất ưa chuộng. Đặc biệt giống Big 14 năng suất vượt trội, chỉ sau 35 ngày trồng là bắt đầu ra trái và thu hoạch liên tục từ 25 - 30 lứa, trung bình cứ hai ba ngày hái một lần.
Nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng lúa xanh tươi, giàn khổ qua của anh Công nằm chạy dọc theo một bờ đê dài 150 mét, lá xanh mướt, mượt mà, giàn trĩu quả làm ai nấy cũng ngạc nhiên. Từ đó đến nay, anh cứ tiếp tục trồng và vụ nào cũng đạt năng suất cao, đầu ra ổn định, nhất là mùa nắng vì theo kinh nghiệm dân gian, khổ qua là loại bổ dưỡng, tính mát, ăn nhiều có lợi cho sức khỏe.
Anh Công cho biết, giá khổ qua bán sỉ trung bình từ 3.000 - 5.000 đ/kg, những lúc hút hàng có thể lên đến 10.000 đ/kg. Đây có thể nói là giống khổ qua sạch vì người trồng hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy mà thu hoạch đến đâu, thương lái đặt hàng thu mua đến đó, không sợ cảnh hàng nhiều dội chợ. Với diện tích nhỏ chỉ nửa công đất giồng mà mỗi vụ, sau khi trừ các chi phí anh còn lời trên 10 triệu đồng.
Về cách trồng, anh Công cho biết muốn dây phát triển nhanh, sai trái, ít bệnh, người trồng phải nắm vững kỹ thuật từ khâu ngâm hạt giống, giâm vào bầu tro cho tới việc xới đất, cuốc giồng, đặt dây, ngắt ngọn và bón phân sao cho đúng quy cách, đúng kỹ thuật. Theo kinh nghiệm riêng của anh Công, các loại phân gà, phân dơi rất thích hợp với dây khổ qua. Đặc biệt để phòng trừ nấm bệnh và giúp cây phát triển nhanh, trước khi xuống giống bà con nên rắc vôi đều lên nền đất, kết hợp với bón lân, urê và NPK một cách hợp lý trong suốt quá trình chăm sóc.
Từ hiệu quả trên, hiện nay đã có nhiều hộ gia đình chuyển đổi sang trồng khổ qua giống mới và nhiều hộ nông dân khác trong và ngoài huyện cũng đến tham quan, học tập anh để áp dụng trên địa phương mình. Ngoài anh Công, anh Lê Hoàng Khang ở xã Đông Bình, huyện Bình Minh cũng trồng thành công các loại khổ qua giống mới, mỗi vụ lời trên 10 triệu đồng một công. Để tăng năng suất, anh Khang trồng theo lối luân canh: khổ qua - bí đao - dưa leo. Để khổ qua phát triển nhanh và bảo đảm an toàn thực phẩm, anh Khang giữ vững nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng cách.
Ông Đỗ Xuân Phúc, phó trưởng trạm khuyến nông huyện Cờ Đỏ đã đánh giá: Khổ qua Big 14 là giống có khá nhiều ưu điểm. Qua so sánh, giống này đã vượt trội về năng suất, chất lượng và thời gian bảo quản so với các giống khổ qua thông thường.
Có thể bạn quan tâm
Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú công nghiệp chiếm khoảng 300 ha với 435 hộ nuôi, năng suất bình quân đạt từ 4 – 6 tấn/ha; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên 1.600 ha với gần 2.800 hộ nuôi, năng suất bình quân đạt từ 6 – 7 tấn/ha, tập trung tại các xã: Tân Hải, Phú Tân, Phú Thuận, Nguyễn Việt Khái, Việt Thắng và thị trấn Cái Đôi Vàm.
Giữa sóng nước bao la, những ngư dân lão luyện của làng chài Châu Thuận Biển, Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) chỉ cần dăm con tôm gỗ, vài bao nilon đựng bông gòn… là đánh bắt được những con mực lá, mực nang trắng phau, nặng trịch. Kỹ thuật dùng mồi giả để “dụ” cá, mực... là sự đúc kết kinh nghiệm đi biển từ bao đời của ngư dân làng chài trù phú nhất nhì tỉnh.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ vựa cá ở phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc cho biết: Giá cá chốt từ đầu vụ bán cho người làm mắm được 10.000 đồng/kg. Nhưng do nguồn nguyên liệu ứ thừa, nên từ hai tháng nay, không còn người mua để chế biến các loại mắm, đành phải hạ giá xuống còn 7.000 đồng/kg bán làm thức ăn gia súc!
Trong năm 2015, Chi cục Nuôi trồng thủy sản khuyến cáo bà con ổn định diện tích, thả giống đúng lịch thời vụ. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, thành lập các Tổ hợp tác nuôi tôm quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất; tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, đảm bảo lợi ích cho các hộ nuôi…
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Ðể tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAP xã hỗ trợ 100% vỏ hầm biogas, thành lập câu lạc bộ chăn nuôi cho người dân tham gia học tập và chia sẻ kinh nghiệm.