Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thầy Của Người Nuôi Ong Mật

Thầy Của Người Nuôi Ong Mật
Ngày đăng: 04/04/2014

Không chỉ nuôi sống gia đình và làm giàu bằng nghề nuôi ong lấy mật, 20 năm qua lão nông Đinh Long (65 tuổi) ở xã Xuân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình còn giúp hàng ngàn nông dân khác thoát nghèo bằng việc tư vấn kỹ thuật, truyền nghề cho họ…

Ở huyện miền núi Minh Hoá, hiện có hàng trăm hộ nông dân nhờ nuôi ong lấy mật mà thoát đói nghèo. Họ bảo, được như vậy là nhờ ông Long đã không giấu nghề mà còn hỗ trợ con giống, tận tình chỉ bảo cách chăm sóc đàn ong, thế nên người nuôi ong ở đây đều trìu mến gọi ông bằng thầy.

Nhờ ong, nuôi 5 con học đại học

Ở một xã miền núi nghèo như Xuân Hoá, gia đình ông Long được xem là thành đạt, giỏi giang không chỉ vì có kinh tế khá giả, mà bởi ông bà có đến 5 người con tốt nghiệp đại học. Ông Long cho biết, để nuôi được đàn con ăn học thành tài như ngày hôm nay, tất cả là nhờ nghề nuôi ong lấy mật.

Ngày trước, gia đình ông Long thuộc dạng nghèo nhất nhì xã vì có đến 8 đứa con. Hai vợ chồng tuy làm nông nhưng lại không có ruộng đất, cuộc sống gia đình quanh năm suốt tháng phụ thuộc vào những chuyến đi rừng của ông.

Tình cờ trong một chuyến đi rừng lấy mật ong, ông Long nảy ra ý định: Tại sao mình cứ phải mò mẫm đi khai thác mật ong mãi trong rừng, mà không thử thuần chủng chúng để nuôi.

Bây giờ trai tráng có thể leo núi đạp rừng, nhưng khi về già, lấy đâu ra sức khoẻ mà đi lấy mật nữa? Vậy là một thời gian sau, khoảng năm 1990, ông Long quyết định đưa mấy đàn ong rừng về nhà nuôi. Ở thời điểm đó, ông là người đầu tiên ở huyện miền núi Minh Hoá “dám” thuần hoá ong rừng.

Thế nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy, do kỹ thuật nuôi không có, ong rừng thuần chủng thích thì ở, không thích thì bay đi nên lượng mật thu được chẳng đáng là bao.

Đến năm 1996, cơ may thực sự đến với ông Long khi Dự án “An toàn lương thực” do Chính phủ Đức tài trợ được triển khai ở huyện Minh Hoá. Một trong những chương trình nổi bật của dự án là dạy nghề nuôi ong lấy mật cho người dân, mà ông Long là một trong những hộ được dự án chọn để nuôi thí điểm.

Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật cơ bản của dự án, ông Long đã có cách “giữ” được đàn ong rừng gắn bó với nhà mình và thu được sản lượng mật như ý. Chỉ một năm sau khi thực hiện dự án, ông Long đã có trong tay hàng trăm đàn ong.

Thành công với việc thuần hóa ong rừng và bắt đầu thu được nhiều tiền từ việc bán mật, ông Long tiếp tục tìm cách nhân đàn ong để bán giống cho người dân quanh vùng. Nhờ đó mà gia đình ông với 10 miệng ăn đã “đoạn tuyệt” khỏi cảnh bữa đói bữa no như trước đây, đồng thời bắt đầu có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Quan trọng hơn, ngoài 3 đứa con lớn đã qua tuổi đi học, 5 đứa con còn lại ông Long đều động viên các con chăm chỉ học hành, phấn đấu vào đại học. “Không chỉ nuôi con ăn học đầy đủ, sau khi ra trường chúng đều được tôi tài trợ phương tiện đi làm, kể ra phải hết tiền tỷ, tất cả là nhờ con ong đó” – ông Long chia sẻ.

Miệt mài truyền nghề

Sau gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật, điều ông Long tự hào nhất không chỉ là đã đưa gia đình thoát nghèo, nuôi con cái ăn học đầy đủ mà còn truyền dạy nghề nuôi ong cho hàng trăm hộ nông dân khác cùng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ông Đinh Long hiện đang là Chủ tịch Hội Nuôi ong huyện Minh Hoá. Theo ông Long, từ những đàn ong nuôi thí điểm ban đầu vào năm 1996, đến nay địa bàn huyện đã có trên 2.000 đàn ong với hơn 200 hộ nuôi, thu nhập hàng năm trên 10 tỷ đồng.

Những năm gần đây, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Long vẫn không quản ngại đường xa, chạy xe máy hàng trăm cây số đi “truyền nghề” cho những nông dân ở nhiều huyện trong tỉnh như Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch…

Nhiều chương trình dự án hay tổ chức hội có tập huấn về kỹ thuật nuôi ong, người đầu tiên họ mời đứng lớp giảng dạy chính là ông Long. Hiện nay, ông không chỉ là người dày dặn kinh nghiệm nuôi ong, mà còn là “bậc thầy” về kỹ thuật tách đàn, tạo giống ong. Tại gia đình ông, mỗi năm ông có thể nhân thành công hàng trăm đàn ong, với giá bán hiện tại từ 700.000 – 750.000 đồng/đàn.

Tính sơ sơ, mỗi năm ông cũng thu được chừng 100 triệu đồng từ bán ong giống. Nhưng trên hết, người dân Minh Hóa quý mến ông Long là vì ông không giấu nghề, cách truyền đạt kinh nghiệm của ông lại rất thực tế, dễ hiểu và dễ áp dụng.

Đến bây giờ, ông Long có thể tự hào giới thiệu về những “học trò” đã được ông truyền nghề nuôi ong lấy mật mà vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu, như ông Đinh Xuân Khách ở xã Xuân Hoá. Nhà ông Khách vốn nghèo rớt mồng tơi vì đông con, ruộng đất không có. Nhờ ông Long miệt mài truyền nghề, hỗ trợ giống ong ban đầu mà đến nay, ông Khách đã có trong tay hơn 200 đàn ong, thu nhập bình quân 200 - 300 triệu đồng/năm.

Hay như hồi năm 2011, Hội Những người tàn tật ở xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch) đã cử người lên tận nơi mời ông Long về dạy nghề nuôi ong cho họ. Thương những người tàn tật, không có đủ sức khoẻ để làm việc nặng, ông Long đã không quản ngại đường xa về xã Xuân Trạch dạy nghề miễn phí, đồng thời hỗ trợ một phần ong giống cho bà con. Đến nay, họ đã bước đầu nuôi ong thành công và bắt đầu có thu nhập, tự tin hơn trong cuộc sống…

Xây dựng thương hiệu cho mật ong

Từ nhiều năm nay, 2 huyện miền núi Minh Hoá và Tuyên Hoá (Quảng Bình) đã nổi tiếng với đặc sản mật ong. Với địa hình đồi núi, có độ che phủ rừng lớn, các loại hoa rừng phong phú nên nghề nuôi ong mật tại đây rất phát triển, chất lượng mật tốt.

Nhằm nâng cao giá trị mật ong nuôi, hiện nay Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD – trụ sở đóng tại Quảng Bình) đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu mật ong nuôi “Miền Tây Quảng Bình”.

Ông Châu Văn Huệ - Phó Giám đốc CIRD cho biết: Nếu thương hiệu mật ong “Miền Tây Quảng Bình” được công nhận thì ông Đinh Long sẽ là một trong những người có công lớn. Bởi từ lâu, ông Long đã trở thành “giảng viên chính” trong các cuộc hội thảo, tập huấn kỹ thuật về nuôi ong do CIRD tổ chức. Còn với những hộ nông dân nuôi ong mật ở Tuyên Hoá và Minh Hoá, ông Long chẳng khác nào một người thầy đáng kính bởi sự tận tâm, nhiệt tình trong việc truyền nghề.


Có thể bạn quan tâm

Thái Lan Đẩy Mạnh Xuất Khẩu Tôm Sạch Thái Lan Đẩy Mạnh Xuất Khẩu Tôm Sạch

Cơ quan đảm trách nghề tôm cá Thái Lan vừa hoàn tất kế hoạch chiến lược trong đó chú trọng áp dụng công nghệ kỹ thuật sạch trong nuôi trồng và sản xuất tôm cũng như các sản phẩm tôm có chất lượng để tăng cường xuất khẩu.

17/08/2011
Thịt Lợn 'Rớt' Giá Thê Thảm Thịt Lợn 'Rớt' Giá Thê Thảm

Thông tin thịt lợn nhiễm chất siêu nạc tạm lắng thì dịch lợn tai xanh lại bùng phát khiến mặt hàng này rớt giá thê thảm.

20/06/2012
Rầy Nâu, Bệnh Vàng Lùn – Lùn Xoắn Lá Hại Lúa Rầy Nâu, Bệnh Vàng Lùn – Lùn Xoắn Lá Hại Lúa

Theo kết quả theo dõi, rầy nâu trưởng thành vào đèn trên địa bàn TP đã ghi nhận từ đêm 09/08/2011 đến 14/08/2011 mật số rầy vào đèn khá cao, 12.460 con/bẫy/đêm ở Nhật Tân – Bình Chánh, bằng ½ cùng kỳ năm 2010 (24.600 con/bẫy/đêm)

23/08/2011
Mô Hình VAC Mới Thu Lãi Cao Mô Hình VAC Mới Thu Lãi Cao

Mặc dù đã bước qua tuổi 70, nhưng ông Lê Đình Xuân ở Khánh Hòa đã nghiên cứu và xây dựng được mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) mới rất hiệu quả: Trồng xoài - thả cá - nuôi lợn rừng.

21/06/2012
Mô Hình Tôm – Muối Ở HTX Thanh Phong Mô Hình Tôm – Muối Ở HTX Thanh Phong

Đưa chúng tôi đến tận chân đê bao, ông Nguyễn Văn Khâm - Chủ tịch HTX Thanh Phong (xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận) tỏ vẻ phấn khởi khi nói về mô hình muối - tôm

21/06/2012