Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thay áo mới cho tàu biển

Thay áo mới cho tàu biển
Ngày đăng: 15/10/2015

Qua được cửa bảo vệ khá nghiêm ngặt của Nhà máy đóng tàu Dung Quất, tôi tiếp cận nơi sửa chữa, bảo trì tàu dầu thô lớn nhất Việt Nam mang tên PVT Mercury cũng là lúc trời tròn bóng nắng.

Không khí lao động khẩn trương đã cuốn tôi theo công việc của những người thợ “thay áo mới cho tàu”…

 

Thợ sơn của Công ty TNHH DV Đông Bắc đang sơn vỏ tàu.

Để đến được nơi con tàu “khủng” đang nằm dài cho hàng trăm công nhân cạo hàu, sơn quét, cọ rửa, vô dầu mỡ, chỉ có một lối duy nhất là đi theo cầu thang lắp ghép cơ động xuống “âm” 15m so với mực nước biển. 

Sỡ dĩ có công trường “âm” dưới lòng đại dương là nhờ một bức tường chắn sóng bằng cốt thép vững chắc lắp ghép như hai cánh cửa được kéo ngang qua ngăn không cho nước biển tràn vào để công trường hoạt động.

Bởi thế, anh em thủy thủ tàu dầu thô PVT Mercury không gọi nơi sửa chữa tàu là “triền đà”  mà gọi là “dốc” – có nghĩa là “cửa”, tiếng Anh là door (PV).

Khi tàu sửa chữa xong, cánh cửa này được mở ra và nước biển tràn vào, tàu nhổ neo ra khơi.

Thuyền trưởng tàu dầu thô PVT Mercury Hồ Anh Vân bảo rằng: “Những năm trước, việc sửa chữa, bảo trì tàu dầu thô thường phải đưa sang nước ngoài thực hiện.

Thế nhưng, lần này chúng tôi đã chọn Nhà máy đóng tàu Dung Quất để thực hiện vì tin tưởng vào trình độ tay nghề của công nhân ở đây đã đáp ứng được”.

Chị Nguyễn Thị Lệ Thu – Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Đông Bắc (TP.Quảng Ngãi) – một trong hai doanh nghiệp được chọn tham gia sửa chữa, bảo trì con tàu dầu thô này cho biết: “Công ty xem việc được chọn sửa chữa, bảo trì cho tàu dầu thô lớn nhất Việt Nam ngoài tạo việc làm cho người lao động còn là cơ hội được cọ xát, học hỏi, nâng cao trình độ tay nghề thi công.

Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của ngành công nghiệp sửa chữa tàu biển”.

Hiện tại, người lao động của Công ty TNHH dịch vụ Đông Bắc được trả 800.000 đồng/ngày làm việc 12 giờ; 400.000 đồng/8 giờ bao ăn, ở.

Đây là mức thu nhập khá cao, nhưng nhìn áp lực công việc, môi trường lao động nặng nhọc, độc hại của nghề này mới hiểu đó là sự bù đắp tương xứng.

Con tàu lớn nhất Việt Nam mang tên PVT Mercury chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là hoàn tất việc sửa chữa, bảo trì.

Hai màu đỏ, cam được chọn làm màu sơn cho tàu được các anh thợ sơn nỗ lực phết lên phủ kín cả con tàu dài 245m, rộng 45m.

Chiếc chân vịt rất lớn được những người thợ hì hục lau chùi, đánh bóng.

Có lẽ cực nhất vẫn là các anh kỹ sư máy phải chui vào hầm với chằng chịt đường ống, nồi hơi, bình áp suất… cọ rửa, bắt vít, vô dầu mỡ.

Hầm máy tối đen, phải bật bóng điện và sử dụng đèn pin để di chuyển.

Tôi theo chân máy trưởng của tàu PVT Mercury Nguyễn Văn Khoái (SN1985) vào hầm máy – trái tim của con tàu, cảm giác như lạc vào "ma trận".

Tại buồng điều khiển máy tàu, máy trưởng Nguyễn Văn Khoái giới thiệu với tôi nguyên tắc cơ bản hoạt động của máy tàu.

Anh Khoái bảo: Toàn bộ hệ thống điện của tàu hôm nay do đang ở trên bờ nên chuyển từ dùng máy phát điện sang điện trạm bờ - điện quốc gia (PV).

Còn ngoài khơi, bình thường mỗi ngày để con tàu này hoạt động, phải tiêu tốn 3 tấn dầu Diezel.

Trong đó, ngoài phục vụ hoạt động máy móc, máy nổ còn cung cấp điện cho kho thực phẩm luôn được làm lạnh ở nhiệt độ 10 độ C đối với rau, củ quả và âm 25 độ C đối với thực phẩm tươi sống.

Tàu PVT Mercury vào “dốc” sửa chữa sau đúng 30 tháng hoạt động trên biển.

Anh em trên tàu luôn tạo điều kiện tốt nhất cho đội thợ hoàn thành công việc.

Thợ làm 3 ca/ngày, anh em tàu cũng cử người luôn bên cạnh động viên, nhắc nhở, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn.

Thợ sửa chữa và thủy thủ tàu như anh em một nhà.

Bởi trong họ, ai cũng hiểu sự vui vẻ sẽ tạo ra hưng phấn trong công việc “chăm sóc sức sống” cho con tàu, để nó có thêm sức mạnh rẽ sóng vươn khơi, tiếp nối những chuyến hàng dầu thô từ mỏ Bạch Hổ về Nhà máy lọc dầu Dung Quất.


Có thể bạn quan tâm

Khánh thành vùng chăn nuôi bò sữa Hà Nam Khánh thành vùng chăn nuôi bò sữa Hà Nam

Cty FrieslandCampina Việt Nam vừa khánh thành vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam) sau gần 1 năm xây dựng.

26/06/2015
Dinh dưỡng đột phá trong chăn nuôi Dinh dưỡng đột phá trong chăn nuôi

Cty CP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco) và Cty CP Việt - Pháp SX thức ăn gia súc (Proconco) vừa phối hợp tổ chức hội nghị “Khoa học cám bổ sung Bio-zeemTM - Đột phá trong công nghệ chăn nuôi”.

26/06/2015
Khoai sáp mất mùa kép Khoai sáp mất mùa kép

Năm nay người nông dân trồng khoai sáp ở xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) thua lỗ nặng vì khoai mất mùa, mất giá.

26/06/2015
Khoai môn bí đầu ra Khoai môn bí đầu ra

Do giá khoai môn đang sụt giảm, chỉ bằng 1/4 mức giá cùng kỳ năm ngoái, khiến người dân thua lỗ nặng.

26/06/2015
Phát triển vùng nguyên liệu mè Phát triển vùng nguyên liệu mè

Nhiều ý kiến cho rằng, Đồng Tháp Mười có tiềm năng rất lớn để phát triển cây mè cả về đất đai, thời tiết khí hậu, bố trí cơ cấu mùa vụ.

26/06/2015