Giống Ngô Nếp Lai Max 68 Lựa Chọn Mới Của Nhà Nông

Theo bà con nông dân nhiều giống ngô hiện nay bị nhiễm các bệnh rất nặng và nếu năng suất cao thì chất lượng lại thấp hoặc ngược lại... Hiện, giống ngô nếp lai Max 68 của Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC) đã khắc phục được các nhược điểm trên và được nông dân rất ưa chuộng.
Chống chịu sâu bệnh tốt
Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng ngô nếp lai Max 68 ở cánh đồng thôn Gia Cốc (xã Tứ Cường, Thanh Miện, Hải Dương), nông dân An Thị Hay cười khoe: Vụ đông xuân 2013 giống ngô Max 68 được đưa về địa phương, nhà tôi tiên phong trồng thử. Qua vụ đầu thấy năng suất, chất lượng cao nên tôi đã quyết định mở rộng diện tích trồng Max 68. Ngoài những diện tích trồng màu vụ đông xuân, gia đình tôi có khoảng 4 sào trồng màu quanh năm, vừa qua cả 4 vụ/năm tôi đều trồng Max 68 và đạt năng suất rất cao.
Theo đánh giá của nhiều bà con nông dân, giống ngô nếp lai Max 68 có nhiều ưu điểm vượt trội so với một số giống khác như ít tốn phân đạm, thân cây cứng, nhiễm sâu bệnh nhẹ, bắp to, hạt mẩy và chất lượng ngon. Giống ngô này đặc biệt chống chịu tốt hai bệnh là gỉ sắt và đốm lá. Do được áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu nên đã giảm đáng kể ngày công lao động cũng như chi phí đầu tư.
Diện tích trồng ngô tại xã An Đồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) hiện cũng đang đến kỳ thu hoạch. Ông Vũ Văn Chiến - Trưởng thôn Đồng Tâm cho biết: Qua theo dõi trong vòng mấy năm gần đây, các giống ngô đang có nhiều biểu hiện thoái hóa, nhiễm sâu bệnh nặng, có những lúc cao điểm bà con phải phun 5 ngày/lần mới giữ được, còn nếu không phun thì coi như là mất trắng. Vì vậy, việc tìm giống ngô có chất lượng cao, khả năng chịu hạn tốt, đặc biệt là chống chịu được các loại sâu bệnh và phải ngắn ngày là mục tiêu mà bà con nông dân chúng tôi lựa chọn.
Xã An Đồng đã trồng thử nghiệm gần 1ha giống ngô nếp lai Max 68 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung cấp giống. Lúc mới trồng thì gặp hạn tưởng chừng cây không lên được, tới lúc tung cờ thụ phấn thì gặp mưa ròng rã dài ngày... “Trong khi ở nhiều diện tích trồng giống ngô khác, bà con nông dân đã phải chặt bỏ cây vì không kết hạt được, còn ruộng trồng giống Max 68 đến giờ vẫn cho bắp to, đẹp như thế này thì tôi khẳng định Max 68 sẽ cho giá trị kinh tế cao” – ông Chiến khẳng định.
Qua quan sát thực tế của chúng tôi ở các vùng trồng, thấy các giống ngô khác bị nhiễm bệnh gỉ sắt, đốm lá rất nặng, nhưng những diện tích trồng ngô lai Max 68 đến thời điểm thu hoạch vẫn sạch bệnh, an toàn.
Giá trị kinh tế cao
Không chỉ kháng được các loại bệnh phổ biến trên cây ngô, giống Max 68 còn có giá trị kinh tế cao. Để khẳng định điều này, chị Hay cho biết: Vì có chất lượng ngon, dẻo, ngọt nên Max 68 rất dễ bán, vụ nào thương lái cũng vào thu mua trước các loại ngô khác. Như vụ này, các diện tích Max 68 đã được bao tiêu sản phẩm hết với với từ 2.500 – 2.700 đồng/bắp, cao hơn các giống ngô khác từ 500 – 700 đồng. Với 1.400 cây/sào thì chúng tôi cũng thu được 3,5 – 3,7 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, mỗi sào cũng cho thu lãi trên 2 triệu đồng.
Do đặc điểm thu mua ngô là tính theo số lượng bắp trên ruộng nên Max 68 rất được thương lái ưa chuộng vì tỷ lệ bắp loại 1 cao từ 90 – 95% (các giống khác chỉ khoảng 80%). Với những ưu điểm vượt trội, hiệu quả kinh tế cao mà giống ngô này mang lại, nên từ 2ha của vụ đầu tiên, đến nay diện tích trồng Max 68 trong toàn xã Tứ Cường đã lên tới gần 40ha. “Thời gian tới tôi tin chắc diện tích sẽ còn tăng hơn nữa” – chị Hay chia sẻ.
Nhận xét về năng suất và giá trị kinh tế, ông Chiến cho hay: Đến giờ nhìn các bắp ngô Max 68 to, dài, dày hạt, dày hàng và lõi bé hơn rất nhiều các giống ngô khác đang trồng tại địa phương, với kinh nghiệm trồng ngô nhiều năm tôi có thể khẳng định mỗi sào ngô Max 68 bà con nông dân bán được với giá trên 2,5 triệu đồng. Hiện nay các thương lái đã vào thôn để bao tiêu sản phẩm, nhìn các ruộng ngô Max 68 họ rất ưng và đã đặt vấn đề bao tiêu luôn.
Ông Lê Ngọc Ánh – Trưởng phòng Marketing của SSC tại Hà Nội cho biết: Max 68 có đặc tính sinh trưởng mạnh, chống chịu khá tốt với bệnh khô vằn, gỉ sắt; có khả năng thích nghi, phù hợp với nhiều vùng miền và mùa vụ trên địa bàn cả nước. Độ đồng đều của trái cao, thu hoạch tập trung, hạt bắp mềm, dẻo, thơm ngọt đặc trưng. Max 68 đã và đang được trồng diện rộng tại hầu khắp các tỉnh thành thuộc miền Bắc, miền Trung, miền Nam, ở hầu hết các mùa vụ và các chân đất khác nhau.
Giống ngô nếp lai Max 68 có thời gian sinh trưởng từ 60-65 ngày, ngắn hơn các giống khác từ 5-7 ngày; thân cây to, cứng, bộ lá gọn... giúp hạn chế gãy đổ khi gặp lũ quét hoặc gió mạnh. Tỷ lệ bắp loại 1 đạt từ 90-95%.
Nguồn bài viết: http://danviet.vn/nha-nong/giong-ngo-nep-lai-max-68-lua-chon-moi-cua-nha-nong-506780.html
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ thuốc, hướng dẫn nông dân phòng trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Thế nhưng, kết quả mang lại chưa như mong muốn. Dịch bệnh cứ tái đi, tái lại làm cho nhà vườn bất an, thậm chí có nơi đã nản lòng và quyết định đốn bỏ đến gần 50% diện tích.

Tại các nhà vườn TX.Long Khánh, Xuân Lộc và Thống Nhất (Đồng Nai), giá chôm chôm hiện đã giảm từ 2-6 ngàn đồng/kg so với những ngày đầu tháng 6-2014. Cụ thể, giá chôm chôm thường bán tại vườn hiện chỉ còn 4-5 ngàn đồng/kg (giảm 2-3 ngàn đồng); chôm chôm giống Thái Lan và chôm chôm nhãn chỉ còn 10-12 ngàn đồng/kg (giảm 5-6 ngàn đồng/kg).

Trong thời gian gần đây, khi thanh long chính vụ bước vào thời kỳ rộ, nhiều nông dân trồng thanh long trên địa bàn một số xã thuộc huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã bán búp thanh long cho một số điểm thu mua được đặt tại địa phương. Tại sao lại có hiện tượng này?

Theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Ấn Độ, thành công trong xuất khẩu gạo của Ấn Độ dựa trên ba yếu tố. Đó là chất lượng gạo Basmati đứng hàng đầu, diện tích trồng lúa nhiều nhất thế giới (7 triệu ha) và gạo Non-basmati có giá cả cạnh tranh.

Trồng cây ớt là mô hình phát triển khoảng 2 năm nay. Toàn tỉnh Thanh Hóa đã chuyển đổi từ các loại cây trồng khác sang trồng ớt đến nay gần 300 ha. Giá ớt vào thời điểm được giá là 45.000-60.000 đồng/kg nay hạ xuống còn 2.500 – 5.000 đồng/kg và đang tiếp tục giảm. Chính vì vậy, dù ớt đã chín đỏ ngoài đồng nhưng người dân không thu hoạch. Hiện nhiều hộ đã phá bỏ chuyển sang trồng lúa.