Tháp Mười sản xuất nông nghiệp theo định hướng tái cơ cấu
Những tín hiệu bước đầu
Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười nhận định: “Dựa vào tiềm năng lợi thế đối với các ngành hàng, địa phương đã chọn các sản phẩm để đồng hành cùng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh gồm: cây lúa, sen, cá sặc rằn, vịt, ếch”.
Lúa gạo là nông sản thế mạnh của địa phương do huyện Tháp Mười là một trong những vùng có diện tích sản xuất lúa lớn của tỉnh, đến cuối năm 2014 là trên 100.000 ha, sản lượng đạt 680.000 tấn. Xem yếu tố liên kết là một trong những định hướng cấp thiết, huyện tiến tới xây dựng các vùng nguyên liệu, hoàn thiện kết cấu hạ tầng để phục vụ cho việc liên kết mang tính bền vững.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, tổng diện tích liên kết tiêu thụ lúa đến nay là 11.000ha, sản lượng liên kết tiêu thụ đạt 70.000 tấn.
Định hướng phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng mặt hàng lúa gạo đến năm 2020, địa phương vẫn giữ diện tích ở mức 100.000ha, song đẩy mạnh về chất lượng sản phẩm, đặc biệt quan tâm khâu liên kết sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp ổn định, bền vững, đạt 5.000ha/vụ theo kế hoạch đề ra.
Ngoài cây lúa, huyện còn xây dựng các ngành hàng tiềm năng của địa phương như ếch, cá sặc rằn, cây sen, vịt. Điểm mạnh trong nhóm ngành hàng này là sản phẩm ếch thương phẩm của Tổ hợp tác (THT) ếch Đốc Binh Kiều đã ký hợp đồng bao tiêu với Metro Cash. Thay vì trước đây, mọi người bán ếch thương phẩm cho thương lái, đầu ra bấp bênh thì hiện nay người nông dân nuôi ếch trong THT đã an tâm hơn ở khâu tiêu thụ.
Mặt hàng cây sen của địa phương không còn xa lạ với người tiêu dùng. Ngoài sen tươi, nhiều sản phẩm làm từ sen được các doanh nghiệp khai thác, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng này như: sen sấy bơ, rượu sen, sữa sen. Những phụ phẩm của ngành hàng này cũng được khai thác triệt để như vỏ sen, tim sen, ngó sen...
Trên cơ sở đó, huyện định hướng phát triển diện tích trồng sen là 500ha. Đồng thời, địa phương cũng khai thác và quản lý và sử dụng nhãn hiệu sen hiệu quả.
Và những khó khăn cần vượt qua
Nông nghiệp huyện Tháp Mười có bước chuyển biến tích cực theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp của địa phương vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố đầu vào, thị trường tiêu thụ, trong khi hiệu quả sản phẩm còn thấp so với khả năng cạnh tranh.
Riêng đối với diện tích liên kết tiêu thụ lúa gạo với doanh nghiệp vẫn còn khá ít so với tiềm năng mà huyện có. Diện tích liên kết với doanh nghiệp trong năm 2014 chỉ khoảng 5% trên tổng diện tích sản xuất cả năm của huyện. Ông Nguyễn Văn Thiện - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đông Thành cho hay: “Thời gian qua, HTX cũng tham gia liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.
Tuy nhiên việc liên kết không thuận lợi, giữa doanh nghiệp và nông dân chưa có tiếng nói chung. Hiện nay, HTX tiếp tục tìm các doanh nghiệp đủ lực và uy tín để đồng hành cùng cánh đồng liên kết”.
Theo nhận định của UBND huyện Tháp Mười, đối với sản phẩm thủy sản của huyện hiện nay khả năng cạnh tranh thấp, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Phần lớn do chất lượng giống chưa đáp ứng, dễ nhiễm bệnh khi nuôi. Cụ thể, đối với mặt hàng ếch thương phẩm mà THT cung ứng cho Metro Cash khoảng trên 20 tấn/năm trong khi sản lượng ếch toàn huyện mỗi năm khoảng 4.000 tấn.
Qua đó cho thấy, số lượng ếch còn lại phải chuyển tiếp qua kênh thu mua của thương lái. Bài toán ổn định về đầu ra cho mặt hàng này vẫn còn nan giải. Nuôi ếch phát triển tự phát lại rất khó kiểm soát, khả năng gây ô nhiễm môi trường cao.
Đối với cá sặc rằn, dù có giá trị nhưng đầu ra còn bấp bênh, thiếu sự gắn kết sản xuất với tiêu thụ; chưa thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến. Tính đến nay, diện tích nuôi đã lên 110ha. Để giúp mặt hàng cá sặc rằn phát triển, huyện đang vận động thành lập THT chăn nuôi - dịch vụ cá sặc rằn và tiến đến xây dựng nhãn hiệu.
Ngành hàng vịt được xem là mặt hàng còn nhiều bỏ ngỏ đối với tỉnh cũng như huyện Tháp Mười từ quy trình nuôi đến chất lượng sản phẩm. Tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện chiếm 1,3 triệu con, chủ yếu là nuôi vịt chạy đồng. “Có nhiều nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi vịt của huyện chưa phát huy được tiềm năng do chất lượng con giống kém và chưa gắn kết được đầu ra với doanh nghiệp, chưa gắn chăn nuôi với giết mổ, chế biến.
Trong khi đó, dịch bệnh tiềm ẩn, giá thức ăn tăng cao, giá bán bấp bênh chưa tạo động lực cho người nuôi đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại an toàn sinh học. Với thực trạng đó, về lâu dài, huyện sẽ tiếp tục xây dựng những mô hình thí điểm để khởi động lại, đồng thời sắp xếp các khâu trong chăn nuôi gắn với doanh nghiệp” - bà Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Trước khi thả giống tiến hành tháo nước cải tạo ruộng, dùng vôi bột rắc khắp đáy ruộng để diệt ký sinh trùng và mầm bệnh. Lấy nước vào ruộng qua lưới lọc và dùng phân gây màu, khi nước có màu xanh nõn chuối mới tiến hành thả going.
Trong nuôi trồng thủy sản nói chung và sản xuất giống thủy sản nói riêng, điều kiện xuất hiện bệnh có khi xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời 3 yếu tố.
Từ tháng cuối tháng 9/2010 đến tháng 3/2011, Trung tâm đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm tại hộ ông Nguyễn Văn Quốc ngụ tại ấp Bình Hưng 2, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Hiện nay, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL như: Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang… liên tục xảy ra tình trạng tôm, nghêu chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi, có nơi thiệt hại lên tới 80-100%.
Với lợi thế thời gian nuôi ngắn và sản lượng cao, cùng với giá cả liên tục tăng cao, tôm thẻ chân trắng đã được nông dân chọn làm đối tượng nuôi công nghiệp. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau chưa sản xuất được con giống thẻ chân trắng.