Thành tỷ phú nhờ nuôi tôm
Năm 1997, anh Lê Quang Toàn cùng gia đình rời quê Cam Ranh đến lập nghiệp tại thôn Ninh Mã với số vốn ban đầu chỉ 20 triệu đồng. Vốn ít nên anh chỉ có thể đầu tư vào 2 hồ nuôi tôm trên đất. Anh Toàn cho biết, những năm đầu nuôi tôm trên đất gặp quá nhiều khó khăn, nhất là vốn và kinh nghiệm nên làm ăn không hiệu quả.
Chính vì vậy, nhiều năm liền anh bỏ công sức để đi học cách nuôi từ những mô hình khác. Đến năm 2012, thông qua sự hỗ trợ của Hội Nông dân, anh được đi tham quan mô hình nuôi tôm lót bạt tại các tỉnh Bình Định và Ninh Thuận. Thấy hiệu quả từ mô hình này mang lại rất cao, anh Toàn đầu tư nuôi tôm trên bạt tại 2 ao với diện tích gần 5.000m2 và thành công bắt đầu từ đó. “Nhờ được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, đồng thời với sự táo bạo của mình, tôi đã thành công khi nuôi tôm trên bạt. Vụ thu hoạch đầu tiên đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi, tính ra lời gấp mấy lần so với cách nuôi trước đây” - anh Toàn nói.
Với những thành công bước đầu, anh Toàn tiếp tục đầu tư thêm 5 hồ với diện tích gần 1,5ha. Năm 2013, thu hoạch từ 7 hồ tôm đã mang lại cho anh lãi ròng 9 tỷ đồng. Có vốn, anh mạnh dạn đầu tư mở đại lý cung cấp thức ăn cho tôm tại địa phương, đồng thời phát triển mô hình nuôi tôm lót bạt lên diện tích 4,5ha. 5 năm qua, tổng thu nhập của gia đình anh hơn 25 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi ròng hơn 11 tỷ đồng. Hiện nay, ngoài nuôi tôm trên bạt và làm đại lý bán thức ăn tôm, anh còn mở thêm nhà hàng tiệc cưới, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động địa phương với mức lương trung bình hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Toàn còn thường xuyên giúp đỡ các hội viên nông dân khó khăn trong xã về vốn, kỹ thuật để phát triển kinh tế, tạo cơ hội thoát nghèo. Đối với các hộ nông dân gặp khó khăn về vốn trong sản xuất, anh sẵn sàng hỗ trợ vốn cải tạo ao, đìa; khi thả con giống, anh tạo điều kiện bằng cách cung cấp thức ăn, thuốc cho tôm đến cuối vụ thu hoạch mới thanh toán. Đã có hàng chục hộ nông dân nghèo được anh giúp đỡ với số tiền được hỗ trợ thấp nhất là 50 triệu đồng/hộ và cao nhất là 1,3 tỷ đồng/hộ.
Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho biết: “Các mô hình kinh tế của anh Toàn đều hoạt động có hiệu quả, thực sự là tấm gương sáng cho các hội viên khác noi theo. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia công tác hội và các hoạt động tại địa phương như: đóng góp quỹ hỗ trợ nông dân, xây dựng nhà đại đoàn kết...”.
Bằng ý chí, nghị lực của mình trong sản xuất kinh doanh, nhiều năm liền anh Lê Quang Toàn đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Có thể bạn quan tâm
Không chỉ giải quyết được vấn đề chất thải, hầm biogas đã trở thành cứu cánh cho bà con xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu (Sơn La) về nhu cầu chất đốt.
Hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước được Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu cải tiến từ hệ thống tưới nước nhỏ giọt của Israel.
Chăn nuôi đại gia súc ở miền núi phía Bắc từ lâu trở thành một nghề truyền thống, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bản tin của một đài truyền hình ở trung ương liên tục đưa tin về mất mùa lúa 2015 ở Thái Bình vào buổi sáng các ngày 29, 30/9 và 1, 2/10. Người Thái Bình xem được bản tin đều nháo nhác. Tất cả cứ nóng lên rần rật. Nhưng sự thực thì thế nào?
Sở NN-PTNT Phú Thọ vừa tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình “Bón phân chuyên dùng Văn Điển cho chè kinh doanh có cây che bóng năm 2015” tại 2 huyện Thanh Ba và Thanh Sơn với những kết quả bất ngờ.