Bỏ Phố Lên Núi Trồng Atiso
Trong khi nhiều nông dân thành phố hoa đang “quay lưng” lại với cây atiso - đặc sản của Đà Lạt do giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, thì anh Nguyễn Trung Thành, một người con đất Sài thành lại bỏ phố lên núi để gắn bó với loại cây trồng này dưới chân núi LangBiang.
Vốn là cư dân của một đô thị năng động nhất nước nhưng anh Nguyễn Trung Thành đã sinh sống ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương gần 10 năm nay.
Cũng như nhiều người khác khi đến lập nghiệp ở mảnh đất Nam Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi này, anh chọn nghề nông để phát triển. Lúc đầu, khi mới lên miền đất mới, anh chọn một số giống hoa cao cấp của Đà Lạt như ly, cẩm chướng để canh tác nhưng do thiếu kinh nghiệm, thiếu sự liên kết để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nên không hiệu quả.
Sau đó, anh đã tìm tòi, học hỏi cũng như thấy được tiềm năng của cây atiso nên anh đã bén duyên với loại cây này từ đó. Theo anh Thành, Đà Lạt là một thành phố du lịch và du khách khi đến đây, lúc ra về muốn có những sản phẩm mang về làm quà. Trong đó, atiso là một trong những đặc sản được nhiều du khách lựa chọn, vì thế cây atiso có tiềm năng phát triển lớn.
Tuy nhiên, cây atiso lâu nay vẫn thường được canh tác chủ yếu ở Đà Lạt, giờ để phát triển cây atiso dưới chân núi LangBiang là cả một vấn đề. Thế rồi anh đã mày mò, học hỏi đưa atiso về trồng thử nghiệm ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, Lạc Dương.
Qua đó, anh nhận thấy cây atiso không những phát triển được trên vùng đất mới này mà năng suất chất lượng cũng không thua kém các vùng trồng atiso truyền thống của Đà Lạt như ở phường 12. Và, anh cũng thấy atiso là một loại cây không quá khó trồng và chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn so với một số loại cây trồng khác.
Loại cây này có thể trồng ngoài trời, chăm sóc đúng quy trình thì cây sẽ phát triển tốt, cho sản lượng cao. Một ưu thế nữa của cây atiso là thu hoạch được 100% từ rễ, thân, lá, hoa, không để lại một sản phẩm thừa nào. Vấn đề để cây atiso phát triển bền vững là đầu ra cho sản phẩm.
Vì vậy, anh Nguyễn Trung Thành đã tìm hướng đi mới bằng cách liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, đầu ra cho mình.
Hiện nay, anh Nguyễn Trung Thành có hơn 3ha chuyên canh cây atiso, chủ yếu cung cấp cho Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar). Anh Nguyễn Trung Thành cho biết: “Nhờ chăm sóc tốt nên sản lượng của cây atiso vườn nhà đạt khá cao. Bình quân mỗi gốc cho khoảng 2kg bông, 15kg lá và 2kg rễ.
Tổng cộng mỗi gốc cho thu nhập hơn 100 ngàn đồng. Tôi đã hợp đồng lâu dài với Công ty Dược Lâm Đồng nên có đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Ngoài ra, một số cơ sở chế biến các sản phẩm từ cây atiso cũng đến để đặt hàng nhưng hiện nay tôi vẫn chưa đáp ứng được, nên thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích”. Để tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng hiệu quả nguồn giống, anh Thành cũng đã tự mua mô giống về để sản xuất cây con.
Không chỉ sản xuất giống để đáp ứng diện tích vườn của gia đình mà anh còn cung cấp cho nhiều trang trại atiso khác. Hiện tại, bình quân vườn atiso với hơn 3ha đang mang về cho gia đình anh thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ tại địa phương, với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Phi - cán bộ khuyến nông xã Lát, huyện Lạc Dương cho biết: “Mô hình trồng atiso của anh Nguyễn Trung Thành được đầu tư rất bài bản và làm ăn có hiệu quả. Anh đã biết liên kết trong sản xuất để tạo đầu ra ổn định. Cách làm của anh Thành cũng sẽ giúp cho người dân địa phương có điều kiện học hỏi và tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích”.
Được biết, không chỉ dừng lại ở cây atiso mà hiện tại anh Nguyễn Trung Thành đang nghiên cứu trồng thử nghiệm những loại cây quý như: sâm đất, wasabi và một số cây dược liệu khác. Hi vọng với lòng quyết tâm của mình, anh Nguyễn Trung Thành sẽ tiếp tục thành công với cây atiso cũng như một số giống cây đặc thù khác của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình này lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở xã Phước Mỹ, tạo nghề mới để tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi cho nông dân. Mô hình rất phù hợp với chăn nuôi gia đình vì kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ áp dụng, tận dụng được nguồn lao động và một số loại thức ăn là phế phụ phẩm nông nghiệp, thời gian vỗ béo ngắn, ít rủi ro hơn những đối tượng vật nuôi khác.
Hoạt động chăn nuôi đang có dấu hiệu khởi sắc, có lợi cho người nông dân. Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2/12, tại Hà Nội.
Những năm gần đây, nông dân huyện Năm Căn không ngừng tìm hướng đi mới trong sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình nuôi sò huyết giờ đã trở thành phong trào và giúp nhiều nông dân có thu nhập ổn định.
Cầm trên tay một khay bắp hạt, bà Trần Thị Sạ bước ra bên hiên nhà dưới gọi “lộc, lộc, lộc...” cả chục chú hươu mới trưởng thành chạy ùa ra trước sân chuồng đón mừng một bữa trưa thường nhật. Bỗng có khách lạ vào tham quan, chúng ngơ ngác chạy lùi ra xa. Bà Sạ kể: “Hồi mới đưa về xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng này, nuôi nhốt hai chục con hươu (còn gọi là con lộc) trong chuồng nhà mãi đến mấy tháng sau, chúng mới quen dần tiếng gọi, tiếng chân đi của chủ nhà…”.
Giống lúa năng suất, chất lượng cao Japonica ĐS 1 được trồng thử nghiệm thành công tại thôn Cốc Cai, xã Mậu Duệ (Yên Minh) trong vụ Xuân, vụ Mùa năm 2013.