Thanh Long Tăng Giá
Với giá bán từ 23.000 đồng đến 28.000 đồng/kg, cao hơn so cùng thời điểm năm ngoái - khoảng nửa tháng trở lại đây, “cơn sốt” thanh long ở vụ chong đèn khiến người trồng thanh long rất phấn khởi...
Năm nào cũng vậy, khi thời điểm thanh long bắt đầu bước vào vụ chong đèn, đồng nghĩa với nhu cầu phục vụ thị trường lễ Noel và Tết Nguyên đán trở nên “sôi động” hơn. Đặc biệt, nếu so sánh vào thời điểm này năm ngoái, giá thanh long cao nhất cũng chỉ ở mức 21.000 đồng đến 22.000 đồng/kg, thì đến dịp trước Tết Nguyên đán năm nay, giá bán thanh long đã chạm mức từ 23.000 đồng đến 28.000 đồng/kg, và có thời điểm lên đến 30.000 đồng/kg.
Ông Hồ Văn Đức (thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) chia sẻ: Vào dịp trước Tết dương lịch 2014 vài ngày, gia đình tôi đã xuất bán 1 lứa thanh long chong đèn, với giá bán bình quân 26.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí điện và phân bón, công chăm sóc... mỗi tấn thanh long cho lãi ròng khoảng 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, do dịp này diện tích thanh long chong đèn của gia đình có sản lượng thấp nên khan hiếm hàng bán. Còn ông Phạm Hữu Trường (xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc), nhờ áp dụng các biện pháp chăm sóc tốt, hợp lý, nên vừa qua gia đình ông đã thu lợi nhuận khá cao từ thanh long.
Với mức giá bán kỷ lục những ngày qua, dù thanh long có sản lượng thấp, dẫn đến khan hàng, nhưng người trồng thanh long Bình Thuận vẫn rất phấn khởi khi có thu nhập cao từ sản phẩm do chính mình làm ra trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2014.
Ông Phan Văn Thu - Phó trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, giá thanh long đang lên cao, khiến không ít hộ nông dân chong đèn liên tục trong thời gian dài để thu lợi nhuận. Trong đó, có nhiều diện tích do gốc thanh long còn yếu bởi sâu bệnh, nên hiệu quả chong đèn không cao, thậm chí không ra trái.
Vì vậy, bà con cần cân nhắc giữa lợi nhuận và tình hình sinh trưởng của cây thanh long. Nhất là trước sự biến động thất thường của thị trường tiêu thụ, giá thanh long chong đèn sẽ liên tục “trồi” lên, “sụt” xuống bất cứ khi nào.
Mặt khác, đây là thời điểm bắt đầu mùa khô, sẽ là điều kiện tốt để hạn chế gia tăng sự bùng phát của sâu bệnh trên cây trồng, nhất là bệnh đốm trắng. Tuy nhiên, hiện không ít nông dân chưa quan tâm thực hiện các biện pháp canh tác như cắt, tỉa cành, vệ sinh vườn... Ngược lại khi xảy ra sâu bệnh, bà con đổ xô đi mua thuốc bảo vệ thực vật.
Việc quá lạm dụng thuốc sẽ vô tình làm cho các đối tượng sâu bệnh kháng thuốc, phát sinh ra loại bệnh mới. Do đó, biện pháp tốt nhất là nông dân nên sử dụng các biện pháp tổng hợp theo quy trình tạm thời của Cục Bảo vệ thực vật đã khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Sau nhiều năm làm ruộng, chuyển đổi một số cây trồng không hiệu quả, anh Phạm Văn Muôn (nông dân khóm Bình Đức 2, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, An Giang) mạnh dạn đầu tư nuôi bò sữa, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, trong khi các hộ chăn nuôi lợn, gà đang gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm và chịu nhiều rủi ro vì giá thất thường thì các hộ chăn nuôi bò nói chung và nuôi bò thịt nói riêng lại đang có lãi. Đặc biệt, từ năm 2012, thành phố triển khai dự án chăn nuôi bò BBB ở các huyện ngoại thành Hà Nội đang mở ra hướng làm giàu cho người nông dân.
Được xem là địa phương năng động, thường xuyên thay đổi cung cách làm ăn, từ lâu Tứ Xã (Lâm Thao - Phú Thọ) đã thành trung tâm sản xuất, kinh doanh nổi tiếng với nhiều mô hình nuôi, trồng cây, con đặc sản, làm dịch vụ. Sau lợn gà, cá tôm gần đây là nghề nuôi rắn.
Năm 2007, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, là một đảng viên trẻ được kết nạp Đảng trong môi trường quân đội, anh Trương Hữu Minh ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) ý thức được rằng phát triển kinh tế gia đình, tự vươn lên trong cuộc sống là một trong những nhiệm vụ mà người lính cần phải tiên phong. Là con cả trong gia đình làm nông đông anh em, với mức lương ít ỏi cộng phụ cấp không đủ trang trải cho cuộc sống, anh luôn nung nấu quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới giảm bớt khó khăn về kinh tế cho gia đình.
Trong mười năm qua, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam luôn đồng hành với người chăn nuôi vượt qua khó khăn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện, kiến nghị các giải pháp phòng, chống dịch cúm, các chính sách khuyến khích chăn nuôi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, kinh doanh gia cầm, góp phần khôi phục và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.