Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thanh long Bình Thuận trước tình hình mới phải tự cứu mình

Thanh long Bình Thuận trước tình hình mới phải tự cứu mình
Ngày đăng: 04/09/2015

Nhìn nhận mấu chốt vấn đề

Có thể nói, diện tích thanh long tại Bình Thuận tăng quá nhanh dẫn tới phá vỡ quy hoạch là một trong những nguyên nhân khiến thị trường tiêu thụ bão hòa, đôi lúc cung đã vượt cầu. Trong khi đó mạng lưới thu mua, kinh doanh thanh long dù phát triển song song nhưng mạnh ai nấy làm, thiếu sự hợp tác nên xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán làm mất đi lợi thế cạnh tranh.

Do không điều tiết được lượng hàng vận chuyển ra cửa khẩu giáp biên Trung Quốc, vì vậy thanh long Bình Thuận thường gặp hiện tượng khủng hoảng thừa cục bộ, tạo điều kiện cho thương nhân ép giá.

Qua theo dõi tình hình, Sở Công Thương cho biết thời gian qua có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh tham gia xuất hàng sang Trung Quốc đã bị thua lỗ, phải ngừng hoạt động…

Cách đây gần chục năm (tháng 11/2006), Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho sản phẩm thanh long đã được đăng bạ xuất xứ hàng hóa theo quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ. Thế nhưng việc quảng bá thương hiệu thanh long Bình Thuận từ đó đến nay vẫn chưa thực sự được các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu quan tâm, thực hiện rộng rãi.

Đề án “Xây dựng mô hình sử dụng tem chỉ dẫn địa lý Bình Thuận trên sản phẩm quả thanh long” có kinh phí hàng tỷ đồng dù đã triển khai, song thực tế việc dán tem vẫn chưa được các doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích lâu dài.

Thêm vào đó có không ít doanh nghiệp nhập khẩu thanh long của Trung Quốc không chấp nhận thương hiệu Việt Nam mà yêu cầu đóng hàng với thương hiệu của chính họ, gây nhầm lẫn xuất xứ cho người tiêu dùng…

Tại thị trường tiêu thụ tiềm năng nhất, hiện chỉ có 3 doanh nghiệp địa phương là Công ty TNHH TM Hưng Loan, DNTN Rau quả Bình Thuận và DNTN TM Phương Giang thực hiện dán tem chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên trái thanh long khi xuất sang Trung Quốc.

Phải tự cứu mình!

Thanh long Bình Thuận trước tình hình mới đã được nhận diện với nhiều thách thức, có thể đối diện trong năm nay hay thời gian đến. Vấn đề còn lại là địa phương, ngành chức năng, doanh nghiệp, hộ chuyên canh thanh long phải hợp sức vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất và tiêu thụ cho sản phẩm lợi thế của địa phương.

Để được vậy, trước hết Bình Thuận cần tăng cường quản lý chặt chẽ không để phát sinh thêm diện tích thanh long hiện có, thay vào đó là ứng dụng khoa học kỹ thuật để gia tăng sản lượng trên cùng diện tích. Đặc biệt phải triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế dịch bệnh trên cây thanh long, khuyến khích tất cả các hộ tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, bởi đến nay mới thực hiện 1/3 diện tích…

Xác định Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ yếu trong những năm tới, do vậy khâu sản xuất thanh long Bình Thuận nên chú ý thị hiếu của họ là trái to, màu sắc bóng đẹp, tai xanh và cứng.

Đồng thời nhất thiết phải đầu tư, cải tiến mẫu mã bao bì đóng gói bắt mắt, có ghi rõ xuất xứ thanh long Bình Thuận - Việt Nam, qua đó góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm ngay trên “sân nhà Trung Quốc”.

Trước tình hình hiện nay, có ý kiến cho rằng thanh long Bình Thuận muốn nâng cao sức cạnh tranh thì trước hết phải đảm bảo tiêu chí “sạch - ngon - rẻ - nhiều” bằng giải pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đầu tư thiết bị chiếu xạ hoặc xử lý nhiệt...

Cùng lúc là tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết đối tác uy tín mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các kênh mua sắm từ nội địa ra nước ngoài. Từ đó vận động doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường đã được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu thanh long Bình Thuận (Hoa Kỳ, Hà Lan, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia). Bên cạnh đó là hàng loạt thị trường đã xúc tiến đăng ký bảo hộ nhưng chưa được cấp như Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Đức…

Sớm tạo dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc

Theo Sở Công Thương Bình Thuận, hiện người tiêu dùng ở Trung Quốc tiêu thụ khá nhiều thanh long, nhưng họ chỉ biết là hàng nhập khẩu mà không rõ của nước nào. Chính vì vậy, cần hỗ trợ và vận động doanh nghiệp tham gia xuất khẩu phối hợp doanh nghiệp nhập khẩu tổ chức những chương trình quảng bá thương hiệu, hình ảnh thanh long Bình Thuận ở thị trường rộng lớn này.

Trong đó thông tin đậm nét xuất xứ vùng trồng, công dụng và lợi ích của loại quả này nhằm sớm tạo dựng thương hiệu cho thanh long Bình Thuận ngay tại thị trường Trung Quốc…


Có thể bạn quan tâm

Hơn 13.700ha tôm nuôi bị thiệt hại Hơn 13.700ha tôm nuôi bị thiệt hại

Từ đầu năm đến nay, diện tích tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu bị thiệt hại 13.732ha. Trong đó, tôm nuôi bị thiệt hại từ 30 - 70% trên 10.660ha, thiệt hại trên 70% là trên 3.000ha.

29/08/2015
Từ đầu năm đến nay sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 10 ngàn tấn Từ đầu năm đến nay sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 10 ngàn tấn

Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có hơn 2.150 hộ và 41 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản các loại.

29/08/2015
Nghề nuôi cá lồng biển ở Hải Minh gặp khó khăn Nghề nuôi cá lồng biển ở Hải Minh gặp khó khăn

Từ giữa tháng 5.2015 đến nay, các hộ nuôi cá lồng trên biển tại Hải Minh (thuộc tổ 46, khu vực 9, phường Hải Cảng - TP Quy Nhơn - tỉnh Bình Định) gặp nhiều khó khăn do cá nuôi bị dịch bệnh chết và giá cá duy trì ở mức thấp. Theo thống kê của UBND phường Hải Cảng, hiện ở Hải Minh có 86 hộ nuôi cá lồng biển, gồm 176 bè với 1.013 lồng nuôi (nhiều nhất là cá chẽm, cá hồng, cá bớp, cá mú…), tăng 5 hộ và 57 bè so với cuối năm 2014.

29/08/2015
Cảnh báo tình trạng tôm nuôi chết sớm do nhiễm độc tố Cảnh báo tình trạng tôm nuôi chết sớm do nhiễm độc tố

Mới đây, Sở NN&PTNT Sóc Trăng, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã khảo sát và trao đổi với xã viên hợp tác xã nuôi tôm Hòa Nghĩa – xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu về hiện tượng tôm chết sớm xảy ra vào đầu tháng 8, khiến bà con rất lo lắng.

29/08/2015
Người nuôi cá tra tiếp tục lỗ Người nuôi cá tra tiếp tục lỗ

Trong khi đó, bệnh thủy sản phát sinh nhiều do thời tiết trong mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về làm giảm chất lượng nước trên sông. Bệnh trên cá tra nuôi thương phẩm chủ yếu là bệnh xuất huyết, gan thận mủ và trắng gan trắng mang với tỷ lệ nhiễm từ 10 - 20%; trên cá nuôi lồng bè chủ yếu là bệnh xuất huyết, phù đầu, nổ mắt, thối mang với tỷ lệ nhiễm từ 10 - 15%.

29/08/2015