Sản Xuất Sạch Để Mở Rộng Kênh Phân Phối
Thay vì sản xuất bằng phương pháp thủ công, tiêu thụ nhỏ lẻ, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã quan tâm hơn đến việc đầu tư máy móc, thiết bị, sản xuất sạch… nhằm đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn.
Sản xuất sạch, mở rộng kênh phân phối, phương pháp thủ công, tiêu thụ nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm
Khách hàng chọn mua nông sản, thực phẩm tại Big C Bắc Giang.
Đổi mới công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm
Làng nghề bún Đa Mai (TP Bắc Giang) từ lâu đã nổi tiếng gần xa nhờ sợi bún dẻo, trắng, mùi thơm đặc trưng. Dù vậy, bún Đa Mai mới chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Bắc Giang và một số huyện lân cận với giá bán lẻ từ 10 đến 20 nghìn đồng/kg. Không bằng lòng với kết quả đó, anh Thân Văn Thắng, một thợ giỏi của làng nghề bún Đa Mai đã tới nhiều cơ sở sản xuất bún nổi tiếng ở khu vực phía Bắc để học hỏi kinh nghiệm.
Năm 2013, anh đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống máy móc thành lập cơ sở bún sạch Thắng Thủy; đồng thời liên hệ để đưa sản phẩm bún vào khu vực thực phẩm sạch của chợ Hà Vị (TP Bắc Giang). Mới đây, anh ký hợp đồng cung cấp sản phẩm bún sạch cho Big C Bắc Giang. Anh Thắng cho biết: “Để đưa được hàng vào các siêu thị, trung tâm thương mại cần khá nhiều thủ tục. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm thực hiện bởi đây là cách tốt nhất để quảng bá sản phẩm của mình”.
Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến gia cầm Trường Anh (Yên Thế) có dây chuyền giết mổ gia cầm công suất từ 800 đến 1 nghìn con/giờ. Ngay từ khi mới đi vào hoạt động, bên cạnh cung cấp gà lông cho một số chợ đầu mối thì mục tiêu của Công ty là đưa sản phẩm gà chế biến vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn.
Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Công ty cho hay: “Hiện chúng tôi đang cung cấp sản phẩm gà chế biến cho gần 20 siêu thị trong cả nước như: Big C Bắc Giang, Big C Gia Lâm, Co.opmart Sài Gòn… Đây là kênh phân phối phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội . Thời gian tới, bên cạnh các chợ đầu mối, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường này”.
Để hàng địa phương khẳng định chỗ đứng
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc điều hành hệ thống Big C Việt Nam, Big C ưu tiên khai thác nguồn hàng tại địa phương để có hàng hóa tươi ngon, giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh về giá trên thị trường. Hơn nữa, hàng hóa địa phương phần nào đã quen thuộc với người tiêu dùng trong tỉnh nên có lợi thế hơn các sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, để đưa hàng hóa địa phương vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn là không đơn giản.
Để các mặt hàng nông sản thực phẩm của tỉnh có chỗ đứng ở siêu thị, điều cốt yếu nhất là sản phẩm phải bảo đảm tiêu chuẩn đã công bố, không sử dụng hóa chất, chất phụ gia độc hại. Đồng thời, cơ sở phải chủ động liên kết sản xuất để sẵn sàng cung ứng khi hàng của mình được người tiêu dùng chấp nhận.
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng Big C Việt Nam nói: “Hệ thống Big C luôn cẩn trọng trong việc lựa chọn những nhà cung cấp. Đối với các đơn vị sản xuất liên quan đến chế biến thực phẩm phải có giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hóa đơn đỏ, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm... Với những sản phẩm chưa đủ điều kiện về thủ tục, chúng tôi trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn chủ cơ sở hoàn tất”.
Được biết, trước khi ký hợp đồng với Big C Bắc Giang, cơ sở sản xuất bún sạch của anh Thân Văn Thắng có ba chỉ tiêu chưa được kiểm định theo quy định. Sau khi làm việc với cơ sở sản xuất, hệ thống Big C Việt Nam chủ động đưa mẫu bún sạch đi kiểm định tại Hà Nội và hướng dẫn anh Thắng làm thủ tục. Bằng cách làm trên, hệ thống Big C Việt Nam đã ký hợp đồng cung ứng sản phẩm với hơn 10 cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Big C Việt Nam cho hay, điểm yếu của nhiều đơn vị sản xuất là thường không có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bán lẻ. Do đó, có thể cơ sở đã sản xuất theo quy trình sạch nhưng vẫn khó có thể đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại.
Thời điểm này, nhiều đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục đầu tư máy móc, công nghệ mới nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Cơ sở sản xuất bún sạch của anh Thân Văn Thắng chuẩn bị lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất bún khô bởi theo anh, chỉ bún khô mới có thời gian bảo quản lâu, thuận lợi hơn cho việc vận chuyển, tiêu thụ.
HTX Bình Minh đang nghiên cứu đầu tư dây chuyền công nghệ bảo quản thực phẩm của Nhật để áp dụng với các sản phẩm thịt. Còn Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến gia cầm Trường Anh đã triển khai việc chăn nuôi gà thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGHAP nhằm nâng cao chất lượng, chủ động nguồn nguyên liệu...
Nguồn bài viết: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/134769/san-xuat-sach-de-mo-rong-kenh-phan-phoi.html
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp) mô hình nuôi lươn trong bể có lót bạt nilon, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp đạt năng suất và lợi nhuận khá.
Tại khu vực Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), Đội Kiểm soát Hải quan vừa phát hiện xe tải đầu kéo BKS 15C-00588 chở 320 con chim bồ câu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, không có giấy tờ kiểm dịch.
Anh Lê Minh Hoan ở thôn Lâm Châu, xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn thuê 43 ha mặt nước đầu tư nuôi ngao, hến, trong đó 38 ha ngao Bến Tre, 2 ha tôm, 3 ha cua.
Ghi chép chi tiết số lượng từng kg phân bón, ml thuốc bảo vệ thực vật mua về và sử dụng vào ngày nào,… vào quyển nhật ký đồng ruộng là một điều kiện cần có khi trồng rau theo qui trình VietGAP và được chứng nhận, một công việc không dễ dàng đối với một nông dân, kể cả nông dân có kinh nghiệm trồng rau lâu năm.
Sáng 13-7, tại TP. Nha Trang, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm bàn giải pháp hạn chế tổn thất chất lượng cá ngừ đại dương của nghề câu đèn (câu tay kết hợp ánh sáng).