Thủy Sản Rớt Giá
Hiện tại giá nhiều mặt hàng hải sản, đặc biệt là mực khô đang giảm mạnh, từ 40-50% so với thời điểm giá cao.
Thời điểm hiện tại đã bước vào mùa đánh bắt chính của vụ cá Nam, nhưng nhiều ngư dân ở Cà Mau đang do dự chuyện ra khơi vì sợ thua lỗ.
Ngại ra khơi vì lỗ
Theo nhiều ngư dân ở cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, thời điểm này hằng năm là vào mùa đánh bắt thủy sản chính vụ, phần đông là tàu câu mực (chiếm 60-70% ở Cà Mau), lẽ ra đã ra khơi. Song hiện tại họ lại đang băn khoăn.
“Việc đánh bắt trong những chuyến biển gần đây đã khó, giá các mặt hàng hải sản lại rớt thê thảm, có loại rớt giá hơn phân nửa so với mấy tháng trước”, ngư dân Đoàn Quốc Khởi, ngụ tại thị trấn Sông Đốc nói.
Do giá cả các mặt hàng thủy sản bất ngờ rớt giá nên hiện nay nhiều ngư dân ở địa phương còn ngần ngại chưa dám vươn khơi đánh bắt. “Gia đình đã đầu tư vốn vào 2 ghe hành nghề cào đôi đánh bắt mực. Thời gian trước giá mực cao nên việc đánh bắt có lời, tuy nhiên vẫn chưa lấy lại được vốn đầu tư thì đùng một cái giá giảm, nên ra khơi đánh bắt hay cho ghe nằm bờ vẫn là bài toán khó của gia đình hiện nay”, ngư dân Trần Văn Trường buồn bã nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vài tháng gần đây, giá mực khô giảm rất mạnh. Ở thời điểm trước tết mực loại lớn thương lái cân tại cảng giá 360.000 đ/kg, nay chỉ còn 270.000 – 280.000 đ/kg. Còn mực nhỏ giờ chỉ còn khoảng 150.000 đ/kg.
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, mực khô ở Cà Mau xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch số lượng lớn. Tuy nhiên còn quá lệ thuộc vào thị trường này nên khi họ ít "ăn hàng" là mất giá ngay.
“Giá cả các nhu yếu phẩm phục vụ cho việc đánh bắt ngày càng tăng, còn giá hàng thủy sản thì nay tăng mai giảm. Đó là chưa nói đến tiền nhiên liệu đầu tư cho mỗi chuyến biển đều tăng. Ví dụ như mỗi khi giá xăng dầu tăng, chỉ cần ở mức 200- 300 đ/lít thôi là chi phí đã đội lên cả chục triệu đồng rồi”, anh Khởi thở dài.
Ông Nguyễn Văn Tươi, ngư dân đánh bắt mực và bạch tuộc ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) cho biết, giá cả bấp bênh nên gần đây mỗi chuyến ra khơi câu mực về tàu ông lỗ gần 100 triệu đồng. “Tàu của tôi có công suất nhỏ nên lỗ như thế, chứ ngư dân nào có tàu công suất lớn còn chịu lỗ nhiều hơn sau mỗi chuyến đánh bắt”, ông Tươi nói.
Chỉ tính riêng tại thị trấn Sông Đốc có trên 1.300 tàu tham gia khai thác đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, lượng tàu vào bờ ngày càng nhiều, trung bình 50 chiếc mỗi ngày, trong đó có tàu ngoài tỉnh. Sản lượng khai thác hiện chỉ đạt 100 - 120 tấn/ngày. Hiện bà con ngư dân đang gặp khó vì sản phẩm đánh bắt mất giá.
Do không XK được
Trong khi các chủ tàu ghe đánh bắt đang nóng lòng vì bài toán lỗ lãi thì tại các cửa hàng mực khô ở Cà Mau lại nhộn nhịp cảnh mua bán. Điều này không mấy khó hiểu, nguyên nhân chính là do giá giảm, nhiều người tranh thủ mua để sử dụng hay cho tặng người thân.
Chị Tươi, chủ một cơ sở bán mực khô lớn ở TP Cà Mau cho hay, các loại mực khô hồi đầu năm có giá 400.000 - 500.000 đ/kg tùy kích cỡ, nay chỉ còn khoảng 200.000 - 300.000 đ/kg. Loại khô mực lớn nhất trước Tết Nguyên đán hơn 500.000 đ/kg thì nay chỉ còn khoảng 300.000 đ. Nhập giá cao, nhưng nay các cửa hàng buộc phải chịu lỗ 20- 25% để bán được hàng, vì hàng này không thể trữ lâu.
Không riêng gì giá mực khô tuột dốc, cá thu, cá nục… cũng là những mặt hàng khiến ngư dân lao đao. Nếu như ở thời điểm đầu năm, giá mặt hàng này từ 200.000 - 350.000 đ/kg thì nay còn 180.000 đ/kg; cá nục hiện chưa đến 50.000 đ/kg (giảm khoảng 15.000 đ/kg); cá ngừ 50.000 đ/kg (giảm hơn 10.000 đ/kg).
Lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương cho biết, nguyên nhân làm thủy hải sản rớt giá chủ yếu là do tình hình XK của các DN gặp nhiều khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Qua 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu thanh long ước đạt 16,9 triệu USD tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 11,8% tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp, chiếm 61,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản và chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu thanh long đã có biến chuyển tích cực, phát triển vào thị trường Mỹ, Hồng Kông và Qatar, tuy số lượng thấp, nhưng đây vẫn là điều đáng mừng của các doanh nghiệp.
Nhờ nguồn giống chất lượng cao, nước tưới dồi dào, chú trọng đầu tư thâm canh nên 3 tháng nay 7 sào lúa hè thu trên cánh đồng Cồn Mồ của anh Tám Duy Vinh ở huyện Duy Xuyên sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Đồng Tháp nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên đã dần thoát khỏi đói nghèo, trở nên khá giả, có hộ thu nhập gần 800 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Tường An, ấp Xuân Cầu, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An có 2 ha đất áp dụng mô hình V.A.C mỗi năm thu nhập hơn 500 triệu đồng.
Theo báo cáo của ngành chức năng, dịch lở mồm long móng tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) được phát hiện vào ngày 24-6, mặc dù huyện đã tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các cơ sở tích cực phòng chống, tuy nhiên đến nay dịch bệnh không thuyên giảm mà tiếp tục gia tăng nhanh.