Thành Công Nhờ Nuôi Bồ Câu, Lợn Siêu Nạc
"Trước kia gia đình anh Thủy là một trong những hộ nghèo nhất xã. Nhưng từ ngày anh nuôi chim bồ câu, lợn, gia đình anh trở thành hộ có thu nhập khá trong xã" - ông Lê Thanh Sơn - Chủ tịch Hội ND xã Yên Thành, huyện Yên Mô, Ninh Bình, cho biết.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Vũ Văn Thủy (thôn Tiên Dương, xã Yên Thành) kể: "Năm 1991, tôi lập gia đình. Sau khi cưới, hai vợ chồng chỉ có 1 sào ruộng của cha mẹ cho làm vốn. Tôi tính, nếu trông vào 1 sào ruộng để thoát nghèo thì không thể, nên tôi để vợ ở nhà làm, còn tôi đi làm phụ hồ kiếm tiền đầu tư vào chuồng trại để chăn nuôi".
Sau nhiều năm đi phụ hồ, dành dụm được ít tiền, anh Thủy về quê xây chuồng trại và mua 200 con vịt đẻ, hơn 100 con gà... hết gần 5 triệu đồng.
"Khi gà, vịt bắt đầu cho thu hoạch, đùng một cái dịch cúm tràn đến. Trong vòng có 2 ngày, vịt, gà chết không còn một con nào. Tất cả vốn liếng bỗng chốc mất trắng. Mang gà, vịt đi đào hố chôn mà lòng tôi đau như cắt" - anh Thủy nhớ lại.
Khi đó, vợ chồng anh chán nản không muốn làm gì. Anh em, bạn bè đến chơi động viên: "Mới thất bại có một lần mà đã gục ngã thì mãi cũng không thể thành công được". Nghe vậy, vợ chồng anh quyết tâm vay vốn làm lại từ đầu.
Nhận ra thất bại vì chăn nuôi theo phong trào mà không tìm hiểu kỹ thị trường và dịch bệnh, lần này anh Thủy đi khảo sát và học hỏi kinh nghiệm của những hộ chăn nuôi ở xã bên. Và anh đã tìm ra hướng đi mà địa phương anh chưa có ai làm, đó là nuôi chim bồ câu và lợn siêu nạc. Năm 2008, anh đầu tư hơn 10 triệu đồng mua giống lợn và chim bồ câu. Sau 6 tháng bán lợn, bồ câu, trừ chi phí anh lãi gần 50 triệu đồng.
"Thấy đây là hướng đầu tư đúng, tôi quyết định lấy toàn bộ tiền lãi này mở rộng trang trại và mua thêm giống. Đến nay, trung bình mỗi năm tôi thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Nhờ lợn và bồ câu, vợ chồng tôi đã xây được nhà khang trang, nuôi con cái ăn học" - anh Thủy cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình, anh Thủy bảo: "Muốn làm giàu phải có hướng đi đúng và phải ham học hỏi, không sợ thất bại, kiên trì rồi sẽ thành công".
Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn hướng dẫn nhiều hộ trong xã nuôi lợn siêu nạc, bồ câu. Không ít hộ được anh giúp đỡ đã thoát nghèo, có tích lũy.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày gần đây, giá mía tại vùng nguyên liệu huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có chiều hướng nhích lên. Tuy giá tăng, nhưng diện tích mía còn lại không nhiều và lợi nhuận của nông dân được cải thiện không đáng kể.
Tận dụng mảnh đất nhỏ sát bờ ao, gia đình ông Nguyễn Thành Lũy (ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) đã xây dựng chuồng trại để nuôi hàng ngàn con tắc kè, thu lợi trên 50 triệu đồng/năm.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, vụ nuôi tôm sú năm nay, người dân chỉ nên thả nuôi 1 vụ, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7. Đối với tôm chân trắng, có thể nuôi 2 vụ, vụ 1 bắt đầu từ cuối tháng 3, vụ 2 kết thúc trước tháng 11. Về mật độ nuôi, đối với tôm sú có thể nuôi từ 20 đến 25 con giống/m2; đối với tôm chân trắng vụ 1 nên thả với mật độ từ 80 đến 100 con giống/m2, vụ 2 thả thưa hơn với mật độ từ 60 đến 80 con giống/m2.
Hiện nay, những loài cá được liệt vào hàng quý hiếm trong tự nhiên đang bị khai thác quá mức, nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Do vậy, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài cá này đang trở nên cấp bách. Tuy nhiên, việc nhân giống và phát triển nuôi đối tượng này vẫn còn khá gian nan nên nguồn cung cấp cá giống khá khan hiếm và nguồn cung về cá thương phẩm lại càng hiếm hơn...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được vay vốn với lãi suất hợp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phối hợp với các cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Hội Nghề cá, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản… kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo trên đối với lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ cá tra tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long (khu vực chiếm khoảng 65% sản lượng cá tra nguyên liệu và 80 - 90% cá giống).