Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thanh Bình (Đồng Tháp) Liên Kết Tiêu Thụ Bắp Lai

Thanh Bình (Đồng Tháp) Liên Kết Tiêu Thụ Bắp Lai
Ngày đăng: 08/08/2014

Những năm qua, nhờ chuyển đổi sang trồng bắp lai trên nền đất lúa mà nhiều nông hộ ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã cải thiện được doanh thu đáng kể so với độc canh cây lúa như trước đây. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại nông sản khác, bắp lai vẫn “lận đận” trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Dẫu rằng, nhu cầu tiêu thụ bắp lai của thị trường trong nước rất lớn nhưng giá bắp nông dân bán tại ruộng thì lại rất “bèo” khi vào thu hoạch.

Xuất phát từ thực tế đó, ngành nông nghiệp huyện Thanh Bình chủ động xúc tiến, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp. Vụ hè thu năm 2014 là một cột mốc đáng nhớ đối với nông dân 5 xã cù lao của huyện Thanh Bình, khi cây bắp lai chính thức được Công ty CP Nông trại sinh thái Ecofarm liên kết tiêu thụ.

Bước đầu xây dựng mô hình, Công ty CP Nông trại sinh thái Ecofarm triển khai thí điểm 50ha, chia đều diện tích ở 5 xã: Tân Long, Tân Huề, Tân Hòa, Tân Quới, Tân Bình. Nông dân sẽ được công ty hỗ trợ bắp giống và phân hữu cơ với giá gốc và chỉ hoàn trả lại vốn đầu tư cho công ty sau khi kết thúc vụ mùa.

Anh Nguyễn Văn Tưởng ngụ ấp Bình Hạ, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình chia sẻ: Mặc dù trong quá trình thương lượng giữa bà con nông dân và công ty còn gặp một số trục trặc, do chưa thống nhất quan điểm.

Tuy nhiên, theo tôi, nếu những vướng mắc giữa doanh nghiệp và nông dân được giải tỏa, thì mối liên kết này mở ra nhiều triển vọng cho cây bắp lai ở đây. Vì so với các vụ trước, năm nay sử dụng phân hữu cơ vi sinh của Công ty Ecofarm không những tiết kiệm khoảng 40% chi phí mà năng suất bắp cũng vượt trội so với cùng kì năm trước.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, bên cạnh những mặt thuận lợi, thì mô hình liên kết cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là nông dân và các hợp tác xã vẫn chưa tạo được mối liên kết. Tiềm lực của các hợp tác xã còn yếu, nên khi doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết tiêu thụ thì các hợp tác xã không đủ khả năng để phát huy vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người nông dân.

Tuy nhiên, nhiều nông dân lại nhận định, năm nay nhờ có doanh nghiệp đến bao tiêu nên giá cả cũng bình ổn so với các năm trước, tình trạng thương lái ép giá khi vào chính vụ cũng hạn chế rất nhiều. Đây là tín hiệu vui cho cây bắp lai của huyện Thanh Bình.

Ông Nguyễn Văn Kẹm - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình cho biết: “Trong thời gian tới, Công ty CP Nông trại sinh thái Ecofarm dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích liên kết tiêu thụ bắp lai cho nông dân. Ngoài Công ty Ecofarm đang đầu tư, sắp tới chúng tôi mời gọi nhiều doanh nghiệp khác xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ bắp nhằm tạo sự cạnh tranh, động lực đẩy giá bắp tăng cao và ổn định hơn.

Trong vụ thu đông năm nay, Công ty Tài Lộc CNB - TP.Cần Thơ đã ký kết tiêu thụ 40ha bắp lai cho nông dân ở xã Tân Hòa. Theo đó, công ty đưa ra mức giá sàn thu mua là 3.600 đồng/kg, nếu giá thị trường có cao hơn thì công ty sẽ thu mua theo giá thị trường”.

Với những hiệu quả bước đầu đạt được, mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ bắp đã mở ra nhiều triển vọng trong việc định hình và phát triển vùng nguyên liệu bắp lai gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Có thể nói, mô hình đã mang đến cách nhìn mới trong nhận thức của nhiều nông dân về liên kết, hợp tác với doanh nghiệp.


Có thể bạn quan tâm

Bắp Biến Đổi Gen Đủ Điều Kiện Làm Thực Phẩm Và Thức Ăn Chăn Nuôi Tại Việt Nam Bắp Biến Đổi Gen Đủ Điều Kiện Làm Thực Phẩm Và Thức Ăn Chăn Nuôi Tại Việt Nam

Sau quá trình dài gần 5 năm tiến hành khảo nghiệm các giống bắp biến đổi gen trong môi trường thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu tại Việt Nam, thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT là bộ này vừa chính thức phê duyệt công nhận 4 giống bắp biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

18/08/2014
Phát Triển Rau An Toàn Cần Tính Khâu Tiêu Thụ Phát Triển Rau An Toàn Cần Tính Khâu Tiêu Thụ

Vài năm trở lại đây, diện tích trồng rau màu ở ĐBSCL không ngừng tăng trưởng, nhất là diện tích trồng rau màu theo hướng an toàn sinh học được chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương luôn khuyến khích. Ước tính toàn vùng hiện có trên 246.000ha, chiếm khoảng 30% diện tích màu cả nước.

18/08/2014
Người Dân Ồ Ạt Trồng Cây Bo Bo Tự Phát Người Dân Ồ Ạt Trồng Cây Bo Bo Tự Phát

Khoảng 5 năm trở lại đây, tại nhiều địa phương vùng cao, diện tích cây bo bo không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, xung quanh cây trồng này đang có những dấu hiệu bất thường bởi đầu ra sản phẩm không ổn định, thị trường tiêu thụ ở đâu không ai hay, thương lái thì không ngừng thu mua với giá cao.

18/08/2014
Rau An Toàn Câu Chuyện Về Chất Lượng Và Thị Trường Rau An Toàn Câu Chuyện Về Chất Lượng Và Thị Trường

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước có quy hoạch phát triển rau an toàn (RAT) với quy mô hàng ngàn ha. Nhưng đến nay, nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn, vậy chất lượng của RAT có thực sự bảo đảm như tên gọi.

18/08/2014
Nam Định Đưa Vào Hoạt Động Trung Tâm Nghiên Cứu Lúa Lai Syngenta Nam Định Đưa Vào Hoạt Động Trung Tâm Nghiên Cứu Lúa Lai Syngenta

Trung tâm được xây dựng trên diện tích 4 ha, với tổng kinh phí giai đoạn một là hơn 30 tỉ đồng. Ở giai đoạn này, Syngenta sẽ chủ yếu nhập khẩu nguồn gen lúa từ các trung tâm của tập đoàn trên thế giới để lai tạo bằng phương pháp truyền thống, đồng thời đầu tư trang thiết bị nghiên cứu. Dự kiến, đến năm 2017, Syngenta sẽ cho ra thị trường hai đến ba giống lúa lai chất lượng và năng suất cao.

18/08/2014