May áo giáp cho nông dân trước cơn bão thị trường
Phát biểu tại buổi Tọa đàm Tiến sỹ Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, để giúp nông dân có sức mạnh liên kết chặt chẽ với các đối tác ngành nông nghiệp cần phải “may” cho nông dân 3 tấm “áo giáp” để bảo vệ họ trước những “bão tố” của thị trường.
““Áo giáp” thứ nhất là nhóm các liên minh, liên đoàn, nghiệp đoàn, hiệp hội ngành hàng nông nghiệp.
“Áo giáp” thứ hai là nhóm các cơ quan tư vấn, thực thi chính sách phát triển trong sản xuất thương mại nông sản.
“Áo giáp” thứ ba là các tổ chức nghề nghiệp mang tính dẫn dắt và định hướng hộ nông dân, ở đây chính là các mô hình hợp tác xã,” ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Thịnh phân tích thêm, hai tấm áo đầu tiên có vai trò tác động vào việc soạn thảo và thực thi các chính sách của Nhà nước đồng thời bảo vệ nông dân trước sự chèn ép của các đối tác, đối thủ trên thị trường.
Chẳng hạn vừa rồi, giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm, các doanh nghiệp chế biến sữa bỏ mua sữa của nông dân, thì cần có tổ chức đứng ra can thiệp.
Theo Tiến sỹ Thịnh các mô hình liên kết như hợp tác xã của chúng ta hiện đang bị “lai” giữa tổ chức chính trị với tổ chức nghề nghiệp.
Vì vậy, phải chuyển sang hợp tác xã kiểu mới, là đơn vị cung cấp dịch vụ điều phối hoạt động, kiểm soát hoạt động sản xuất của nông dân.
“Trong hợp tác xã là một thị trường kép, xã viên vừa là người góp vốn vừa là người sử dụng dịch vụ của hợp tác xã, vì vậy phải cân bằng giữa lợi nhuận của xã viên và hợp tác xã.
Chúng ta đang thiếu những hợp tác xã như thế.
Theo ông Thịnh, hỗ trợ từ phía Nhà nước cần xem là chất xúc tác, chính quyền không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của từng hợp tác xã,” ông Thịnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm ông Lưu Quang Định, Chủ tịch Câu lạc bộ Phóng viên Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn cũng cho rằng nông nghiệp-nông dân-nông thôn hiện nổi lên 3 vấn đề quan trọng.
Một là, hội nhập sẽ tác động mạnh mẽ vào thị trường nông sản, đòi hỏi nông dân phải thay đổi để thích ứng và tận dụng được cơ hội.
Hai là, tái cơ cấu nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, người nông dân phải tổ chức lại sản xuất.
Ba là, liên kết nông dân tạo chuỗi sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh là xu thế tất yếu, điều này đòi hỏi vai trò của kinh tế hợp tác.
“Liên kết nông dân bền vững được xác định là mấu chốt chính sách quan trọng, nhằm đổi mới tổ chức sản xuất sau một thời gian dài không thực sự đem lại hiệu quả.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy hợp tác liên kết nếu được tổ chức tốt sẽ giúp phát huy nội lực của người nông dân và hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực tự nhiên và xã hội, từ đó đảm bảo lợi ích và chia sẻ rủi ro một cách công bằng hơn giữa các bên,” ông Định nêu rõ.
Tại buổi tọa đàm, Nhà báo Lưu Quang Định cũng thông báo về giải báo chí “Nông dân và Hội nhập.
" Đây là lần đầu tiên Câu lạc bộ Phóng viên Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn tổ chức giải báo chí.
Những tác phẩm dự thi là các tác phẩm được viết bằng tiếng Việt, được các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 1/1 đến 30/12.
Giải báo chí “Nông dân và Hội nhập" năm 2015 được gắn với chủ đề “Nông dân và Hợp tác,” các tác phẩm dự thi là những tác phẩm có tính phát hiện, phản ánh chính xác kịp thời các nội dung:
Những vấn đề của nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong mối quan hệ với những chính sách lớn ảnh hướng đến cuộc sống của họ, đặc biệt là các chính sách về hợp tác, hội nhập quốc tế, chính sách đất đai, giảm nghèo, phát triển bền vững.
Ban tổ chức cũng cho biết cơ cấu giải thưởng dự kiến sẽ bao gồm: một giải nhất: 15 triệu đồng, hai giải nhì: 10 triệu đồng, ba giải ba: 7 triệu đồng; trong trường hợp đặc biệt, Ban tổ chức và ban giám khảo Giải báo chí có thể quyết định trao thêm giải đặc biệt hoặc giải chuyên đề.
Địa chỉ nhận bài các tác phẩm dự giải báo chí gửi về: Ban tổ chức giải báo chí “Nông dân và Hội nhập”, Báo Nông thôn ngày nay, 13 Thụy Khuê, Hà Nội hoặc qua địa chỉ email: nongdanvachinhsach@gmail.com.
Có thể bạn quan tâm
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích lúa cả năm 2012 đạt gần 7,75 triệu ha, tăng 1,2% so với năm 2011; năng suất bình quân ước đạt 56 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn (+2,6%) so với năm trước.
Nghiên cứu mới nhất của Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết, xây đập trên dòng chảy chính tại khu vực hạ nguồn sông Mê Công có thể trở thành mối đe dọa đối với sự sống còn của loài cá tra dầu sinh sống tại đây.
Hàng loạt hộ nuôi nhím ở Phú Quý, Phan Thiết và Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đang gặp khó do không tiêu thụ được động vật có nguồn gốc hoang dã này. Cách đây không lâu, nuôi nhím trở thành phong trào rầm rộ khi hàng trăm hộ xây chuồng trại, mua con giống, đẩy giá nhím giống lên trên 10 triệu đồng/đôi.
Phân bón đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài tác dụng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh hại, phân bón còn có tác dụng tăng cường độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ môi trường.
Mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống trong thời gian qua gặp nhiều rủi ro do thời tiết, dịch bệnh. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất của Huyện ủy Năm Căn, năm 2012, UBND xã Hàng Vịnh (Cà Mau) phát động nhân dân thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến.