Diện tích rau an toàn trong cả nước mới chỉ chiếm dưới 10%
Đó là thông tin tại hội nghị mở rộng Ban chỉ đạo áp dụng Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap trong sản xuất trồng trọt và phát triển rau an toàn, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/11.
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết cả nước hiện có 880.000ha rau cung ứng cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, diện tích rau an toàn, rau VietGap chỉ chiếm dưới 10%.
Con số này cho thấy người tiêu dùng vẫn phải sử dụng các loại rau chưa đạt chất lượng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mặt khác, rau an toàn, rau VietGap do chưa có kênh phân phối, chưa có nhận diện thương hiệu, khó kiểm soát trên toàn chuỗi nên thường bị đánh đồng với những loại rau chưa đạt chất lượng khác.
Từ đó, khiến cho người tiêu dùng mất lòng tin, không biết phải mua rau đảm bảo chất lượng ở đâu, hệ lụy đến người làm rau theo tiêu chuẩn.
Ngay tại tỉnh Lâm Đồng, là địa phương có diện tích rau an toàn, VietGap nhiều nhất cả nước, nhưng cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc thực hiện, tiêu thụ.
Nhất là tình trạng hàng Trung Quốc giá rẻ, làm giả rau Lâm Đồng đang diễn ra nhưng rất khó xử lý, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của thương hiệu rau nơi này.
Một thực tế nữa, qua thanh kiểm tra, ngành chức năng phát hiện một số hoạt chất phun trừ sâu bệnh nằm trong danh mục bị cấm sử dụng trong sản xuất rau.
Đặc biệt, người sản xuất còn có xu hướng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ dịch hại với nồng độ và tần suất thường vượt quá quy định cho phép.
Theo ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, người tiêu dùng chỉ phân biệt được rau an toàn khi có tem nhãn nhận diện của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp tham gia vào sản xuất rau an toàn do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, bởi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rau dễ thối hỏng, hư hao..
Để thúc đẩy việc mở rộng sản xuất rau an toàn, ông Tâm cho rằng cần phải thay đổi tư duy, xác định an toàn thực phẩm là vấn đề an sinh xã hội, Nhà nước phải đầu tư, vào cuộc mới giải quyết triệt để được vấn đề này.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Bộ đang rà soát lại toàn bộ quy định về chứng nhận rau VietGap và rau an toàn.
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, gom nông hộ vào tổ hợp, hợp tác xã để vừa dễ quản lý, vừa kết nối được doanh nghiệp tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho nông dân.
Từ đó, mới giúp ổn định và mở rộng diện tích trồng rau Vietgap, rau an toàn, vừa nâng cao thu nhập cho người trồng và cũng tạo lòng tin với người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Những người nuôi ong ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng khi các trại ong của họ bị phá, các tủ nuôi bị xịt thuốc diệt côn trùng khiến ong chết. Nhiều người nuôi ong vì muốn yên thân đã phải tháo chạy khỏi những địa bàn này vì không muốn đối mặt nguy cơ sạt nghiệp.
Việc nông dân đốn quýt trồng gừng là cách làm tự phát, thiếu quy hoạch, dễ rơi vào tình trạng rớt giá, thậm chí lập lại cảnh 2.000 đồng/kg như năm 2012.
Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có rất nhiều diện tích lúa ở xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đang xanh tốt, bỗng dưng chuyển sang héo úa rồi chết. Cho rằng, lúa bị chết do nguồn nước ô nhiễm, rất nhiều nông dân đã làm đơn kiến nghị gửi các nơi, song cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào vào cuộc giải quyết.
Ngày 25.8, đại diện Sở NNPTNT Bình Định cho biết, trên địa bàn tỉnh ghi nhận đã có 14 hộ nông dân trồng khoảng 14ha cây mắc ca tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2014, diện tích chè cả nước đạt khoảng 130.000ha, tăng 4.400ha so với năm 2011.