Thăng Trầm Khoai Lang Xuất Khẩu
Vài năm trở lại đây, mùa thu hoạch, thương lái nhộn nhịp tìm đến huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long mua khoai lang xuất sang Trung Quốc, nhiều người dân đã làm giàu từ trồng khoai, diện tích trồng khoai lang cũng tăng nhanh chóng. Năm 2014, diện tích trồng khoai lang Bình Tân ước đạt 11.000ha nhưng tình hình tiêu thụ không còn khả quan như trước…
Kỹ sư Võ Văn Theo, Trưởng phòng NN& PTNT huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho rằng: "Chuyện xuất khẩu khoai lang Bình Tân đi Trung Quốc là chuyện của một huyện lẻ, vùng sâu nhưng là bài học xương máu cho việc sản xuất và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Kinh tế thị trường, chúng ta chấp nhận việc hàng hóa tăng giảm theo nhu cầu và giá thị trường.
Tuy nhiên cuộc chơi này ta bị thua ngay tại sân nhà do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là thương lái Trung Quốc cố tình dìm giá khoai". Năm 2014, diện tích trồng khoảng 11.000ha, ước sản lượng thu hoạch hơn 220.000 tấn; hơn 60% lượng khoai này phục vụ xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, nhưng nông dân trồng khoai không đạt lợi nhuận như mong đợi mà phần lớn lợi nhuận là của thương lái.
Anh Bùi Văn Lên, một thương lái cung cấp khoai lang cho các vựa khoai của thương lái Trung Quốc đóng hàng xuất khẩu, cho biết: "Thủ đoạn dìm giá của họ tinh vi lắm, mình làm không lại.
Khi thương lái người Việt gom khoai bán cho thương lái Trung Quốc đóng hàng, trong gần 10 vựa khoai đặt ở Thuận An và Rạch Múc, gần quốc lộ 1A thuộc huyện Bình Minh, mỗi ngày họ đưa ra một giá thống nhất thu mua cho 10 vựa khoai.
Khi mình đem khoai đến vựa thứ 1 bán, họ cho giá, nếu mình không đồng ý bán thì lui ghe đến vựa khác nhưng ngặt nỗi đến vựa khác thì họ chê và không mua, vì họ đã bắt tay nhau làm giá rồi.
Thiệt đủ đường khi bán khoai cho họ. Theo anh Lên, không ít thương lái Việt tự đóng hàng xuất khẩu và mở đại lý tại Trung Quốc, nhưng cũng không xong vì thương lái Trung Quốc hạ giá bán, bị lỗ vốn riết thương lái Việt phải lui về Việt Nam đóng hàng cung cho họ.
Từ năm 2007, khoai lang tím Nhật ở Bình Tân được thương lài Trung Quốc thu gom và xuất khẩu. Giá khoai lang tím Nhật trước đây từ 300 – 400 ngàn đồng/tạ nhưng khi thương lái Trung Quốc thu gom chở về nước loại khoai này tăng lên 700 -800 ngàn đồng, thậm chí có khi hút hàng giá tăng lên đến 1,3 triệu đồng/tạ.
Một số nông dân trồng khoai lang tím Nhật xuất khẩu trúng đậm và làm giàu. Từ đó, diện tích đất trồng khoai ở Bình Tân tăng liên tục.
Trung Bình mỗi năm Bình Tân tăng 1.000-2.000ha, sản lượng khoai lang từ 100.000 tấn/ năm vào năm 2007 đến năm 2013 tăng lên hơn 200.000 tấn. Diện tích khoai và sản lượng tăng lên nhưng giá cả không ổn định. Khi hàng khan hiếm thì giá khoai tăng lên hơn 1 triệu đồng/tạ. Phần lớn giá khoai lang xuất khẩu ổn định với giá 300 đến 600 ngàn đồng/tạ; với giá này, nông dân trồng khoai lời nhưng không nhiều.
Trừ tất cả chi phí đầu tư, thuê mướn nhân công, chỉ lời từ 10 triệu đến 30 triệu đồng/ha. Còn hiện tại, sản lượng lớn, xuất khẩu khó, nhiều nông dân đang bị lỗ vốn vì khoai bị sâu hại làm cho xuất khẩu không đạt, giá khoai liên tục sụt giảm trong khi chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu và nhân công thuê mướn tăng.
Kỹ sư Võ Văn Theo, Trưởng Phòng NN& PTNT huyện Bình Tân, cho rằng: "Giảm diện tích đất trồng khoai lang, đa dạng sản phẩm cây trồng; đa dạng đầu ra cho sản phẩm khoai lang xuất khẩu, nâng cao chất lượng khoai lang xuất khẩu… là hướng đi chính để nông dân Bình Tân giảm thiểu thiệt hại trước sức ép của thương lái Trung Quốc và tình trạng sâu hại đang hoành hành".
Có thể bạn quan tâm
Trồng dưa lưới từ năm 2016, nhưng phải mất 3 năm sau, lão nông Bùi Văn Phương ở Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên mới làm chủ được quy trình và công nghệ.
Ở xã vùng cao Nghiên Loan, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), trồng cỏ là nghề hái ra tiền.
Anh Đinh Văn Ngọc - thế hệ 9X phát triển thành công nuôi hàu ghép cá thương phẩm, trở thành tấm gương làm giàu cho thanh niên địa phương.
Nông dân tại Ninh Thuận ngày càng ý thức được vai trò của việc sản xuất cây ăn quả theo quy trình kỹ thuật bài bản.
Ở miền núi Thanh Hóa, mô hình trồng cây đậu thiều làm cây chủ để thu cánh kiến đỏ cho thu nhập gấp hàng chục lần trồng rừng, nhưng dân lại chưa mặn mà.