Đào rừng thốt nốt bán cho Trung Quốc
Nhiều ngày qua, các xe rơmooc “khủng” vào vùng Bảy Núi vận chuyển thốt nốt công khai
Còn xe rơmooc thì tấp nập chở cây thốt nốt đi nơi khác. Đó là những gì đã và đang diễn ra rầm rộ nhiều ngày nay ở các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Tịnh Biên, An Giang.
Dân bán cây thốt nốt vì… khó khăn
Ghé thăm ấp Đây Cà Hom, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên chúng tôi mới thấy không khí sôi động khi hàng chục người dân trai tráng đang hì hục đào bới xung quanh cây thốt nốt để bứng cây lên.
Tìm hiểu, chúng tôi biết được số người này đang làm thuê cho ông Bình (chưa rõ lai lịch). Nhiệm vụ của các nông dân là đào bới xung quanh cây thốt nốt để bứng lên còn nguyên rễ. Sau đó sẽ có nhóm khác đến dùng lưới B40 bó xung quanh rễ rồi dùng bao (loại bao chứa lúa) tiếp tục bao bọc lớp rễ đó cho sạch sẽ.
Anh Đỏ, quê ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên - trưởng nhóm này - cho biết nhóm anh có tám người chuyên đào cây thốt nốt và chặt cành, còn hai người khác có nhiệm vụ bao bọc rễ để vận chuyển.
“Anh em tôi chỉ làm mướn thôi, không biết gì hết, chỉ biết hết ngày là tính tiền. Anh thấy ai bó cây thì họ được 200.000 đồng/ngày, còn người đào thì 180.000 đồng/ngày, cơm nước tự lo” - anh Đỏ nói.
Theo quan sát của chúng tôi, ở khu vực này đã có năm cây thốt nốt tuổi đời trên 15 năm đã bị nhóm người này bứng xong và chuẩn bị cho xe kéo ra ngoài đường chính. Số còn lại khoảng chục cây cũng bị nhóm này nhắm đến và sẽ làm trong vài ngày tới.
“Từ sáng giờ nắng mệt nên anh em chỉ làm có bao nhiêu cây thôi. Chắc đến chiều đào được 3 - 4 cây nữa là xong ngày rồi” - anh Đỏ nói.
Theo những người này, bà con bán thốt nốt với giá dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/cây tùy kích cỡ và độ tuổi.
Trong khi đó, tại khu vực gần cầu Bưng Tiền, xã Văn Giáo đã có một xe đầu kéo chờ sẵn ven tỉnh lộ 948 để chuyển thốt nốt từ xe tải nhỏ qua xe đầu kéo này. Khi thấy chúng tôi ghi hình, một số người đã điện thoại liên tục và thậm chí là hù dọa.
Khác hơn hôm trước, lần này thương lái xuất hiện và nói họ mua các cây này mang về Hà Nội để…làm kiểng. Hôm 22-9, thương lái lạ vào mua 16 cây thốt nốt chất lên xe to đùng chuyển đi. Người chở thuê cho biết số cây thốt nốt được chở đi bán cho Trung Quốc.
Địa phương quyết giữ cây đặc sản truyền thống
Thốt nốt được xem là “linh hồn” của vùng Bảy Núi, An Giang từ xưa đến nay. Thế nhưng liên tục nhiều ngày qua, từng nhóm thương lái "miền ngoài" đã vào vùng này thuê nhân công đào bới khắp phum, sóc của bà con Khmer để bứng trọn cây thốt nốt.
Đâu đâu cũng thấy hố sâu của cây để lại quanh ruộng lúa người dân. Đó là chưa kể các cành, lá bị chặt bỏ ngổn ngang quanh ruộng lúa.
Ngày 23-9, ông Hồ Văn Đức, phó chủ tịch UBND xã Văn Giáo, cho biết hôm rồi mấy anh em ở ấp phát hiện và báo về xã là có người đến mua cây thốt nốt. Chính quyền cử đoàn thể đến làm việc thì người mua cho biết họ mua để bán cho Trung Quốc.
Chính quyền sau đó vận động bà con đừng bán vì chưa có căn cứ pháp lý gì để xử lý người mua. Đoàn vận động đã nói rõ với bà con giá trị của cây thốt nốt, khi trồng cây tới lớn và thu hoạch thì rất lâu.
Theo ông Đức, tuy giá bán hiện giờ cao nhất là 500.000 đồng/cây nhưng bà con thu hoạch nước làm đường thốt nốt chừng hai mùa là bằng giá bán cây. Hoặc cho thuê thì mỗi năm cũng được 500.000 - 800.000 đồng/cây tùy loại lớn nhỏ.
“Mình chỉ vận động cho bà con hiểu, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà bán đi, không bảo vệ được cây đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Nếu không có giải pháp căn bản thì chừng 2-3 năm nữa là không còn cây đặc trưng của vùng Bảy Núi” - ông Đức nói.
Còn ông Lưu Đức Vũ, phó chủ tịch UBND thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, cho biết tuy là ở địa phương có gần 100 cây thốt nốt, chiếm tỉ lệ ít so với huyện nhưng trước việc thương lái miền ngoài ồ ạt thu mua thốt nốt thì thị trấn đã tích cực tuyên truyền cho bà con hiểu rõ lợi ích của cây thốt nốt lâu dài hơn là chạy theo lợi ích trước mắt.
“Quan điểm cá nhân tôi cũng như chỉ đạo của UBND huyện đều thống nhất là vận động bà con từ ấp đến các ngành phải cố gắng tuyên truyền bà con giữ lại số cây này. Mình không thể bắt phạt họ mua hay bán cây này vì nó nằm ngoài doanh mục.
Theo tôi biết, cây thốt nốt khoảng 20 năm mới sử dụng được cho việc nấu đường, ăn trái nhưng bà con sống được với nó rất lâu. Nếu mất hết thì nguy cơ mất làng nghề, thương hiệu và cảnh quan khu vực là rất lớn” - ông Vũ nói.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, tình trạng buôn bán cây thốt nốt liên tục diễn ra trong vài ngày qua khiến dư luận hết sức lo ngại về diện tích trồng thốt nốt của hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Dù chính quyền hai huyện này đã có kiến nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang sớm đưa loại cây này vào danh mục cấm mua bán, vận chuyển nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Nếu không sớm có giải pháp kịp thời thì trong thời gian tới “linh hồn” Bảy Núi sẽ mất. Những hàng thốt nốt quanh co mọc hai bên ruộng lúa của đồng bào Khmer sẽ biến thành những hố sâu trống trải. Hai làng nghề truyền thống đường thốt nốt sẽ dần dần mất tiếng vì thiếu nguyên liệu.
Để 1 cây thốt nốt trưởng thành, mất it nhất 30 đến 50 năm. Thốt nốt có tuổi thọ có thể trên 100 năm.
Thốt nốt có khả năng chịu khô hạn, ngập nước, ưa sáng nhưng không chịu rét. Thốt nốt non ban đầu sinh trưởng chậm, về sau mọc nhanh hơn.
Rễ của cây thốt nốt cắm rất sâu trong lòng đất và nó trữ nước trong lòng đât với một số lượng kỷ lục.
Đốn nó đi, đồng nghĩa với việc mang đến những trận lũ lụt trong mùa mưa, và hạn hán trong mùa khô. Ngoài giá trị kinh tế, câ thốt nốt còn giúp con người che bóng mát trong những ngày hè oi bức, điều hoà khí hậu ôn hoà. T.Lan
Cắt lưới B40 để chuẩn bị cho việc bó rễ thốt nốt lại
Người này đang leo lên cây chặt cành thốt nốt chuẩn bị cho việc đào, bới tiếp tục
Nhiều người hì hục đào thốt nốt để kiếm tiền nhưng không biết đã làm mất dần “linh hồn” Bảy Núi
“Linh hồn” Bảy Núi đang mất dần
Hàng thốt nốt này đang bị nhóm thương lái lạ “ngắm” và sẽ bứng
Có thể bạn quan tâm
Đó là anh Nguyễn Xuân Long, ở thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Anh cho biết: Trước năm 2001 anh làm nghề sản xuất bay, bàn chà bán cho cánh thợ nề. Thấy đất vườn nhà rộng nên anh mua 200 gà ta giống về nuôi chơi, không ngờ “làm giỡn, ăn thiệt”, sau gần 3 tháng xuất chuồng lãi 4 triệu đồng.
Từ cuối tháng 9 đến nay, nông dân các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai như Thanh Mai, Bích Hòa, Cao Dương, Hồng Dương... hối hả bước vào vụ gặt. Theo các hộ nông dân, thời tiết nắng ráo như hiện nay rất thuận lợi cho việc thu hoạch và bảo quản thóc. Vụ mùa năm 2014, toàn huyện Thanh Oai gieo cấy 6.666 ha, trong đó, diện tích cấy các giống lúa lai có năng suất và chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, BC15, lúa lai Thái Xuyên 111... chiếm khá lớn.
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất lúa gạo của Đồng Tháp liên tục tăng mạnh. Diện tích gieo trồng hằng năm ước đạt 500 nghìn ha, sản xuất 2 - 3 vụ/năm. Năm 2013, diện tích trồng lúa của tỉnh tăng 514.803 ha, sản lượng 3,3 triệu tấn, đạt cao nhất từ trước đến nay.
Trước đây, ở Thanh Hóa nhiều người chỉ coi vụ xuân và vụ mùa mới là vụ sản xuất chính, chưa mấy coi trọng sản xuất vụ đông. Nhiều năm gần đây, các giống lúa ngắn ngày được lai tạo và du nhập ngày càng nhiều nên thời gian cho vụ đông được kéo dài, thuận lợi cho việc sản xuất.
Huyện Hàm Thuận Nam có diện tích thanh long dẫn đầu Bình Thuận. Trong những năm gần đây, người dân địa phương này đã quen dần thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với cây trồng chủ lực thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu các nước trong khu vực…