Thăng trầm chè Shan Tuyết
Xe lên cao dần, bỗng trong tai tôi vang lên tiếng “tách”, cùng lúc anh bạn đồng nghiệp của tôi bảo: “Đang ở độ cao gần 1.400m so mặt nước biển, Suối Giàng đây rồi!”.
Trầm mặc rừng chè
Đi quanh xã Suối Giàng, nhìn đâu cũng thấy chè, trừ đường giao thông và trong nhà. Những cây chè có gốc to hơn 1 vòng tay người ôm đứng trầm mặc, nhìn vào những gốc chè cổ thụ, tôi như được nghe tiếng thời gian từ trăm năm trước vọng lại.
Anh Vàng A Xềnh, cán bộ Địa chính - kinh tế xã Suối Giàng cho biết: “Trong 400 ha chè hiện đang có tại Suối Giàng, có 1 cây “cổ” nhất được dân địa phương “tôn” là cây chè tổ. Hàng năm, vào đầu xuân, người dân Suối Giàng bày mâm lễ dưới gốc chè này để cúng tạ ơn “ông thủy tổ” của loài chè đã cho họ cuộc sống no đủ từ thu hoạch chè và xin cho rừng chè ít bị chết, nẩy lộc nhiều để bà con có thu nhập cao hơn”.
Ông Giàng A Tếnh, người có hơn 30 năm làm cán bộ xã Suối Giàng, trong đó có 2 nhiệm kỳ làm lãnh đạo, hiện là Phó trưởng ban Dân vận huyện Văn Chấn cho biết: "Vào thập niên 70 (thế kỷ 20), trong hành trình đi tìm nguồn gốc cây chè, một viện sĩ người Nga đã đến Suối Giàng xin cắt cành chè của gia đình ông Sùng Tùng Sây để nghiên cứu.
Qua nghiên cứu, ông viện sĩ người Nga này công bố cây chè ở Suối Giàng có niên đại hơn 500 năm tuổi. Và cho rằng Suối Giàng là một trong những nơi phát tích của cây chè thế giới, sau đó mới lan rộng ra các vùng khác.
Đến những năm 1986-1987, tiếp tục một đoàn các nhà khoa học Nhật Bản lên Suối Giàng nghiên cứu văn hóa người Mông cũng xin cắt một cành chè về để… tính tuổi, kết quả cũng cho rằng cây chè ở đây đã có không dưới 300 năm. Họ lấy cây chè 100 năm tuổi ở Nhật Bản ra so sánh và cho biết cây chè này chỉ to hơn… cái chén, trong khi cây chè ở Suối Giàng to đến hơn 1 vòng tay người ôm.
Ðầu thế kỷ 20, người Pháp phát hiện ra rừng chè Suối Giàng, họ đem bạc trắng đổi lấy chè. Rẫy nhà nào có nhiều chè thì đổi được nhiều bạc trắng, mua được nhiều trâu, trở nên giàu có. Từ đó cây chè được chú ý chăm sóc, thậm chí còn được bà con người Mông ở đây trồng thêm.
Theo anh Vàng A Chảng, cán bộ Văn phòng UBND xã Suối Giàng, vào cuối thập niên 80 (thế kỷ 20) xã có kiểm đếm và thống kê số lượng cây chè cổ thụ trên địa bàn được 84.000 gốc. Từ đó đến nay, lũ mối đã “khai tử” khoảng chục ngàn cây. Tuy nhiên, hiện số lượng cây chè ở Suối Giàng vẫn ổ định số lượng ban đầu vì được người dân trồng bổ sung hàng năm.
"Hiện 400 ha chè ở Suối Giàng đã được giao cho 500 hộ dân trong xã quản lý. Nhà ai có nhiều con trai, sau khi chúng lập gia đình riêng phải chia hết diện tích chè thì sẽ trở nên khó khăn; nhà nào chỉ toàn con gái, sau khi chúng có gia đình ra ở riêng thì trở nên khá giả”, anh Chảng cho biết thêm.
Chè độc nhất vô nhị long đong
Trưa hôm đó, chúng tôi ăn trưa ở nhà cán bộ văn phòng xã Suối Giàng, anh Vàng A Chảng. Câu chuyện trong cuộc trà dư tửu hậu vẫn xoay quanh cây chè Suối Giàng.
Giải thích vì sao chè Suối Giàng có tên là chè Shan Tuyết, anh Vàng A Xềnh nói: “Cây chè Suối Giàng sống trên độ cao gần 1.400m so mặt nước biển nên phải chịu thời tiết khắc nghiệt. Để tồn tại, chúng tự phủ cho mình 1 lớp lông màu trắng trên đọt trông như tuyết nên được dân địa phương đặt tên là chè Shan Tuyết”.
“Do thương lái không trực tiếp đi mua, chỉ thông qua đầu nậu người Việt nên việc ngăn chặn gặp khó khăn. Chúng tôi chỉ khuyến cáo người dân không nên thu hoạch chè tom, vì dù bán được 2 triệu đ/kg khô nhưng phải hái cả “rừng” chè mới được 1 kg, hiệu quả kinh tế cũng không cao hơn so với thu hoạch chè 1 tôm 2 lá”, anh Vàng A Xềnh nói. |
Theo nông dân Vàng A Tùng (70 tuổi) ở thôn Bang Cáng, người đang quản lý 2.000 gốc chè từ năm 1976 cho biết: “Trước đây, khi thu hoạch tôi bẻ chè rất dài nên sản lượng đạt cao, khoảng 1 tấn/năm. Tuy nhiên, thu hoạch như thế thì chè không ngon, để bảo tồn thương hiệu, bây giờ tôi thu hoạch chè chỉ hái 1 tôm 2 lá, chỉ đạt 3 tạ/năm nhưng bán được giá cao hơn. Hiện nay, nếu bán chè tươi chỉ được 15.000 đ/kg, nhưng sấy khô sẽ bán được từ 200.000 -250.000 đ/kg”.
Theo ông Tùng, để có chè sấy khô phải rất kỳ công. Sau khi chiếc chảo đặt trên bếp lửa khô thì chè tươi được bỏ vào, mỗi mẻ sấy từ 4 - 5 kg tùy chảo to nhỏ. Chè trong chảo được đảo liên tục trong nửa tiếng đồng hồ, nếu để chỗ nóng chỗ nguội chè sẽ bị cháy, mất chất lượng, bán ít tiền. Sau khi chè chín đều thì được trút khỏi chảo, rải mỏng lên mẹt để nguội hẳn. Sau đó lại cho vào chảo nóng tiếp tục đảo đến khô.
“Khi chè đã khô khoảng 60% phải hạ lửa, mỗi mẻ chè phải sấy khoảng 3 tiếng rưỡi đồng hồ mới khô hẳn. Sao kiểu này mọi tinh túy của chè sẽ cô đọng lại. Chè sao thủ công trông xấu mã hơn nhưng rất chất lượng nên bán được giá cao”, ông Tùng nói.
Anh Vàng A Xềnh, người cũng đang quản lý 5.000 gốc chè, cho biết thêm: "Muốn chè ngon, hài từ sáng đến 12 giờ trưa phải đưa vào chế biến ngay, không để qua ngày chè sẽ bị mất chất lượng. Khi chế biến lửa phải to, đạt độ cực nóng thì khi ra thành phẩm, chế uống chè mới có nước màu xanh và có độ ngọt bền".
Theo bà Lâm Thị Kim Thoa, Chủ nhiệm HTX Suối Giàng thì hiện đơn vị này đã sấy chè bằng máy nhưng vẫn giữ chất lượng như sấy truyền thống. Dây chuyền này vừa xào vừa sấy, mỗi mẻ được 5 kg chè.
“Dây chuyền của chúng tôi có công suất sấy 1,5 tấn chè/ngày, nhưng vì làm chè đặc sản nên phải làm ít, làm kỹ, mỗi năm chỉ xuất xưởng khoảng 5 tấn chè khô”, bà Thoa cho hay.
Cũng theo bà Thoa, đầu ra của chè Suối Giàng hiện chưa được mạnh vì bị tư thương “chơi chiêu” mua chè Suối Giàng về trộn với loại chè khác bán với cái tên “chè Suối Giàng” nên làm mất lòng tin người tiêu dùng.
Ngoài bị mối đục gốc mà ngành BVTV vẫn chưa đưa ra được loại thuốc đặc trị khiến rừng chè cổ thụ bị chết dần chết mòn, hiện cây chè ở Suối Giàng còn bị lâm thêm một vấn nạn khác. Anh Vàng A Xềnh cho biết: “Hiện thương lái Trung Quốc thuê đầu nậu đến Suối Giàng kích bà con thu hoạch chè tom, nghĩa là chỉ hái 1 tom chè trên đọt để bán với giá cao. Thu hoạch tom chè kiểu này sẽ làm cây chè mất sức, giảm tuổi thọ”.
Có thể bạn quan tâm
Ba năm trở lại, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập 9 khu bảo vệ thủy sản, nhằm bảo vệ và khai thác thủy sản ở đầm phá ngày một tốt hơn.
Ở xã Thanh Hải (Lục Ngạn – Bắc Giang) ai cũng biết gia đình anh Đặng Văn Tiến, vợ là Nguyễn Thu Hà là đôi vợ chồng trẻ làm kinh tế giỏi. Chỉ tính nguồn thu từ cam đường Canh, bưởi Diễn và vải thiều, năm nay, gia đình anh Tiến đã được hơn 1 tỷ đồng…
Đứng trầm ngâm trước đống mía được chặt đang chờ xe tải đến bốc, bà Nguyễn Thị Hương ở xã Thành An, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), thở dài: “Năm nay nắng nóng kéo dài, năng suất mía rất kém, cộng với việc đốn mía chậm cũng khiến chữ đường trong mía giảm. Hơn nữa, với giá thu mua của Nhà máy đường An Khê (thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi), tính ra mỗi tấn mía của chúng tôi thu về chưa đến 700.000 đồng
Về xã Tân Trung, hỏi ông Hai Xích nuôi cá rô rất nhiều người biết bởi cái tính chịu khó, luôn tìm tòi trong sản xuất kinh tế. Ngay con đường vào nhà ông là hai ao nuôi cá rô được ông thiết kế bài bản, tạo sức hấp dẫn đối với những ai đến tham quan mô hình nuôi cá của ông.
UBND TP.HCM đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển TP.HCM nông thôn dự thảo Quy định về quản lý nuôi chim yến và quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.