Tôm Thẻ Chết Đỏ Đồng
Nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng ở các xã Phước Đồng, Vĩnh Thái, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đang điêu đứng, khánh kiệt vì tôm đổ bệnh chết hàng loạt. Nhiều gia đình mất bạc tỷ chỉ sau một vài đêm.
Tại thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng, hộ anh Trần Trung Hiệp có kinh nghiệm nuôi tôm hơn 10 năm cũng đành chấp nhận cảnh trắng tay, khi tôm mới thả hơn nửa tháng thì chết sạch. Anh Hiệp cho hay, trước khi thả nuôi anh đã xử lý ao đúng kỹ thuật nhưng tôm vẫn dính bệnh. “Vụ này gia đình tôi thả hơn 10 triệu con giống (giá 350 ngàn đồng/vạn con), nuôi hơn nửa tháng thì tôm có biểu hiện bơi lừ đừ, bỏ ăn rồi chết dần chết mòn. Thấy tôm chết, tôi đứt ruột đứt gan, chạy bổ đi mua thuốc về phòng trị. Các loại thuốc tôi dùng vẫn như mọi khi: Hividin, BioQuats nhưng tôm không qua khỏi mà còn chết nhanh hơn. Thấy tình hình không ổn, tôi liền gọi thương lái vào bán non để gỡ gạc, nhưng vì tôm quá nhỏ nên bán chẳng ai mua” - anh Hiệp nói như mếu.
Anh Hiệp còn cho biết thêm, tất cả vốn liếng gia đình anh đã dồn vào vụ tôm này, bây giờ trắng tay, thiệt hại gần 2 tỷ đồng, gia sản không những đã sạch bách mà còn thiếu nợ ngân hàng chồng chất. Được biết, tình cảnh nợ nần vì tôm chết không chỉ riêng đối với anh Hiệp mà là thực trạng phổ biến của bà con nuôi tôm nơi đây.
Tiếp tục băng qua cầu Bà Thắng đến vùng nuôi tôm thuộc xã Vĩnh Thái, chúng tôi thấy nhiều chủ đìa đang phải xuất bán tôm non vì tôm cứ chết nổi ngày qua ngày. Cả cánh đồng tôm không khí nặng nề, ảm đạm. Vụ tôm bất thành, ao đìa bốc mùi tôm chết oi nồng, máy móc bỏ ngổn ngang. Nhiều hộ xả đìa thấy tôm chết đỏ đáy mà nản lòng không thèm nhặt.
Cũng như bao hộ khác, gia đình anh Hồ Tiến Dũng, thả 40 vạn tôm giống cho 4 ha đìa. Nuôi được hơn 50 ngày, anh Dũng cũng phải gọi thương lái vào bán gấp. Anh Dũng cho biết: “Tôi nuôi 2 đìa tôm nhưng đều xảy ra tình trạng tôm chết. Lúc đầu tôi nghĩ tôm chết là do đến chu kỳ (độ tuổi), sức đề kháng tôm yếu đi nên tăng cường thuốc đề kháng. Tuy nhiên mất bao nhiêu tiền thuốc mà tôm chết vẫn cứ chết. May mà tôi xuất bán non trước một đìa, thu được gần 1 tấn, bán ra với giá 50 ngàn/kg còn gỡ gạc được đồng vốn”.
Bên cạnh đìa của anh Dũng là đìa tôm của anh Trương Bảo Hưng. Anh Hưng ở nơi khác, vào đây thuê 2 ha đìa thả 60 vạn giống, nuôi khoảng 45 ngày thì tôm chết nổi đỏ đìa. Nhà anh sấp ngửa thu non, bán với giá 35 ngàn đồng/kg (thấp hơn 60% so với thị trường), chịu lỗ hơn 50 triệu đồng. Hiện tại, anh Hưng còn một đìa tôm nữa nuôi được gần 2 tháng, nhưng tôm vẫn cứ chết rải rác dù anh đã dùng nhiều biện pháp phòng ngừa. "Tôi đang tìm người mua, xuất bán non rồi chạy làng thôi anh ạ" - anh Hưng nói.
Nhận định lý do tôm chết, các hộ nuôi tôm ở đây cho rằng, nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm, bởi xung quanh khu vực có nhiều nhà máy chế biến thủy sản xả thải. Bên cạnh đó, do con giống không đảm bảo chất lượng, mật độ thả quá dày cũng là những nguyên nhân được đặt ra.
Chị Nguyễn Thi Lệ (xã Phước Đồng), là thương lái thu gom tôm ở đây cho hay, hiện nay tôm cỡ lỡn đang có giá, cụ thể, tôm loại 1 có giá trên 100 ngàn/kg (size 70 con/kg); loại 2 có giá 80 - 100 ngàn/kg. Tuy nhiên, do bà con nuôi tôm xuất bán non nên giá thu mua dao động từ 30 - 50 ngàn/kg tùy loại, thiệt hại rất lớn.
Có thể bạn quan tâm
Người chăn nuôi gia cầm đang phải chịu nhiều rủi ro vì giá thức ăn, dịch bệnh, đầu ra cho sản phẩm… Để tránh những rủi ro này, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ngày càng nhiều hộ gia đình chuyển hướng sang chăn nuôi gia công cho DN trong và ngoài nước. Đây đang là mô hình chăn nuôi ít rủi ro do được bao tiêu sản phẩm.
Từ kết quả này, trong thời gian tới, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên tiếp tục thả nuôi nhiều đối tượng thủy sản nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại đầm Ô Loan nhằm góp phần cải thiện môi trường sinh thái và ổn định sinh kế cho người dân 5 xã sống quanh đầm.
Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01 làm đệm lót chuồng nuôi. Theo các hộ chăn nuôi, mô hình trên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường.
Công ty TNHH Bayer Việt Nam vừa phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) tổ chức hội thảo mô hình trình diễn giống lúa lai TEJ vàng sản xuất trong vụ Thu 2014 tại thôn Định Trường, xã Vĩnh Quang.
Những ngày gần đây giá hành lá ở các tỉnh ĐBSCL liên tục tăng cao. Chiều 24-8, thương lái ở Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp… thu mua hành lá tại ruộng với giá 650.000- 700.000 đồng/tạ, cao gấp nhiều lần so thời điểm đầu năm 2014.