Nuôi Cá Chim Trắng Cần Lưu Ý
Mặc dù Bộ Thuỷ sản đã chính thức công bố hai mẫu cá nuôi tại Đồng Nai là cá chim trắng chứ không phải cá dữ piranhas, theo nhiều chuyên gia, vẫn không nên phát triển đại trà loài cá này. Chỉ nên nuôi thử nghiệm trong điều kiện quản lý nghiêm ngặt, trước khi có kết luận cuối cùng về sự an toàn của chúng.
Ông Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2, cho biết theo quy ước quốc tế, tất cả các loài nhập nội đều phải được nuôi thử nghiệm để địa phương hoá trước khi nuôi đại trà. Việc nhập cá chim trắng để đa dạng hoá thành phần cá nước ngọt là điều cần thiết. Tuy nhiên, đối với một số vùng nhạy cảm như vùng lũ lụt như ĐBSCL, khả năng cá thoát ra ngoài tự nhiên là rất lớn. Và cũng có khả năng nó mang một số mầm bệnh truyền cho các loài động vật bản địa. Nếu thả ra ngoài môi trường tự nhiên, nó có thể sẽ phát huy bản năng hoang dã. Ví như ốc bươu vàng, khi nuôi trong trại thì không có vấn đề gì, nhưng để ra ngoài tự nhiên thì chúng lại phát triển thành dịch phá lúa.
Theo ông Hảo, cá chim trắng muốn nhân giống phải có chuyên môn nhất định, chứ không đẻ tự nhiên được. Nếu chúng ta cho ngưng sản xuất giống hoặc ngưng phân phối giống vào những vùng rủi ro lớn thì chúng sẽ không phát tán nữa. Ông Hảo cũng cho biết việc tổ chức hội thảo khoa học về loài cá chim trắng lúc này là cần thiết, bởi kết luận chính thức sẽ được đưa ra, tránh cho người dân phải hoang mang.
Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Môi trường nguồn lợi thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2, khuyến cáo các địa phương không nên phát tán cá chim trắng một cách rộng rãi, cũng không nên nuôi trên bè trên sông, vì có thể cá sẽ thoát ra tự nhiên dễ dàng. Ông đề nghị chỉ nên nuôi thử nghiệm cá chim trắng ở những vùng đất nuôi an toàn, có đê bao cao, có đăng, lưới che chắn; nên thu hoạch toàn bộ rồi hãy nuôi đợt khác.
Tuy nhiên, liệu khuyến cáo trên ở thời điểm hiện nay có quá muộn, khi mà cá chim trắng đã không còn được "nuôi khảo nghiệm" nữa, mà đã có mặt trong các ao hồ ở nhiều tỉnh, từ bắc vào nam? Chủ một doanh nghiệp cung ứng giống cá chim trắng từ ĐBSCL cho biết, số lượng cá bột mà ông mua từ Quảng Ninh về mỗi lần được tính bằng con số hàng triệu, và mấy ngày qua, ông còn tồn khoảng 3 triệu con giống tại trại. Những người nuôi cá ở thị xã Vĩnh Long cũng cho hay cá chim trắng được nuôi với số lượng vài chục nghìn con mỗi bè không phải là chuyện hiếm.
Ông Tùng cho biết, sắp tới Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 sẽ nghiên cứu kỹ cá chim trắng trong môi trường tự nhiên ở khu vực Nam Bộ, nơi có điều kiện khí hậu rất giống với vùng Amazon, làm cơ sở khoa học cho việc nhận định cá chim trắng có là mối hiểm họa đối với môi trường tự nhiên hay không.
Còn theo tiến sĩ ngư lợi học Lê Minh Viễn, “trong hoàn cảnh vẫn còn nhập nhằng phân biệt giữa cá chim trắng và cá piranhas thì nhà quản lý không nên nhập thêm nữa. Phải đến tận từng ao nuôi, kiểm tra từng bè để xác định rõ ràng số cá hung dữ và tiêu diệt ngay. Không nên vì lợi ích trước mắt mà để lại hậu quả nặng nề sau này”.
Có thể bạn quan tâm
Dù hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) được ký kết ngay từ đầu vụ nhưng đến khi thu hoạch, một trong hai bên có thể “bẻ kèo” khi giá lúa biến động nhiều. Để đảm bảo hợp đồng không bị phá vỡ, ngoài uy tín của DN, niềm tin của nông dân, vai trò điều tiết trung gian của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương rất quan trọng.
Trước đây, nông dân thu hoạch lúa phải thuê nhân công cắt tay, gom - tuốt lúa và phải chuẩn bị phương tiện vận chuyển đường thủy mang về nhà. Lại phải phơi khô lúa rồi đón ghe bán. Thời nay, đã có máy gặt đập liên hợp, thương lái đến tận đồng thu mua lúa tươi. Vì vậy, thu hoạch xong, nông dân chỉ việc chờ cân lúa và… đếm tiền.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đang triển khai trồng mới, trồng lại chè. Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh sẽ trồng mới, trồng lại 1.600 ha chè, trong đó 1.500 ha được hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); 100 ha được tỉnh hỗ trợ kinh phí.
Vụ hè thu này toàn tỉnh Trà Vinh có gần 800 ha trồng khoai lang tím nhật, tập trung chủ yếu ở Duyên Hải, Cầu Ngang và huyện Trà Cú, đến nay thu hoạch được gần 80% diện tích, số còn lại đã quá ngày thu hoạch nhưng vẫn không tìm được người mua.
Mô hình được thực hiện với diện tích 1ha trên chân đất vàn, tầng canh tác dày tại xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải. Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình chịu tránh nhiệm tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân, với hình thức gieo mạ non trên nền đất cứng.